Nuôi Bò Sữa Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Sau nhiều năm làm ruộng, chuyển đổi một số cây trồng không hiệu quả, anh Phạm Văn Muôn (nông dân khóm Bình Đức 2, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, An Giang) mạnh dạn đầu tư nuôi bò sữa, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Muôn, thức ăn của bò sữa chủ yếu là thức ăn hỗn hợp và cỏ tươi, đây cũng là nguồn dinh dưỡng chính để tạo sữa. Với 3 công đất ruộng làm lúa không hiệu quả, anh Muôn trồng cỏ mồm và cỏ voi làm thức ăn cho bò, kết hợp với việc trộn thức ăn hỗn hợp và cám. Trung bình mỗi ngày, một con bò sữa ăn khoảng 10 kg thức ăn hỗn hợp và 15 kg cỏ tươi. Sau hơn 10 năm đúc kết kinh nghiệm, anh Muôn cho biết: Nuôi bò sữa phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn và thời gian vắt sữa. Mỗi ngày vắt sữa 2 lần, lúc sáng và chiều. Khi bò cho sữa có thể vắt quanh năm, trừ thời gian bò mang thai sắp đẻ thì ngưng vắt để bò không bị mất sức. Hiện tại, chuồng bò của anh có 7 con, trong đó, 6 con cho sữa và một con bê. Bình quân một con bò sữa cho khoảng 15 – 18 kg sữa tươi/ngày, giá hiện tại 15.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn, bổ sung thêm thuốc bổ, nước biển để bò phát triển tốt, anh Muôn thu lãi gần 1 triệu đồng.
Vì đây là mô hình mới nên thị trường tiêu thụ sữa bò tươi cũng dễ dàng, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn TP. Long Xuyên, huyện Tri Tôn và một số cơ sở kinh doanh sữa chua gần nhà. Nói về hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi bò sữa, anh Muôn rất phấn khởi: “Tuy phải tốn nhiều công sức và thời gian chăm sóc nhưng đổi lại kinh tế khá ổn định. Nuôi bò sữa mang lại thu nhập hằng ngày, hiện nay giá sữa tăng cao và không còn bấp bênh như trước”. Hiện tại, giá giống bò sữa rất cao, trung bình một con bò lớn đang cho sữa từ 40 triệu - 50 triệu đồng”. Vì vậy, anh đang hướng tới việc gieo tinh chọn bò cái, nâng số lượng đàn bò của gia đình và cung cấp bò giống cho thị trường.
Nuôi bò sữa cho giá trị kinh tế cao, song không phải ai cũng làm được.Theo anh Muôn: Để bò phát triển tốt và cho sữa đều đặn thì giá trị dinh dưỡng từ nguồn thức ăn, khâu vệ sinh chuồng trại là rất quan trọng. Hiện tại, gia đình anh vẫn vắt sữa thủ công, nên tốn nhiều thời gian và công sức. Đầu tư trồng cỏ để nâng cao chất lượng dinh dưỡng, trang bị máy vắt sữa để giảm nhân công là những kế hoạch anh đang hướng tới. Dần dần việc nuôi bò đi vào ổn định, ước mơ của anh là mở được trang trại nuôi bò, nhân giống bò cái để mở rộng mô hình ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND phường Bình Đức Nguyễn Thế Mỹ cho biết: Nuôi bò sữa là mô hình còn mới đối với nông dân, phường định hướng người chăn nuôi mở rộng đàn bò để tăng thu nhập. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh môi trường, địa phương khuyến khích người nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, phường sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn hỗ trợ người dân về kỹ thuật vắt sữa, chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn bò.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” phải đáp ứng các điều kiện như: sản xuất trên diện tích từ 0,5ha trở lên hoặc hoạt động kinh doanh sản phẩm sầu riêng từ 1.000 kg/ngày trở lên trên địa bàn huyện Đạ Huoai; đảm các tiêu chí chất lượng theo quy định; cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung sử dụng nhãn hiệu…

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 650 ha mãng cầu Xiêm tập trung tại các xã Tân Phú, Phú Thạnh…. Hơn 1 tuần nay, giá mãng cầu Xiêm tăng mạnh, người trồng thêm phấn khởi.

Từng rất thành công với mô hình trồng táo Đài Loan, gần 3 năm nay, ông Lê Văn Là ở ấp Mắc Miễu, xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tiếp tục trồng xen cây đu đủ Đài Loan trong vườn táo với phương châm không để lãng phí diện tích đất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích.

Trung bình, mỗi hộ dân trồng xoài tại Đồng Tháp thu về khoảng 186 triệu đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 105 triệu đồng/hộ/năm.

Làm nông bây giờ, mỗi hộ tự chọn giống cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả kinh tế lâu dài đã khó; làm ra sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, có thương hiệu, đầu ra ổn định lại càng khó hơn. Vậy mà ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), gia đình anh em nhà họ Dương đã làm được điều tưởng chừng rất khó trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đó là anh em anh Dương Nhục Sáng và Dương Mã Dưỡng, ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân.