Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Lồng Bè Hiệu Quả Ở Kiên Hải

Nuôi Cá Lồng Bè Hiệu Quả Ở Kiên Hải
Ngày đăng: 27/02/2014

Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang, toàn huyện có 23 hòn đảo lớn nhỏ trải dài trên một vùng biển tương đối rộng.

Ven các đảo có nhiều vịnh kín gió cùng với môi trường nước tốt, thích hợp để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng bè trên biển.

Xác định tiềm năng lợi thế của địa phương, trong thời gian qua Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên biển, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đó nghề nuôi cá lồng trên biển phát triển khá nhanh, tạo thành phong trào nuôi rộng khắp trên địa bàn huyện, nhân dân đã mạnh dạn huy động các nguồn vốn để đầu tư nuôi cá tăng thu nhập gia đình, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương. Nếu như năm 2008 nghề này chỉ phát triển ở các xã Nam Du và An Sơn với khoảng 101 hộ nuôi, 270 lồng nuôi, thì hiện tại mô hình nuôi cá lồng trên biển đã phát triển đều trên 4/4 xã của huyện với 209 hộ nuôi, 714 lồng nuôi.

Đến nay, nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã mang lại kết quả rất khả quan cho người dân huyện đảo Kiên Hải, nhiều hộ ngư dân đã có thu nhập cao từ mô hình nuôi cá lồng bè trên biển, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng hàng năm. Trung bình mỗi lồng nuôi khoảng 50m3 sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 30 triệu đồng. Lợi nhuận lớn nên đã giúp nhiều người nuôi cá ở Kiên Hải từ chỗ kinh tế trung bình trở nên khá giả, nhiều hộ từ chỗ làm ăn khó khăn cũng đã tiến dần lên chỗ có tích lũy.

Năm 2013, vượt qua những khó khăn như dịch bệnh, nguồn cung cấp thức ăn và con giống hạn chế, cũng như đầu ra cho sản phẩm nuôi, nghề nuôi cá lồng trên biển của huyện cũng có bước phát triển khá, là nghề mang lại hiệu quả sản xuất cao cho nhân dân trên đảo.

Sản lượng thu hoạch năm 2013 đạt trên 520 tấn cá thương phẩm (chủ yếu là cá mú và cá bớp), giá trị sản xuất đạt trên 120 tỉ đồng, tăng 31,76% so với năm 2012, đạt 108% so với kế hoạch đề ra.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển còn kéo theo nhiều nghề khác phát triển như: nghề cung cấp thức ăn cho cá, cung cấp thuốc cho cá, thu mua vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch… Ngoài ra, còn đóng góp rất lớn trong việc giữ gìn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Mô hình nuôi cá lồng trên biển phát triển là nguồn cung cấp hải sản tươi sống có thể chế biến tại chỗ theo yêu cầu của du khách, cùng với vẻ đẹp hoang sơ của biển đảo tạo nên những điểm tham quan vô cùng lý thú nơi biển đảo, từ đó tạo điều kiện phát triển dịch vụ du lịch, thương mại tại địa phương.

Ông Lương Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết: Để mô hình nuôi cá lồng trên biển tại địa bàn huyện Kiên Hải phát triển ngày một bền vững hơn, hiệu quả hơn, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII nhiệm kỳ 2010 - 2015, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng biển đảo theo chủ trương của Chính phủ. Trong thời gian tới, huyện Kiên Hải sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

Khẩn trương thực hiện hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản ven các đảo của địa bàn huyện đến năm 2020.

Phát triển thêm một số các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế đưa vào nuôi thử nghiệm nếu phù hợp với điều kiện nuôi của huyện và có hiệu quả thì nhân rộng để đa dạng hóa đối tượng nuôi.

Tăng cường công tác Khuyến nông - Khuyến ngư nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng và hoàn thiện qui trình nuôi bằng các loại giống cá cho đẻ nhân tạo và nuôi bằng thức ăn công nghiệp để giải quyết vấn đề khó khăn về con giống và thức ăn trong quá trình nuôi.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân sản xuất thức ăn công nghiệp và giống nhân tạo tại địa phương để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản biển. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè trên biển.

Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với sự nhạy bén, sáng tạo của nhân dân trên địa bàn huyện, hy vọng rằng trong thời gian tới mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của huyện sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập cao cho người dân đất đảo, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Hải.


Có thể bạn quan tâm

Ngành Chăn Nuôi Cần Ngăn Ngừa Bùng Phát Dịch Bệnh Ngành Chăn Nuôi Cần Ngăn Ngừa Bùng Phát Dịch Bệnh

Đồng hành với việc chăn nuôi phát triển là dịch bệnh xuất hiện. Khoảng 1 thập niên qua, dịch bệnh trong chăn nuôi xuất hiện nhiều hơn, lan rộng và nhanh hơn, như cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng làm ngành chăn nuôi không ít lần lúng túng, người nuôi lao đao vì thiệt hại nặng nề.

18/07/2013
Vững Tin Giảm Nghèo Vững Tin Giảm Nghèo

Sau 10 năm (2003-2012) tham gia hoạt động ủy thác tín dụng ưu đãi với Ngân hàng CSXH, các cấp Hội Cựu chiến binh Việt Nam (CCBVN) đã góp phần giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho hội viên.

18/07/2013
Cá Lồng Chết Hàng Loạt Ngay Đầu Mùa Lũ Cá Lồng Chết Hàng Loạt Ngay Đầu Mùa Lũ

Vào khoảng giữa tháng Sáu đến nay, tại 2 xã Phúc Sạn và Tân Mai thuộc vùng hồ sông Đà, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra hiện tượng cá nuôi trong lồng, bè bị chết hàng loạt.

18/07/2013
Tương Lai Nào Cho Bảo Hiểm Thủy Sản? Tương Lai Nào Cho Bảo Hiểm Thủy Sản?

Thực tế là, trong khi chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện BH thủy sản thì tại ĐBSCL, Nhà nước đã thực hiện thí điểm thành công. Tuy nhiên, việc có tiếp tục được hết thời gian thí điểm hay không, có thể triển khai ra diện rộng hơn hay không... lại là một câu chuyện khác.

18/07/2013
Nuôi Cá Vược Trên Sông Gianh Nuôi Cá Vược Trên Sông Gianh

Ngoài việc vươn khơi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển, hiện nay người dân thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) mở thêm một nghề mới đó là nghề nuôi cá vược trên đoạn sông Gianh chảy qua địa phương. Nghề nuôi cá vược tuy mới mẻ nhưng kỳ vọng sẽ mở ra một hướng làm ăn mới giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...

18/07/2013