Nuôi bò vỗ béo hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình ở xã Vĩnh Lợi (An Giang)

Nuôi bò vỗ béo là một mô hình dễ làm và thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mang lại thu nhập khá cao. Từ xưa, việc chăn nuôi bò theo quan niệm của người nông dân nơi đây thì việc nuôi bò chỉ là phần phụ góp phần tăng thêm nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây với nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Lợi thì việc nuôi bò vỗ béo đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình và nó đang mở ra một hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình cho bà con nông dân.
Ông Trần Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi cho biết: “Nghề nuôi bò vỗ béo bò xuất hiện cũng khá lâu ở địa phương, lúc trước người dân chủ yếu là chăn nuôi theo phương thức đơn giản như nuôi từ lúc bò mẹ đẻ ra đến lúc thịt, một số khác thì mua bò, bê về nuôi chăn thả, tận dụng nguồn cỏ có trong tự nhiên, nhưng trong 3 năm trở lại đây thì mô hình này trở nên rất phát triển, được bà con trong xã chọn nuôi mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình”.
Tìm hiểu thực tế ở địa phương, đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hậu (ngụ ấp Hòa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi) là một trong những người dân đi đầu và duy trì hiệu quả mô hình nuôi bò vỗ béo, anh Hậu phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 6 công cỏ, nuôi được 20 con bò, trung bình từ 18 - 20 tháng với 1 con bò vỗ béo như vậy trừ hết chi phí gia đình tôi còn lãi khoảng 15.000.000 - 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, gia đình tôi còn tận dụng phân bò để làm mô hình Bioga sử dụng nguồn điện sinh hoạt trong gia đình, làm khí đốt nấu ăn hàng ngày và dùng để chạy máy lấy nước tắm cho bò. Mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm thêm trên dưới 200.000 đồng”.
Có thể thấy, đối với xã thuần nông như Vĩnh Lợi thì trong phát triển kinh tế gia đình thì nuôi bò vỗ béo là mô hình được nhiều hộ gia đình chọn nuôi. Bởi vì, bò là vật nuôi ít bị rủi ro, bệnh tật, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn cho bò cũng ở mức thấp, chủ yếu lấy công làm lời, thu lãi cao. Nguồn thức ăn để nuôi vỗ béo bò khá phong phú và dễ tìm, ngoài rơm, rạ dồi dào sẵn có sau mỗi vụ thu hoạch lúa tại chỗ, người chăn nuôi chỉ cần trồng thêm cỏ Voi, cỏ VA06 kết hợp pha trộn một số loại thức ăn hỗn hợp là nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Hậu, để nuôi bò vỗ béo đạt hiệu quả cao thì việc chọn con giống và cách chăm sóc bò là yếu tố quyết định. Anh Hậu cho biết thêm: “Khi chọn bò giống phải chọn bò mập mạp, cao, lưng bò rộng, dài đòn, vai đôi. Trong quá trình nuôi mỗi ngày phải tắm bò và vệ sinh chuồng trại từ 3 - 4 lần; cho bò ăn đầy đủ và cho ăn thúc ở giai đoạn khi còn từ 2 – 3 tháng xuất chuồng.
Chăm sóc bò tốt trong giai đoạn này giúp bò mướt, đẹp, trọng lượng cao, sẽ dễ bán cho thương lái. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần tiêm 2 loại văcxin cho bò: 1 mũi tiêm bồi dưỡng và 1 mũi tiêm ngừa lỡ mồm - lông móng để bò không bị bệnh, tránh thiệt hại trong quá trình nuôi”.
“Theo thống kê, toàn xã có 115 hộ tham gia nuôi vỗ béo bò với tổng đàn 402 con, tập trung nhiều nhất ở ấp Hòa Lợi 2 và ấp Hòa Lợi 3. Người dân ở xã nuôi bò chủ yếu là tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tận dụng những khoảng đất trống quanh nhà để trồng cỏ làm thức ăn cho bò.
Để góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, thời gian qua về phía chính quyền địa phương thì UBND xã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện như: Trung tâm dạy nghề, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông mở nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn những kiến thức cho bà con về kỹ thuật chăn nuôi, điển hình là mô hình nuôi bò vỗ béo.
Qua các lớp tập huấn này bà con sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản như: chọn con giống, cách chế biến thức ăn cho bò, nhận biết dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn của xã định kỳ mỗi tháng còn tổ chức các đợt tiêm phòng vắcxin tụ huyết trùng, lỡ mồm lông móng... Trồng cỏ nuôi bò là một mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”. Ông Trần Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi cho biết thêm.
Những năm gần đây, với giá bò ổn định ở mức cao nhiều nông dân ở xã Vĩnh Lợi và những xã lân cận huyện Châu Thành như: Cần Đăng, Vĩnh Hanh, Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận… đã đầu tư nguồn vốn chăn nuôi bò vỗ béo; đặc biệt có những hộ đầu tư nuôi với qui mô trên 20 con, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình một cách ổn định.
Đối với xã Vĩnh Lợi trong 3 năm qua có nhiều hộ thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò vỗ béo. Về phía chính quyền địa phương trong những tháng đầu năm 2015, UBND xã đang cũng chỉ đạo cho Hội Nông dân xã phối hợp cùng với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức lớp tập huấn truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi bò, giới thiệu nguồn vốn vay hỗ trợ cho bà con nhân rộng mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.
Nuôi bò vỗ béo hướng đi mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hy vọng với cách làm hay cộng với điều kiện tự nhiên của địa phương tương lai sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài góp phần ổn định cuộc sống cho người dân vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Sản xuất nấm với việc tận dụng những nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền và cho giá trị kinh tế cao đang được nhiều người dân nông thôn ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi trồng và nhân rộng mô hình làm kinh tế hiệu quả này, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH&CN) tỉnh Bắc Ninh gấp rút chuẩn bị tăng lượng giống nấm, sẵn sàng cùng nông dân bước vào mùa vụ mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam.

Cây chôm chôm trồng được nhiều nơi ở miền Nam nhưng có lẽ không nơi đâu cho trái to đẹp, chất lượng ngon ngọt bằng chôm chôm trên đất cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Thương hiệu “chôm chôm Tân Phong” chiếm trọn niềm tin của khách hàng phía Nam nhiều năm nay bởi chất lượng vượt trội.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, có 40 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu đến thị trường 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt hơn 1,3 triệu tấn, trong đó thanh long đạt hơn 697.000 tấn, dưa hấu gần 300.000 tấn, nhãn hơn 100.000 tấn, vải hơn 70.000 tấn, chôm chôm 600.000 tấn…

Các tổ hợp lúa lai F1 thế hệ mới tích hợp nhiều gene quý có tiềm năng cho năng suất cao, khả năng thích ứng rộng, kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có chất lượng cao hơn và có hương thơm… Đây chính là niềm tự hào của lúa lai Việt Nam.