Nuôi Bò Thịt, Mô Hình Giảm Nghèo Ở Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Phát huy lợi thế của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thuần nông, thời gian qua, nuôi bò thịt đã trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả được người dân huyện Hồng Ngự chú trọng.
Với việc đầu tư chuồng trại tại hộ gia đình, tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt làm nguồn thức ăn chính nên mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Trang Văn Cọp, ấp Long Thạnh A, xã Long Khánh A gắn bó với nghề nuôi bò thịt trên 10 năm. Trước đây gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, mỗi mùa vụ cả gia đình đi cắt lúa mướn để trang trải cuộc sống, con cái không được học hành. Nhờ chí thú làm ăn, ông Trang Văn Cọp đã nhận bò giống về chăn nuôi với hình thức nuôi rẻ, (khi bò sinh sản lứa bê đầu tiên ông được sở hữu, lứa bê thứ 2 người đầu tư con giống sở hữu).
Vậy mà đến nay đàn bò của ông đã lên đến chục con. Ông vừa xuất bán 7 con bò thịt được trên 100 triệu đồng để cất lại ngôi nhà mới khang trang. Hiện tại, ông cũng chia cho mỗi người con 1 con bò giống để nuôi phát triển kinh tế.
Xã Long Khánh A là địa phương có tổng đàn bò lớn nhất trên địa bàn huyện, với trên 1.300 con, chiếm 65% tổng đàn bò toàn huyện, tập trung nhiều ở ấp Long Thạnh A, Long Thạnh B, Long Phước. Các hộ chăn nuôi khai thác bãi chăn thả trên các đồng cỏ tự nhiên và chủ động nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp (chủ yếu là cây bắp) nên đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, người chăn nuôi đã chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò bằng việc thay thế giống bò cỏ truyền thống bằng giống bò lai, đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Lò, ấp Long Thạnh A, xã Long Khánh A cho biết: “Gia đình tôi không có đất sản xuất nên nuôi bò là mô hình phù hợp cải thiện kinh tế. Hiện tại gia đình nuôi 4 con bò giống, nếu bỏ công nuôi 1 năm cũng kiếm được từ 9 - 10 triệu đồng/con”.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi bò đối với nhiều hộ gia đình ở huyện Hồng Ngự không còn là nguồn kinh tế phụ, giải quyết thời gian lao động nông nhàn mà người dân đã chú trọng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nuôi bò thịt và bò nái sinh sản, sau đó xuất bán tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Ông Phạm Hồng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A cho biết: “Định hướng của xã là phát triển mô hình này nên mỗi năm xã đều tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, biện pháp ủ rơm để tạo thức ăn cho bò. Đồng thời vận động các hộ có vườn tạp không hiệu quả chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò. Hiện nay đàn bò có thể giúp giảm nghèo, tăng thu nhập cho các hộ trung bình của địa phương”.
Mô hình chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện Hồng Ngự bước đầu được người dân đánh giá cao và mong muốn tiếp tục duy trì, mở rộng.
Có thể bạn quan tâm

Ngay từ đầu vụ thả tôm, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến hiện tượng tôm suy dinh dưỡng, chậm lớn, dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các địa phương đang tập trung nhanh cho việc thu hoạch tôm vụ 1 nhưng hầu hết các hộ nuôi đều cùng chung cảnh lao đao vì thất thu.

Chi cục Thủy sản Hậu Giang vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Vị Thủy tiến hành khảo sát thực tế để tìm hiểu nguyên nhân cá nổi đầu hàng loạt trên một số tuyến kênh thuộc địa bàn xã Vị Thủy; đồng thời tiến hành đo chỉ tiêu DO (oxy hòa tan) tại hiện trường và thu mẫu để phân tích một số chỉ tiêu chất lượng nước.

Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong kế hoạch phát triển chăn nuôi thuỷ sản huyện Đại Từ (Thái Nguyên) năm 2015. Theo đó, huyện sẽ thả 58.500 con cá giống (các loại: trắm, chép, trôi, mè) trên diện tích 15ha mặt nước của 3 hồ: Lưu Quang, xã Minh Tiến; Vai Cái, xã Văn Yên; Cầu Trà, xã Yên Lãng. Trong tháng 7 này, các đơn vị sẽ phối hợp để hoàn thành thả cá giống tại tất cả các hồ theo kế hoạch.

Với bờ biển dài gần 200km và có nguồn lợi thủy sản dồi dào, Bình Thuận hiện là một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các hoạt động khai thác, đánh bắt trái phép hải sản đang diễn ra phức tạp khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm môi trường, nguy hiểm đến tính mạng ngư dân.

Dù không hẹn trước, một nhóm nông dân cùng chung suy nghĩ đã gặp nhau tại hội chợ trong vùng.