Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Bồ Câu Cho Thu Nhập Cao

Nuôi Bồ Câu Cho Thu Nhập Cao
Ngày đăng: 11/05/2012

Tận dụng diện tích đất nhỏ hẹp (chỉ với 117 m2), anh Hồ Lâm Tuấn (khóm 1, phường 3, Tp. Vĩnh Long) đã đầu tư nuôi bồ câu Pháp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loài vật dễ nuôi, có thể chăn nuôi ngay tại thành thị để phát triển kinh tế gia đình.

Thu nhập cao

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, tháng 6/2011, anh Tuấn đã tìm đến tỉnh Long An mua 200 cặp bồ câu giống giá 300.000 đ/cặp và đầu tư xây cất chuồng trại với chi phí ban đầu gần 100 triệu đồng để nuôi bồ câu thịt. Chỉ gần một năm, anh đã thu hồi vốn và bắt đầu có lời.

Bồ câu là loài mắn đẻ, trung bình mỗi tháng bồ câu đẻ 1 đợt/cặp trứng (thường cho ra 1 con trống và 1 con mái). Bồ câu nuôi 1 tháng là có thể xuất chuồng với giá 90.000 đ/cặp (khoảng 350 g), 150.000 đ/cặp 2 tháng tuổi và 300.000 đ/cặp bồ câu giống (4 - 5 tháng tuổi).

Dẫn chúng tôi vào “chuồng” bồ câu được bao bọc lưới xung quanh, bên trong là các ô chuồng làm bằng tre và sắt chắc chắn được chia thành nhiều tầng. Chị Trần Thị Lệ Thủy - vợ anh Tuấn cho biết, bồ câu ưa cuộc sống thoáng mát, sạch sẽ, chúng thích chuồng có màu sắc sặc sỡ, đặt ở nơi cao ráo, yên tĩnh, tránh được mèo, chuột, gió lùa và mưa... Căn nhà lá này được cất để tránh tiếng ồn so với mái tôn, cứ tầm 3 - 5 giờ chiều là thời điểm sinh sản, nếu gây ồn vào giờ này, chúng sẽ không đẻ được.

Bồ câu được xếp là loài thủy chung, nó sống một đôi với nhau suốt đời. Để nuôi bồ câu đẻ, thời gian đầu cứ thả cho nó bay tự do trong nhà, khi thấy chúng bắt cặp với nhau thì đó là một đôi. Nếu không kết hợp đúng đôi, bồ câu thường đẻ trứng bị hư không ấp được. Vào thời điểm sinh sản thì nhốt chúng vào 1 ô, mỗi ô khoảng 5 tấc. Con mái làm nhiệm vụ đẻ trứng, con trống thì ấp trứng. Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng thì một cặp bồ câu đã hoàn thành nhiệm vụ từ bước đẻ trứng đến ấp và nuôi bồ câu con “ra ràng” để xuất bán.

Dễ chăm sóc

Bồ câu là loài rất dễ nuôi, lại nhẹ công chăm sóc. Việc chọn giống là khâu quan trọng nhất, phải chọn con khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi... và nên mua loại từ 4 - 5 tháng tuổi trở lên. Có thể chăn thả tự nhiên hoặc nuôi nhốt theo phương pháp bán công nghiệp, chi phí thức ăn chỉ khoảng 20.000 đ/cặp/tháng. Mỗi sáng và trưa chỉ việc thay nước uống và cho thức ăn vào máng riêng. Thức ăn cho bồ câu phải đảm bảo sạch, đủ cả về chất và lượng, được chế biến theo công thức: 2 phần gạo lứt và 1 phần thức ăn cho gà đẻ. Theo anh Tuấn, chăm sóc và nuôi dưỡng bồ câu không khó, nó là loài ít bệnh, chỉ cần chú ý phòng và trị bệnh cho nó, trung bình một tuần thì làm vệ sinh một lần (lấy phân và xịt sát trùng) và phải biết kinh nghiệm cho chúng bắt cặp đẻ thì nuôi rất thành công. Phân bồ câu dùng để bón cây rất tốt, có thể bán để trồng trọt với giá khoảng 10.000 đ/bao phân tươi.

Để duy trì mối làm ăn, anh Tuấn liên kết với các trại nuôi bên Tiền Giang để có sẵn hàng giao khi cần và thu mua bồ câu qua lại lẫn nhau để luôn duy trì số lượng bồ câu thịt tại chuồng phục vụ nhu cầu cho thị trường. Khách hàng của anh là các nhà hàng chế biến bồ câu thịt ở TP Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh, ngoài ra, anh còn cung cấp bồ câu giống cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Anh hồ hởi khoe vừa giao 140 cặp bồ câu giống cho mối quen ở Bình Minh.

Sắp tới, anh định bắt thêm 100 cặp bồ câu giống để nhân rộng chăn nuôi. Ngoài ra, anh định nuôi thêm gà Peru phía dưới các chuồng để tận dụng thức ăn dư thừa của bồ câu. Hiện 90% bồ câu nuôi của anh đang vào giai đoạn đẻ trứng, đang hứa hẹn nguồn thu không nhỏ cho gia đình anh.

Anh Nguyễn Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Phường 3 cho biết, đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn nhiều công chăm sóc, các hội viên nông dân có điều kiện có thể học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng chăn nuôi tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Vũ Ðoài (Thái Bình) Nuôi Cá Lồng Trên Sông Hồng Vũ Ðoài (Thái Bình) Nuôi Cá Lồng Trên Sông Hồng

Mô hình nuôi cá lồng trên sông là phương thức chăn nuôi mới, cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao được xã Vũ Ðoài (Vũ Thư - Thái Bình) chú trọng phát triển từ năm 2012. Vũ Ðoài có sông Hồng chảy qua, với đặc tính nước ngọt, lợ rất phù hợp và thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, chủ yếu là giống cá diêu hồng, cá lăng và cá chép V1.

21/01/2015
Nguy Cơ Cạn Kiệt Nguồn Thủy Sản Nguy Cơ Cạn Kiệt Nguồn Thủy Sản

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, phá hủy sinh cảnh lâu dài, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh”.

21/01/2015
Lại Nuôi Vịt Trong Hồ Dầu Tiếng Lại Nuôi Vịt Trong Hồ Dầu Tiếng

Việc nuôi vịt trong hồ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì nước trong hồ Dầu Tiếng không chỉ dùng để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp mà còn là nguồn nước tiêu dùng cho TP.Tây Ninh và một phần TP.Hồ Chí Minh.

21/01/2015
Năm 2015, Trang Trại Bò Sữa Thanh Hóa 2 Sẽ Nhập Thêm 900 Con Bò Sữa Năm 2015, Trang Trại Bò Sữa Thanh Hóa 2 Sẽ Nhập Thêm 900 Con Bò Sữa

Nhằm cung cấp thêm nguồn nguyên liệu sữa tươi cho các nhà máy của Vinamilk, cũng như nâng cao chất lượng đàn bò sữa, Công ty TNHH một thành viên Sữa Lam Sơn, thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk phấn đấu năm 2015 nhập khẩu thêm khoảng 900 con bò sữa về trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận (Như Thanh), nâng quy mô đàn bò vắt sữa của trang trại lên hơn 2.000 con.

21/01/2015
Giá Heo Hơi Rớt Thảm, Người Chăn Nuôi Lỗ Nặng Giá Heo Hơi Rớt Thảm, Người Chăn Nuôi Lỗ Nặng

Từ tháng 10.2014 đến nay, giá heo ở Hoài Ân (Bình Định) bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng. Hiện giá heo loại đẹp, nạc nhiều, trọng lượng từ 60kg - 70kg/con chỉ còn 42 ngàn đồng đến 43 ngàn đồng/kg; heo từ 80kg đến 1 tạ/con chỉ bán được với giá từ 34 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng/kg.

21/01/2015