Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông sản Việt trước hội nhập bài toán chất lượng sản phẩm

Nông sản Việt trước hội nhập bài toán chất lượng sản phẩm
Ngày đăng: 17/06/2015

Mặc dù, hàng rào thuế quan cắt giảm sẽ tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam mở rộng thị trường, tuy nhiên vấn đề này cũng đặt ra không ít thách thức trong cạnh tranh với nông sản của các nước khác.

Cơ hội lớn cho xuất khẩu

Từ đầu năm nay, hàng loạt mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm thuế theo cam kết của 8 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Hàng loạt các hiệp định khác đang được đàm phán và ký kết sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu đi khắp thế giới, thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới, cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam cơ cấu, cân bằng lại thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó. Đồng thời, các hiệp định này cũng giúp doanh nghiệp có lợi thế trung hạn so với các đối thủ trong khu vực khi xâm nhập vào một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU…

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ chưa bao giờ Việt Nam nỗ lực tham gia FTA như hiện nay. Sự nỗ lực này khẳng định ý chí, tinh thần Việt Nam, dù gặp không ít khó khăn. Tham gia vào FTA tức là Việt Nam sẵn sàng hội nhập, đương đầu thách thức.

Đối với nông sản Việt Nam, theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, thuế suất giảm xuống rất có lợi cho nhà sản xuất và chế biến. Hiện nay, đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, quan trọng nhất là đầu ra, nếu đầu ra không phải chịu thêm loại thuế nào vào sản phẩm, nông dân sẽ không chịu cảnh bị ép giá, hạ giá. Đây sẽ là cơ hội lớn cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

"Khi tham gia vào FTA, Việt Nam sẽ trải qua hai lộ trình giảm thuế là năm nay và năm 2020. Trong khối ASEAN, bắt đầu từ năm 2015, có tới 93% thuế được đưa về 0% khi các nước nhập khẩu vào Việt Nam và ngược lại; 7% thuế còn lại đến năm 2018 đưa về 0%, với các thị trường Mỹ và châu Âu, đến năm 2020 các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu cũng đưa về mức thuế 0%," bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra vụ kiện thương mại doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết.

Cũng chính vì mức thuế giảm bằng 0%, các mặt hàng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa thâm nhập vào các thị trường lớn, giúp nâng cao giá trị hàng hóa của Việt Nam.

Thách thức từ chất lượng sản phẩm

Bên cạnh những thuận lợi được tạo từ việc bán hàng không thuế, các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt, ngành hàng gỗ sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vinamit chia sẻ tập quán sản xuất của nông dân Việt Nam là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh để bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước những đợt bệnh, dịch hại.

Cho dù phía doanh nghiệp có hợp tác sản xuất, thu mua tác động, hướng dẫn họ cách sản xuất an toàn, hiệu quả thì mức độ này cũng chỉ giảm chứ không chấm dứt triệt để. Hơn nữa, những vùng đất canh tác, sản xuất của Việt Nam đều được khai thác từ lâu và thời gian nghỉ đất, phơi đất, phơi trại quá ngắn để tái sản xuất nên mức độ tiêu diệt những mầm bệnh tiềm ẩn không cao. Vì vậy, điểm yếu về chất lượng sản phẩm sẽ tạo ra thách thức lớn cho cả ngành hàng nông nghiệp.

Không những vậy, ông Viên nói thêm, khi trực tiếp tham gia AEC và các FTA, cũng có nghĩa các thương lái nước ngoài có quyền thu mua trực tiếp nông sản của Việt Nam trên đồng ruộng. Khi đó, doanh nghiệp các nước hầu như nắm được giá thành sản xuất, họ có thể "điều phối" sản lượng nông sản, thậm chí diện tích gieo trồng của nông dân. Khi diện tích phát triển đến một mức nào đó, nông dân trở thành bị động trong bán hàng, bị thương lái nước ngoài ép giá, hạ giá, dẫn đến không có lợi nhuận hoặc từ bỏ sản xuất.

Theo bà Phạm Châu Giang, xuất phát từ sự cạnh tranh tự do, hàng hóa muốn tiêu thụ tốt phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Thuế suất nhập khẩu, xuất khẩu đều bằng 0%, mặt hàng nào đạt chất lượng cao, an toàn, giá thấp sẽ được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đa phần chưa có thói quen sản xuất cũng như điều kiện đầu tư cho sản xuất chưa tới nơi tới chốn.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp trở ngại trong vấn đề về chất lượng sản phẩm, nếu doanh nghiệp không thay đổi phương pháp sản xuất, mẫu mã, đầu tư chất lượng, sẽ đánh mất thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Qua đó, các ngành hàng của Việt Nam nói chung, đặc biệt là các ngành hàng nông sản, thực phẩm, gỗ nói riêng muốn đứng vững ở chính thị trường nội địa, hay muốn hướng ra nước ngoài, ngành nông nghiệp phải có chiến lược, giải pháp mới trong sản xuất và tiêu thụ.


Có thể bạn quan tâm

Hạt điều cuối vụ đột xuất tăng giá trở lại Hạt điều cuối vụ đột xuất tăng giá trở lại

Nhiều chủ vườn điều ở huyện Long Thành (Đồng Nai), cho biết giá hạt điều cuối vụ đột xuất tăng trở lại. Hiện tại thương lái mua hạt điều tại vườn là 25 ngàn đồng/kg, cao hơn thời điểm giữa vụ 2 ngàn đồng/kg và giá gần bằng thời điểm đầu vụ.

05/05/2015
Nông dân Bến Cầu (Tây Ninh) trúng mùa bắp Nông dân Bến Cầu (Tây Ninh) trúng mùa bắp

Những ngày này nông dân tại các xã Lợi Thuận, Long Thuận, Tiên Thuận, Thị trấn Bến Cầu của huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đang tất bật thu hoạch vụ bắp Đông xuân, trông ai cũng phấn khởi vì bắp trúng mùa.

05/05/2015
Xoài tứ quí trên đất giồng cát ven biển Xoài tứ quí trên đất giồng cát ven biển

Đất giồng cát rất phù hợp với sự tăng trưởng của xoài tứ quí nên nông dân ở 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đang mạnh dạn chuyển dần sang loại cây này. Xoài tứ quí không chỉ có giá trị kinh tế khá cao mà còn có thể phục vụ cho nhu cầu của loại hình du lịch cộng đồng đang manh nha tại địa phương này.

05/05/2015
Tiềm năng xuất khẩu rau quả sang các quốc gia vùng Vịnh Tiềm năng xuất khẩu rau quả sang các quốc gia vùng Vịnh

Thị trường các quốc gia vùng vịnh có nhu cầu lớn đối với một số trái cây đặc sản của Việt Nam như vải thiều, nhãn lồng, thanh long.

05/05/2015
Ổi rớt giá Ổi rớt giá

Giá ổi bán tại vườn hiện chỉ còn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức giá đạt từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

05/05/2015