Nuôi Cá Lồng Bè Tại Lòng Hồ Thủy Điện Sông Tranh 2 Ở Quảng Nam

Năm 2012, lần đầu tiên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đưa mô hình nuôi cá lồng bè vào nuôi thí điểm tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Tân). Mô hình này đã thành công và đang được nhân rộng, đem lại hướng sinh kế mới cho người dân bị mất đất vùng thủy điện.
Tận dụng lợi thế mặt nước trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, tháng 6.2012, huyện Bắc Trà My hỗ trợ hộ bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 4, Trà Tân) 100% tiền mua cá giống, thuốc chữa bệnh, 70% chi phí đầu tư lồng bè, 50% thức ăn cho cá để thả nuôi thí điểm 5.000 con cá giống. Sau 6 tháng thả nuôi, bà Hoa thu hoạch được hơn 12 tấn cá, trừ tất cả chi phí bà thu nhập hơn 60 triệu đồng.
Ngoài ra, hằng ngày tại khu vực nuôi cá lồng bè này bà còn đánh bắt cá tự nhiên, trung bình mỗi ngày thu nhập từ 300 - 400 nghìn đồng. Bà Hoa cho biết: “Mới đầu tôi thấy chi phí bỏ ra để đầu tư quá lớn đối với gia đình, nhưng nhờ chính quyền huyện hỗ trợ một phần chi phí nên cũng mạnh dạn nuôi thử. Tôi nuôi chủ yếu cá diêu hồng. Tháng 3 vừa qua cho xuống giống tiếp 12.000 con giống và làm thêm 2 lồng để nuôi cá lát, vì cá lát hiện nay rất được giá và thị trường đang chuộng”.
Thành công từ mô hình thí điểm đã mở ra hướng sinh kế mới cho người dân. Hiện nay mô hình này đang được nhân rộng, nhiều hộ đã phấn khởi tham gia và làm bè nuôi mới. Cách lồng bè của bà Hoa khoảng 200m là lồng bè của ông Trần Văn Tuân. Ông Tuân vừa thả hơn 5.000 con cá giống vào tháng trước và hiện tại tỷ lệ sống của đàn cá này là hơn 90% và đang phát triển tốt. Kế cận lồng bè của ông Tuân không xa là lồng bè đang làm dang dở của ông Trần Văn Mậu.
Lúc chúng tôi đến, ông Mậu đang tất bật với việc kết gỗ làm nốt 2 lồng còn lại. Bà Chính (vợ ông) đang chuẩn bị bữa cơm trưa ngay trên thuyền cho nhóm thợ giúp gia đình làm lồng bè. Ông Mậu tâm sự: “Thấy chị Hoa làm ăn có hiệu quả, dù không có nhiều tiền nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn để mua cá giống nên tôi bàn với vợ quyết tâm đầu tư làm lồng bè. Khoảng 5 ngày nữa là chúng tôi có thể hoàn thành và bắt đầu thả cá giống”.
Theo một số người dân nuôi cá, hiện tại trên thị trường đang tiêu thụ mạnh cá diêu hồng, cá lát, giá bán trung bình 40 - 50 nghìn đồng/kg cá diêu hồng, và 70 - 80 nghìn đồng/kg cá lát. Vì thế, những hộ nuôi cá lồng bè đang tập trung đầu tư cho hai loại cá trên. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Huyện đang khuyến khích người dân nuôi cá bằng cách hỗ trợ 100% vốn cá giống và khoa học kỹ thuật, sau khi thu hoạch thì hoàn vốn.
Đồng thời, đầu tư mạnh để nhân rộng mô hình tại các xã xung quanh đập thủy điện Sông Tranh 2 và ở các xã có điều kiện như xã Trà Dương với đập thủy điện Sông Ron… Với những thành công bước đầu như vậy, chúng tôi tin tưởng mô hình nuôi cá lồng bè sẽ trở thành một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

UBND TPHCM vừa có văn bản triển khai quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Theo đó, Chi cục Thú y lấy mẫu định kỳ 6 tháng/lần để giám sát chặt tình hình dịch tễ các nhà nuôi yến trên địa bàn và lấy mẫu kiểm tra đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cúm gia cầm xảy ra. Ngoài ra, TP yêu cầu các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh các nhà nuôi yến ngoài khu vực quy hoạch.

Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.

Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.

Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.

Mới vào đầu vụ thu hoạch điều nhưng người trồng điều đã cảm thấy bất an khi giá cứ giảm mỗi ngày. Đầu vụ, mỗi kilôgam điều giá 27 ngàn đồng thì khoảng 10 ngày sau chỉ còn 24-25 ngàn đồng. Giá điều tiếp tục giảm khiến nông dân nhấp nhổm như ngồi trên lửa.