Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Nghiệp Xanh Phát Triển Bền Vững

Nông Nghiệp Xanh Phát Triển Bền Vững
Ngày đăng: 27/02/2014

Sớm chọn ra hướng đi đúng và với những nỗ lực không ngừng nhiều năm liền của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp…và cả rất nhiều người làm nông, Đà Lạt hiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương đứng đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Nông nghiệp xanh” ở vùng đất Nam Tây Nguyên này.

Khi nông dân với nhà khoa học là một

Tuy là một vùng miền núi nhưng Đà Lạt đã và đang là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp mang tính ứng dụng hàng đầu ở nước ta. Trung tâm Nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt, Viện Sinh học Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng giống rau hoa Lâm Đồng… đã trở thành “điểm đến” đầy tin tưởng không chỉ của nông dân mà còn của giới khoa học trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, sinh học...

Hằng năm, các đơn vị khoa học nông nghiệp, sinh học ở Đà Lạt đều có nhiều đề tài nghiên cứu rất thiết thực gắn với đặc điểm và yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và chất lượng cao. 

Tuy nhiên, điểm nổi bật và cũng là nét đặc trưng nhất làm nên sự khác biệt lớn giữa Đà Lạt với nhiều nơi khác đó chính là ở đây có không ít nhà khoa học đi… làm nông và ngược lại cũng rất nhiều nông dân làm khoa học. Vì thế cái “ một ” ở đây không chỉ là sự liên kết giữa 2 nhà như nhiều địa phương khác mà là “một” đúng với cả nghĩa của từ này.

Chuyện một số người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ nông nghiệp, công nghệ sinh học… không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước như: Australia, Pháp… đang làm nông ở Đà Lạt chẳng còn gì lạ nữa. Nhiều người đến Đà Lạt cũng không khỏi ngạc nhiên khi biết không ít nông dân “chính hiệu” lại có thể “lên lớp”, hướng dẫn sinh viên đại học nông nghiệp, sinh học… những kiến thức khoa học do mình nghiên cứu, ứng dụng được ngay tại các phòng thí nghiệm, vườn cây giống của nhà mình.   

Có thể nói, cả vùng chuyên canh rau, hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận là một vườn thực nghiệm lớn và toàn diện về nông nghiệp xanh. Ở đây không chỉ là các chương trình của Nhà nước mà còn là những cuộc thử nghiệm thường xuyên mang tính “đột phá” của hàng nghìn nông dân.

Giờ đây kinh nghiệm chỉ còn mang tính tham khảo cần thiết chứ  không còn là yếu tố quyết định trong định hướng, mục tiêu sản xuất của người dân mà tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn “xanh – sạch – chất lượng cao” đang giữ vai trò quyết định. Vì thế mà nhiều nông dân trở thành những nhà khoa học chân đất một cách tự phát.

Công nghệ sinh học - khâu đột phá

Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự tăng tốc… xanh cho nền nông nghiệp Đà Lạt  nhưng có thể nói công nghệ sinh học chính là yếu tố có vai trò quyết định hàng đầu. 

Nổi bật trước tiên và lớn nhất đó là việc nhân giống invitro thực vật trong chọn, tạo và sản xuất hàng trăm giống  rau, hoa, dâu tây… Kỹ thuật invitro đã đưa nông nghiệp của Đà Lạt nhảy vọt một bước dài trong thực hiện mục tiêu nông nghiệp xanh.

Đó là tạo được những thế hệ giống cây trồng mới, những cây giống mới sạch bệnh, có sức đề kháng cao, hạn chế tối đa việc dùng các loại hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng…) trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất cây giống quy mô lớn, chất lượng cây giống đồng đều…

Hiện nay, cây giống sản xuất theo kỹ thuật invitro đã được trồng trên 90% diện tích rau, hoa của Đà Lạt trồng. Vì thế, yếu tố “ xanh” trong nông nghiệp đang định hình ngày càng rõ ở vùng đất này.

Ấn tượng xanh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay gần như 100% các mẫu rau, quả… của Đà Lạt được kiểm định để xuất khẩu đều đảm bảo đạt chuẩn sạch bởi chỉ số của các chất đều nằm trong giới hạn cho phép. Điều đáng ghi nhận hơn là phần lớn số rau, quả này đều do nông dân sản xuất. Đây là con số rất ấn tượng và đầy thuyết phục về kết quả của một quá trình đột phá, tăng tốc đến một nền nông nghiệp xanh.   

Hình ảnh vỏ thuốc hóa học vứt đầy trong các vườn rau, khe nước… của những thập niên trước giờ gần như không còn nữa. Nhờ giảm nhanh lượng thuốc hóa học trên những vườn rau, hoa mà môi trường tự nhiên của Đà Lạt hiện nay đã sạch hơn rất nhiều so với trước.

Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trực quan. Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Lâm Đồng khẳng định: Đà Lạt là một thành phố “nông nghiệp đặc biệt”. Nông nghiệp Đà Lạt đang “xanh” rất nhanh và điều này đồng nghĩa với môi trường sinh thái cũng đang được hồi sức tốt sau nhiều thập niên nông nghiệp bị lạm dụng hóa chất.   

Chuyển nhanh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên cơ sở đảm bảo một môi trường xanh – Đó là hướng đi đúng của Ngành Nông nghiệp Đà Lạt. Theo đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh – sạch ngày càng được nhân rộng… Tất cả đã làm nên một môi trường xanh lý tưởng để đảm bảo sự phát triển bền vững của  thành phố du lịch ngàn hoa này.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Ô Nhiễm Nguồn Nước Trong Nuôi Tôm Huyện Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Ô Nhiễm Nguồn Nước Trong Nuôi Tôm

Hiện nay có một thực tế đang tồn tại, đó là tình trạng tôm nuôi công nghiệp bị chết, người dân bơm xả trực tiếp ra môi trường. Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh, lây lan.

06/05/2014
Lại Tái Diễn Thương Lái Trung Quốc Mua Rễ, Gốc Hồ Tiêu Lại Tái Diễn Thương Lái Trung Quốc Mua Rễ, Gốc Hồ Tiêu

Những ngày qua, người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), thủ phủ hồ tiêu của cả nước, xôn xao việc thương lái nước ngoài thông qua tiểu thương trên địa bàn lùng mua rễ và gốc cây hồ tiêu. Không rõ việc thu mua này nhằm mục đích gì.../ Nghi án thu mua rễ, gốc tiêu để phá hoại kinh tế?

20/05/2014
Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Đạt 23.200 Tấn Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Đạt 23.200 Tấn

Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản do ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác đạt 23.200 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt hơn 22.000 tấn. Sản lượng thủy sản đạt cao là nhờ thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác vụ cá Nam. Do giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên khuyến khích ngư dân trong tỉnh đồng loạt ra khơi bám biển.

21/05/2014
Gỡ Khó Cho Sản Xuất Thủy Sản Gỡ Khó Cho Sản Xuất Thủy Sản

Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm, ngành điện lực Trà Vinh đã nâng công suất 165 trạm biến áp trong vùng nuôi tôm lên thêm gần 5900 KVA. Tuy nhiên, giải pháp tình thế vẫn chưa cung cấp đủ điện cho nhu cầu hiện nay.

07/05/2014
Xã Trung Thành, Tín Hiệu Tích Cực Từ Mô Hình Nhân Giống Lạc L14 Xã Trung Thành, Tín Hiệu Tích Cực Từ Mô Hình Nhân Giống Lạc L14

Đến xã Trung Thành (Vị Xuyên) những ngày này, trên hầu khắp các cánh đồng, màu xanh của lạc Xuân xen những ruộng ngô trở thành hình ảnh đầy ấn tượng. Vụ Xuân năm nay, toàn xã thực hiện gieo cấy 93 ha lúa, 140 ha ngô, 62,3 ha rau, đậu các loại nhưng có đến 227 ha lạc.

21/05/2014