Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông thôn mới, khoan vội vui

Nông thôn mới, khoan vội vui
Ngày đăng: 26/11/2015

Hiện, 3 xã còn lại đã đạt từ 14 tiêu chí trở lên và phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2016. Điện Bàn cũng đã hoàn chỉnh thủ tục trình UBND tỉnh thẩm định và đề nghị Trung ương công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào cuối năm nay…

Là người con của quê hương Điện Bàn, với công việc của một nhà báo, nhiều năm qua tôi có cơ hội làm việc, công tác với nhiều anh chị em là lãnh đạo (từ huyện lên thị xã).

Tôi vinh dự đã từng chung vui và một lòng sẻ chia những lo lắng mỗi khi quê hương đạt được những thành tựu hoặc đứng trước những thử thách trong quá trình phát triển hoặc phải đối phó thiên tai.

Do vậy, trước những kết quả về xây dựng NTM, tôi rất vui và hãnh diện về những gì mà hơn hai chục vạn bà con toàn thị xã đã làm được dưới sự lãnh đạo của chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, bất cứ những danh hiệu nào cũng vậy, có khi đạt rồi sẽ vuột mất vì không duy trì được “phong độ” của các phong trào.

Các tiêu chí xây dựng NTM cũng vậy, nếu thiếu sự chỉ đạo, đầu tư ở các công đoạn nào đó, hoặc người dân sở tại thiếu đồng tâm hiệp lực… cũng sẽ dẫn đến chệch choạc, sa sút.

Có khi vì bệnh thành tích, vì chủ nghĩa thành tích chúng ta cũng có thể vô tình làm giảm đi giá trị của một cuộc vận động lớn và có ý nghĩa này.

Trong chừng mực nào đó, tôi cho rằng, các tiêu chí về môi trường, về công ăn việc làm và an ninh trật tự là những tiêu chí khó đạt và lại dễ bị đánh mất nhất trong những tiêu chí mang tính định lượng hiện nay ở nông thôn.

Quan sát trên thực tế lẫn những con số mà báo chí nêu lên trong thời gian qua, chúng ta dễ thấy các hiện tượng đó.

Về an ninh trật tự, hiện tượng các nhóm trộm cắp có hung khí với hàng chục vi phạm ở Điện Nam - Điện Ngọc vừa qua; vụ đánh bạc ở phường Vĩnh Điện và nhiều xã, phường khác mà công an phát hiện trong cả năm 2015 rất đáng quan ngại; nhóm thanh niên chặn đường cướp của, có hung khí đe dọa người đi đường trên tuyến 603B bị truy bắt vào tháng 8 vừa qua… là những ví dụ.

Tai nạn giao thông trong giới trẻ ngày một tăng do ý thức tôn trọng luật lệ giao thông kém cũng là một vấn nạn của toàn xã hội.

Điện Bàn có vị trí sát nách, là cửa ngõ phía nam và đông nam TP.Đà Nẵng, nên các tệ nạn dễ phát triển, lan tràn, cần được ngăn chặn, trấn áp thường xuyên.

Thanh thiếu niên không có công ăn việc làm, thất nghiệp và tệ nạn xã hội luôn có mối quan hệ hữu cơ, là nhân quả của nhau ở bất cứ địa phương nào.

Điện Bàn có những điển hình về giáo dục, khuyến học con cháu từ tộc họ, có các phong trào dân phòng từ cơ sở, thôn xóm… là các điểm sáng.

Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Tôi cho rằng việc phát triển các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư công nghiệp ở nông thôn và tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của cơ sở sản xuất dịch vụ là hết sức quan trọng để thu hút lượng lao động trẻ vốn khá đông.

Chỉ cần quan sát các quán cà phê, các quán nhậu rất đông các bạn trẻ ngay giờ làm việc trên các tuyến đường, từ quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã hiện nay, có thể hình dung nạn thất nghiệp đang là áp lực không nhỏ đối với thị xã Điện Bàn…

Vấn đề môi trường và vệ sinh môi trường có lẽ là trầm kha nhất và khó giải quyết nhất ở nông thôn, không riêng gì Điện Bàn.

Nhiều vị lãnh đạo các xã, thôn cho biết việc chăn nuôi, các lò mổ gia súc gia cầm trong các khu dân cư đang gây ô nhiễm là rất khó giải quyết.

Đó là vì áp lực về đời sống và do các mối quan hệ thân tộc vốn có ở nông thôn.

Các hộ chăn nuôi hay cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ không tách biệt khu dân cư, thiếu điều kiện xử lý chất thải, gây hôi thối và tạo ra ruồi nhặng là phổ biến.

Chỉ một thôn mà tôi có dịp khảo sát cũng đã có hàng trăm nghìn con cút nuôi.

Cả một khu nghĩa trang ở phía bắc thị xã trở thành “xưởng” chế biến, phơi phóng phân cút lộ thiên cách Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn không xa, vẫn chưa được xử lý! Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thường vứt đổ chất thải xuống các sông, kênh thủy lợi là rất phổ biến và ít bị xử lý… Với ruồi nhặng bay vào tận mâm cơm của người dân, tôi cứ tưởng tượng, nếu xảy ra dịch bệnh, không rõ hậu quả thế nào!

Cũng về môi trường, nạn sử dụng bừa bãi túi ny lon, thuốc bảo vệ thực vật thiếu sự kiểm soát về chủng loại và nguồn gốc, rác quảng cáo khắp nơi cũng đang là vấn nạn lâu dài và khó thấy ngay hậu quả…

Cho nên, vừa vui với những kết quả đạt được trong chương trình xây dựng NTM, tôi có cảm giác hết sức lo lắng về những vấn đề vừa kể, không chỉ ở Điện Bàn mà còn ở nhiều địa phương khác.

Một sự quyết liệt về thi hành luật pháp ở mỗi địa phương là điều kiện cần, nhưng tăng cường về ý thức và trách nhiệm (mang tính liên đới rất cao về mặt xã hội) đối với cộng đồng - vốn đang rất yếu ở các vùng nông thôn - của cư dân mới là điều kiện đủ để duy trì và phát triển những thành tựu của NTM!


Có thể bạn quan tâm

Giá Tăng, Nông Dân Hết Lúa Bán Giá Tăng, Nông Dân Hết Lúa Bán

Hơn tuần qua, giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL tăng thêm 300 - 400 đ/kg. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở Vĩnh Long không vui, bởi phần lớn họ đã bán hết lúa từ trước đó.

31/07/2013
Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Mùa Lũ Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Mùa Lũ

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan và được bà con nông dân vùng lũ nhân rộng. Mô hình này không cần diện tích rộng, người nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con vùng lũ.

24/10/2012
Dự Án Nhỏ Hiệu Quả Kinh Tế Lớn Dự Án Nhỏ Hiệu Quả Kinh Tế Lớn

Đó là Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng phát triển sản xuất lợn giống” tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, do Phòng NN – PTNT huyện triển khai từ năm 2009; giúp gần 200 hộ có con giống, kinh nghiệm nuôi lợn nái để bán giống cũng như phục vụ nhu cầu nuôi lợn thịt của gia đình. Đã có rất nhiều hộ thoát đói nghèo từ Dự án ý nghĩa này.

31/07/2013
Nuôi Gà Sao – Triển Vọng Kinh Tế Hàng Hóa Nông Hộ Ở Hà Tĩnh Nuôi Gà Sao – Triển Vọng Kinh Tế Hàng Hóa Nông Hộ Ở Hà Tĩnh

Gà sao là đối tượng vật nuôi mới với ý tưởng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi có giá trị thu nhập cao cho nông hộ nhằm thay thế dần những vật nuôi thu nhập thấp không ổn định và thường xuyên bị rủi ro dịch bệnh, giá đầu ra bấp bênh. Với mục đính đó, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp –PTNT; Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh xây dựng thành công mô hình gà sao tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) và Đức Lạng (Đức Thọ) đạt hiệu quả cao.

28/10/2012
Cần Nâng Cao Hiệu Quả Khai Thác Ao Nuôi Thủy Sản Nước Lợ Cần Nâng Cao Hiệu Quả Khai Thác Ao Nuôi Thủy Sản Nước Lợ

Mặc dù đang ở chính vụ nhưng nhiều ao nuôi thủy sản nước lợ vẫn chưa được nông dân cải tạo, thả giống do điều kiện nuôi không thuận lợi. Lựa chọn con giống và kỹ thuật thả nuôi phù hợp là biện pháp cần thiết để nông dân có thể tận dụng những diện tích ao “bỏ hoang”, nâng cao hiệu quả kinh tế.

22/06/2013