Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông sản miền Tây khó vào kênh bán lẻ

Nông sản miền Tây khó vào kênh bán lẻ
Ngày đăng: 11/09/2015

Cung một đường, cầu một nẻo

Tại hội thảo về giải pháp nâng cao giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn “Mekong Connect Ceo Forum 2015” ở Cần Thơ cuối tuần rồi, một số diễn giả khẳng định không còn cách nào khác là phải làm mới lại đối với lĩnh vực sản xuất nông sản.

Các hệ thống bán lẻ ngày càng đòi hỏi hàng hóa chất lượng hơn, theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc ngành thực phẩm Công ty TNHH ADC, cho biết sản phẩm gạo của đơn vị ông được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có chứng nhận, nhưng không thể đưa vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị được. “Liệu siêu thị có nên đưa ra các quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, và khi đơn vị nào đáp ứng được thì sản phẩm của họ sẽ vào được?”, ông Bình đặt vấn đề.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì siêu thị từ chối đã đành, đằng này đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu nhưng cũng không được nhận. Ông Toại cho biết, có một số trường hợp nông dân ở Cần Thơ sản xuất được 1 tấn rau sạch/ngày nhưng siêu thị mua được chỉ 50 kg/ngày. Đó là con số quá ít để kích thích nông dân phát triển. “Chưa kể, một số trường hợp xảy ra tiêu cực, cán bộ tiếp nhận của siêu thị cố tình gây khó dễ”, ông Toại nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM (nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM – Saigon Co.op), nói rằng với điều kiện đời sống của người dân đã được nâng lên, theo khảo sát của Saigon Co.op, họ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua những sản phẩm họ tin tưởng, có cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là một trong những lý do các kênh bán lẻ ngày càng nâng cao chuẩn hàng hóa.

Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh hàng nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng thực trạng sản xuất manh mún hiện nay ở ĐBSCL xuất phát từ tư duy, văn hóa tiểu nông, làm ra sản phẩm để cung cấp cho thương lái hoặc bán ở các chợ, cho nên thửa ruộng của họ đã bé lại càng manh mún hơn. “Vì vậy, muốn thay đổi phải phá bỏ tư duy, văn hóa tiểu nông và làm theo tiêu chuẩn mới. Có như vậy, khi tìm đến siêu thị, chắc chắn sẽ được đón nhận”, ông Viên nhận định.

Làm mới cách nào?

Giải pháp được một số diễn giả đưa ra trong hội thảo là yêu cầu phải làm mới lại tất cả các khâu, từ sản xuất cho đến phân phối. Ông Hòa cho rằng phải tập trung và có sự phân công, yêu cầu mỗi người phải làm tốt khâu của họ với một tư duy mới. Chẳng hạn, nông dân phải làm mới bằng cách sản xuất theo hướng an toàn, tập trung hàng hóa lớn; còn doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông sản thì đầu tư vào khâu gì, phải tính toán cho hợp lý.

Theo ông Hòa, trên cơ sở từng người làm tốt khâu của mình và họ phải ngồi lại bàn bạc, tìm hướng giải quyết đầu ra hợp lý, thì sẽ có tác dụng thay đổi được chuỗi cung ứng hiện nay. “Với cách làm mới như vậy, chúng ta cùng ngồi lại và những nhà phân phối có kinh nghiệm sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin với doanh nghiệp sản xuất để biết xem sản phẩm nào tiêu thụ ra sao, bao nhiêu, rồi cùng kết nối chắc chắn sẽ thành công”, ông Hòa nói.

Có cùng quan điểm trên, ông Viên của Vinamit đặt vấn đề: “Tại sao Vinmart lại đầu tư vào nông nghiệp?”, và ông Viên tự trả lời rằng vì họ muốn làm mới hoàn toàn, muốn làm mới theo ý của họ, bằng chứng là họ đang đổ vốn tìm đất đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ của họ.

Còn ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), cho rằng Nhà nước cần tính lại quy hoạch và điều này có thể tham khảo cách làm của Mexico. Theo ông Huy, ở Mexico, trước khi quy hoạch các nhà khoa học sẽ xác định lợi thế của một vùng đất nào đó thích hợp trồng được cây gì hoặc nuôi được con gì, sau đó mới bắt tay làm tiếp. “Ở đó, người ta quy hoạch tối thiểu một người phải có 10 ha đất, không được thấp hơn. Nếu trường hợp một nhà có hai người con thì chỉ một người được sử dụng đất, người còn lại sẽ nhận được tiền hoặc sản phẩm tương ứng”, ông cho biết.

Theo ông Huy, với diện tích lớn có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất hiệu quả, giúp giảm giá thành và như vậy mới tạo được sức cạnh tranh trong xuất khẩu của sản phẩm. “Muốn thành công, câu chuyện lưu ý bây giờ là phải có giá thành thấp để cạnh tranh chứ không phải giá cao mới là tốt”, ông Huy nói.


Có thể bạn quan tâm

Ông Lê Văn Tám Bội Thu Từ Trồng Ổi Ông Lê Văn Tám Bội Thu Từ Trồng Ổi

Ông Lê Văn Tám ở thôn 1 xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có vụ thu hoạch bội thu, khi 2.000 gốc ổi cho lứa quả đầu tiên sau gần 2 năm nỗ lực chăm bón. Cứ hai ngày một lượt, khách hàng từ dưới phố lên chọn quả hái khoảng 300 kg. Với giá 6.000 đồng/kg, mỗi lần xuất bán như vậy, ông có 1,8 triệu đồng.

24/09/2012
Hội Thảo Mô Hình Nuôi Thí Điểm Cá Rô Đầu Vuông Ở Xã Tân Hòa (Đak Lak) Hội Thảo Mô Hình Nuôi Thí Điểm Cá Rô Đầu Vuông Ở Xã Tân Hòa (Đak Lak)

Chi cục Thủy sản Đak Lak vừa phối hợp với UBND xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông thương phẩm trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp tại hộ ông Hà Đình Phùng, thôn 2.

26/09/2012
Nuôi Vịt Kiểu Mới, Cho Thu Nhập Cao Ở Đồng Nai Nuôi Vịt Kiểu Mới, Cho Thu Nhập Cao Ở Đồng Nai

Xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là vùng đất trắng, bạc màu nên sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để vươn lên thoát nghèo, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở trang trại chăn nuôi, điển hình là ông Nguyễn Kính đã xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

26/09/2012
Nhím Nuôi Rớt Giá Nhím Nuôi Rớt Giá

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi nhím trên địa bàn xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đang phải chịu cảnh “khủng hoảng thừa” vì không thể bán được nhím.

26/09/2012
Giá Ca Cao Giảm Mạnh Ở Lâm Đồng Giá Ca Cao Giảm Mạnh Ở Lâm Đồng

Bắt đầu từ nay, một số vườn ca cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho thu hoạch vụ chính thức đầu tiên. Hiện cả tỉnh Lâm Đồng đã trồng được 1.573 ha ca cao, tập trung ở ba huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; khoảng một nửa diện tích này bắt đầu cho trái bói (diện tích kinh doanh chính thức còn tương đối ít).

26/09/2012