Nuôi Cá Chình Bông Bằng Bể Xi Măng

Để đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An (Phú Yên) đã chủ trì thực hiện dự án Nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm bằng ao xi măng ngoài trời do kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cán bộ quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản xã An Ninh Tây (Tuy An) làm chủ nhiệm.
Kỹ thuật nuôi đơn giản
Theo kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cá chình bông có khả năng sống được ở nhiều thủy vực nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Cá thích bóng tối nên ban ngày thường chui rúc trong hang, dưới đáy bể; tối mới bò ra đi kiếm ăn và di chuyển nơi khác. Những lúc trời mưa, cá thường hoạt động mạnh. Cá chình bông phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25 đến 27ºC, hàm lượng oxy hòa tan 2 đến 5mg/l. Là loài ăn tạp, nguồn thức ăn tự nhiên của cá chình bông là tôm, cá con, động vật đáy và các sinh vật thủy sinh. Khi còn nhỏ, thức ăn chính của chúng là động vật phù du và trùn ít tơ.
Cá chình bông là loài di cư: Cá mẹ đẻ trứng ở biển sâu, cá con sau đó trôi dạt vào vùng cửa sông kiếm ăn và lớn lên. Đến lúc trưởng thành, cá lại về biển đẻ trứng. Chính vì tập tính này mà hiện nay, việc sinh sản nhân tạo cá chình còn rất khó khăn và nguồn cá giống chủ yếu vẫn được đánh bắt trong tự nhiên. Ở Phú Yên, cá chình bông con thường được đánh bắt ở sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An).
Theo kinh nghiệm của kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, để chuẩn bị nuôi cá chình bông, đầu tiên, cần làm tốt khâu chọn giống. Cỡ giống tốt nhất khoảng 100g/con, khỏe mạnh, đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh. Giống mua về để ổn định nhiệt độ trong khoảng 15 phút, sau đó thả vào trong bể nhỏ bơm sẵn nước (30cm), sục khí mạnh; tắm nhanh qua nước muối (30‰) từ 3 đến 5 phút rồi thả vào nơi đầu nguồn nước với mật độ 5 con/m2. Để cá chình phát triển tốt, cần chọn địa điểm nuôi có nguồn nước sạch, vị trí yên tĩnh, thuận tiện trong giao thông, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, có nguồn thức ăn dồi dào. Bể nuôi có diện tích 60m2, chia thành 2 phần với vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cá trong quá trình nuôi. Tường bên trong bể láng nhẵn. Đáy bể không tráng xi măng mà được phủ một lớp đất sét dày 5 đến 10cm với độ sâu từ 1,8m đến 2m. Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 50cm đồng thời có ống cấp nước đặt cách mặt bể 50cm.
Bể sau khi xây xong, ngâm phèn chua (100g/m2) 2 lần (2 ngày/lần), sau đó chà sạch bằng bẹ chuối, cấp và xả nước 3 đến 4 lần kết hợp với phơi nắng trong 2 tuần. Bên trên bể nuôi cần thiết kế mái che bằng tre và lưới trủ nhằm đảm bảo các yếu tố trong môi trường bể nuôi ổn định. Người nuôi cần bổ sung vòi sục khí (10 vòi/bể), sàn ăn có kích thước 60cm x 80cm (bố trí gần nơi thoát nước), hệ thống máy bơm nước, máy tạo dòng và ống nhựa làm chỗ trú ẩn cho cá. Để hạn chế thất thoát cá vào mùa mưa, mỗi bể nuôi cần bố trí lưới bao ở bề mặt bể. Tóm lại, bể nuôi chình phải chắc chắn, đảm bảo các điều kiện cần thiết để cá chình phát triển tốt.
Nhân rộng mô hình
Theo kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, huyện Tuy An nói chung, xã An Ninh Tây nói riêng có điều kiện thích hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, huyện Tuy An chủ yếu phát triển các đối tượng nuôi nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Nghề này mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế: rủi ro, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Với mục đích đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, huyện Tuy An đã thực hiện nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong bể xi măng ngoài trời.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An: “Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở Tuy An. Mô hình này bước đầu đã cho thấy hiệu quả khả quan: Chình phát triển tốt, ít dịch bệnh, giá cả ổn định, đầu ra rộng mở. Đây hứa hẹn sẽ là vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần ổn định đời sống của người dân”.
Ông Hồ Anh (An Ninh Tây, Tuy An), 1 trong 3 hộ dân tham gia nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông cho biết: “Cá chình bông là vật nuôi mới, còn nhiều lạ lẫm với người dân chúng tôi. Ban đầu, khi tiếp cận với vật nuôi này, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các cán bộ kỹ thuật, hiện tại, “trình độ” nuôi cá chình của các hộ dân chúng tôi phần nào đã vững vàng.
Tự tin vào tay nghề của mình nên năm sau tôi sẽ mở thêm một ao nữa. Với giá bán 400.000 đồng/kg như hiện nay, người dân chúng tôi sau một vụ nuôi 18 đến 24 tháng có thể thu lãi được 70.000 đến 80.000 đồng/con. Vụ này tôi chỉ nuôi 300 con để làm quen với kỹ thuật nuôi, nhưng khi đã nắm vững, tôi sẽ nuôi theo kiểu gối đầu để năm nào cũng có chình xuất bán. Như vậy lợi nhuận sẽ nhiều hơn”.
Theo thiết kế mô hình ban đầu, cả xã An Ninh Tây có 3 hộ tham gia nuôi cá chình bông thương phẩm nhưng hiện nay, chỉ riêng thôn Bình Thạnh (An Ninh Tây) đã có 5 hộ nuôi, nhiều hộ có vốn cũng đang dự định nuôi mới hoặc tăng thêm số ao nuôi. Do có lợi thế gần biển, nguồn thức ăn cho cá chình dồi dào mà kỹ thuật chăm sóc cũng không quá phức tạp nên trong thời gian tới, quy mô nuôi cá chình cũng như số hộ tham gia nuôi ở huyện Tuy An sẽ còn tăng lên.
Có thể bạn quan tâm

Đặc biệt, sau khi hình thành lòng hồ thủy điện Sơn La, nuôi cá lồng bè được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo để khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá tầm trên khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La và thu được kết quả tốt, tạo sản phẩm đa và nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi. Theo các nhà khoa học, cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn.

Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả XK của mặt hàng tôm, với giá trị XK cao nhất từ trước tới nay, đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2013. Trong đó, phần lớn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến XK chủ yếu được nuôi tại các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Ngoài đầu tư về kinh phí, Chi cục đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm ở những vùng đã nuôi cá lồng; hướng dẫn nông dân cách làm lồng cá, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh trưởng, kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh phù hợp; kiểm tra lồng thường xuyên, vệ sinh lồng định kì...

“Năm ngoái, giá cá tra cũng có những thời điểm biến động nhưng nhìn chung tương đối ổn định, giá cá tra nằm ở mức khá. Do đó những hộ nuôi cá tra nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, có kỹ thuật nuôi tốt thì có thể kiếm được lợi nhuận khá. Năm nay, giá cá tra tăng ngay từ đầu năm nên nông dân nuôi cá hy vọng giá cá sẽ tiếp tục có những chuyển biến thuận lợi cho nông dân nuôi cá”- ông My chia sẻ.