Nuôi Cá Chạch Thu 20 Triệu/tháng

Theo chân ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai, Hà Nội, chúng tôi đến thăm cánh đồng nuôi cá chạch trong ruộng lúa ở xã Nghĩa Hương. Xa xa đã thấy những chiếc xe máy, xe đạp đang chờ để cân cá chạch mang về cho các thương lái để xuất đi Trung Quốc hoặc bán trong các chợ lớn ở Hà Nội…
Ông Thắm cho biết: Mô hình nuôi cá chạch trong ruộng lúa đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt cá chạch, theo đông y là một món ăn thuốc, có tác dụng bổ khí huyết, tăng cường sinh lực. Chính vì vậy thị trường tiêu thụ cá thương phẩm trong nước và các nước Đông Nam á rất mạnh. Hiện nay toàn huyện Quốc Oai có 20 hộ vừa nuôi cá chạch vừa nuôi cua đồng. Trạm đang có kế hoạch xây dựng mô hình nuôi tập trung khoảng 5ha.
Anh Nguyễn Huy Lưỡng, người đầu tiên chúng tôi gặp, cho hay: Năm 2004, nhờ chủ trương dồn điền đổi thửa anh được giao 2 mẫu (Bắc bộ) trong đó có 7 sào đất cấy lúa, 4 sào ao thả cá mè, cá chép, còn lại anh làm trại nuôi heo, trồng bưởi Diễn. Sau một năm cấy lúa, qua tính toán trừ chi phí thấy không lời bao nhiêu.
Đang loay hoay với mấy sào lúa tình cờ anh đọc báo thấy giới thiệu các mô hình nuôi cá kèo ở Nam bộ, anh chợt nghĩ nuôi cá chạch khác gì cá kèo, mình thử nuôi xem sao? Sau nhiều đêm trăn trở anh quyết định chuyển sang nuôi cá chạch trong ruộng lúa. Lúc đầu anh vừa đi bắt và mua được 7 – 8 kg cá chạch giống, do thiếu kinh nghiệm, bờ bao không chắc chắn, trời mưa cá chạch theo đường nước chảy đi gần hết. Rút kinh nghiệm từ vụ cá chạch đầu tiên, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư xây bờ bao (xây từ đáy ruộng lên, có thể cao từ 80cm - 1m) với tổng diện tích 7 sào để nuôi cá chạch.
Anh chia sẻ kinh nghiệm: Nuôi cá chạch rất dễ, ai nuôi cũng được, khi thả giống cần chọn những con to khoẻ, đồng đều không bị trầy. Lưu ý mua của những người bắt ngoài tự nhiên, có thể bắt bằng tay hoặc đơm bằng ống tre (không mua cá chạch giống bị chích điện). Nên thả vào mùa xuân (tháng 2 – 3 dương lịch, khi cây lúa được 30 ngày tuổi). Mật độ thả 20 con/m2, tuỳ theo cá chạch lớn hay nhỏ, thả cá chạch giống sau 2-3 ngày tiến hành cho ăn. Thức ăn cho cá chạch rất đơn giản, dễ kiếm, chỉ cần bắt ốc bươu ngay tại ruộng lúa, mang về xay nhỏ trộn với cám viên lại, tuần cho ăn 2 – 3 lần. Nên cho ăn vào buổi chiều tối từ 5 – 6 giờ.
Qua việc nuôi cá chạch trong ruộng lúa, gia đình anh Nguyễn Huy Lưỡng kinh tế ngày một khá lên, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh còn cung cấp con giống và tư vấn kỹ thuật cho các hộ nuôi cá chạch ở trong và ngoài huyện. Học cách làm của anh nhiều gia đình đã thành công.
Muốn cho cá chạch phát triển tốt cần thay nước thường xuyên, xung quanh ruộng lúa đào mương sâu 1 – 1,2m, rộng từ 2 – 3m trên thả bèo tây để chống nóng. Sau khi nuôi được 6 tháng bắt đầu thu lứa đầu, con nào to thì cân cho thương lái, con nhỏ tiếp tục nuôi đến cuối năm bán hết. Cách thu rất đơn giản, dùng vó nhỏ làm bằng mùng xô đặt xuống ruộng lúa, cho cám lúa rang lên cho thật thơm, ném xuống khoảng 10 phút sau nhấc vó lên bắt cá chạch cân bán. Giá bán cá chạch thương phẩm hiện nay từ 50.000 – 60.000đ/kg, thời điểm hút hàng giá bán từ 100.000 – 120.000đ/kg.
Từ mô hình của anh Lưỡng, rất nhiều người đến tham quan, học hỏi và đã thành công như anh Nguyễn Hữu Thức ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, nuôi cá chạch trong 1 ha lúa. Qua trò chuyện anh Thức tâm sự: Nuôi cá chạch rất dễ, ít bệnh, đầu tư chi phí thấp. So với cấy lúa thì nuôi cá chạch nhàn và lãi cao hơn nhiều.
Cùng suy nghĩ với anh Thức, anh Nguyễn Văn Hay ở thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai cũng tận dụng diện tích cấy lúa của gia đình để nuôi cá chạch. Anh kể: Từ khi nuôi cá chạch kinh tế gia đình dần dần ổn định, tới đây anh dự kiến mở rộng diện tích nuôi cá chạch.
Có thể bạn quan tâm

Gọi hoạt động mua bán cá ngoài biển khơi là chợ trên sóng là bởi, cảnh mua bán rộn ràng ngang ngửa với chợ trên bờ, nhưng đồng thời cũng không thiếu những khung cảnh thơ mộng, lãng mạn của sóng nước. Hàng ngày, trên vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan, Phù Mỹ (Bình Định) có đến vài chục chiếc tàu rẽ sóng tìm đến những mẻ cá còn tươi rói của ngư dân vừa kéo lên khỏi mặt nước, ngay trên ngọn sóng.

Năm 2013 vừa qua, dân nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng thắng lớn cả về sản lượng và giá. Toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 9.500ha nuôi tôm (trong đó có 2.500ha nuôi tôm chân trắng) với tổng sản lượng trên 8.000 tấn; giá bán trên thị trường dao động trong khoảng 150.000-210.000 đồng/kg (cao hơn từ 70.000-100.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2012).

Nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu thịt heo sạch cho Đồng Nai, đầu năm 2012 hơn 25 hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, gồm các xã: Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, Gia Tân 2 và Gia Tân 3 đã lên kế hoạch thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi heo. Theo đó, các hộ sẽ liên kết với nhà cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nhà phân phối…

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức ký kết Chương trình hành động sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, với sự tham gia của Sở NN&PTNT các tỉnh thành, Văn phòng Trung ương Đảng cùng nhiều Bộ ngành có liên quan.

Chưa hết buồn vì năng suất niên vụ mía giảm, lỗ vốn đầu tư, nông dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại thêm phần lo lắng bởi mía đã chặt nhưng phơi khô trên ruộng do xe chở mía bị một nhóm người chặn lại, không cho vận chuyển về nhà máy.