Nuôi Cá Ao Đang Gặp Khó Khăn Về Giá Ở Bến Cầu (Tây Ninh)

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì mô hình nuôi cá ao tự nhiên ở huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đang phát triển, được nhiều nông dân hưởng ứng và muốn nhân rộng. Thế nhưng, bên cạnh hiệu quả đem lại thì bà con nuôi cá đang phải đối mặt với nỗi lo canh cánh về đầu ra sản phẩm.
Nuôi cá ao, bà con chủ yếu tận dụng những ao hồ đã có sẵn gần đê bao, kênh mương thuỷ lợi và sử dụng nguồn nước tự nhiên để nuôi cá. Cá thả nuôi có nhiều loại như cá tra, trê lai, cá chép, rô phi, cá trắm cỏ… Các loại cá này dễ nuôi, có nhiều nguồn thức ăn từ tự nhiên và mỗi loại sống một tầng nên tiết kiệm được chi phí cho cá ăn, cũng như dễ thu hoạch đối với từng loại cá theo từng thời điểm. Vì thế, mô hình này đang được nhiều bà con tham gia để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Khi thu hoạch, thường thì cá nuôi được bán cho thương lái. Trước đây, việc nuôi cá chưa phát triển, giá cả thương lái mua là khá cao, nhưng nay có nhiều hộ nuôi nên giá cả thương lái mua ngày càng giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân.
Đến thăm xã Long Khánh thuộc huyện Bến Cầu hiện nay cho thấy, mô hình nuôi cá đang được mở rộng và năng suất đạt khá cao, nhưng thu nhập thì lại giảm đáng kể. Như hộ gia đình của ông Huỳnh Văn Lòng, ngụ ấp Long Châu, xã Long Khánh có 2 ao cá với tổng diện tích trên 2.000m2, trước đây cứ 6 tháng cá cho thu hoạch một lần, mỗi lần trừ chi phí lời trên 11 triệu đồng. Thời gian gần đây sản lượng cá nuôi tăng, giá cả chẳng những giảm mà có khi thương lái còn làm khó không chịu cân cá. Ông Lòng cho biết: hiện tại giá cá thu mua rất thấp, chỉ từ 6.000 - 15.000 đồng/kg tuỳ loại, trong khi cá bán ở chợ có khi lên đến 40.000 đồng/kg.
Thấy giá cá quá thấp, một số hộ nuôi quyết định không bán cá cho thương lái mà chuyển sang bán lẻ tại nhà cho bà con trong khu vực có nhu cầu với giá khá hơn - khoảng 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, để tiêu thụ được cá, một số hộ còn tổ chức cho câu cá ao giải trí. Với cách làm đó, một số hộ - tuy tiêu thụ cá chậm nhưng hạn chế được tình trạng bị thương lái ép giá.
Ở xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tình hình nuôi cá ao tự nhiên của bà con nông dân cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hộ gia đình chị Loan, ấp Long Hưng, xã Long Thuận có ao nuôi rộng hơn 3.000 m2 đến khi thu hoạch cũng bị lái ép giá, để tránh tình trạng đó chị đành chịu khó bán lẻ tại nhà.
Bán cá lẻ là cách giúp bà con nuôi cá bán được giá cao hơn thương lái mua. Thế nhưng việc bán lẻ không phải là cách giải quyết lâu dài - nhất là khi diện tích nuôi cá ngày càng lớn và số lượng cá nuôi ngày càng tăng. Do đó, bà con nuôi cá mong mỏi các ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra cho cá ổn định với giá cả phải chăng, giúp bà con tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và tạo điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra mới được ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, đang thu hút sự quan tâm của giới thương nhân, người nuôi... Theo đó, hoạt động nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra thương phẩm là một ngành kinh doanh có điều kiện. Con cá tra Việt Nam được gắn “vòng kim cô” tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc...

Nắng nóng, thiếu nước uống và thức ăn đã làm cho gia súc tại một số địa phương bị chết hàng loạt. Việc phòng và chữa bệnh cho đàn gia súc trong điều kiện khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt như hiện nay là điều hết sức cần thiết.

Tháng 7/2012, Tổ hợp tác sản xuất nuôi bồ câu ở Thiện Nghiệp đi vào hoạt động với tên gọi Tổ hợp tác sản xuất đoàn kết tại thôn Thiện Sơn (Thiện Nghiệp, Bình Thuận), có 10 tổ viên tham gia. Tổ hợp tác cung cấp bồ câu thịt, giống và thu mua, tư vấn kỹ thuật nuôi bồ câu cho các địa phương lân cận.

Nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, những năm gần đây người dân ở một số xã như: Cao Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Trung... (Ngọc Lặc - Thanh Hóa) đã đưa cây dứa gai vào trồng xen với cây cao su trên diện tích đất đồi dốc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Từ một xã có xuất phát điểm thấp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap, đến nay, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm - Hà Nội) vươn lên xếp thứ 2 trong thực hiện chương trình này của huyện với 18/19 tiêu chí đã hoàn thành.