Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Vũ Trung Học Làm Giàu Trên Mảnh Đất Quê Hương

Nông Dân Vũ Trung Học Làm Giàu Trên Mảnh Đất Quê Hương
Ngày đăng: 21/11/2013

Vừa qua, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" cho 62 nông dân tiên tiến trong cả nước. Trong số 62 nông dân được bình chọn và tôn vinh, người cao tuổi nhất là nông dân Trần Xuân Vịnh (70 tuổi) ở xã Đăk Hrinh, huyện Đắk Hà, Lâm Đồng; người trẻ tuổi nhất, đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc - anh Vũ Trung Học, nông dân xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường - nhận danh hiệu khi tròn 34 tuổi.

Sinh năm 1979 tại khu Bắc Cường, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tham gia nghĩa vụ quân đội,người thanh niên trẻ Vũ Trung Học quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2007, cơ sở sản xuất kinh doanh tổng hợp với tên giao dịch Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Ánh Dương do anh làm chủ đã ra đời.

Anh cùng với gia đình tiến hành cải tạo 4,5 ha đất canh tác một vụ lúa vùng chiêm trũng của thị trấn để đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc gia cầm. Với cách thức vừa làm vừa học hỏi, Vũ Trung Học đã dần dần tích lũy kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài, rồi anh tiếp tục mở rộng mô hình theo công thức dưới ao thả cá, trên bờ kè xung quanh trồng chuối tiêu, phía trên 2,5 ha làm trang trại nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, gà công nghiệp, chim cút đẻ trứng.

Hiện tại, hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Ánh Dương của anh nuôi 5000 con chim cút đẻ trứng, 2000 con gà mái đẻ siêu trứng, 40 đầu lợn nái, 150 con lợn siêu nạc. Với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, trong 5 năm qua trang trại của anh không có dịch bệnh xảy ra, cho thu nhập khá.

Với sự đầu tư tích cực của anh, đến nay, trang trại có môi trường sinh thái tốt, hệ thống cây xanh phát triển, giữa khu vực trang trại là ngôi nhà sàn truyền thống được anh mua về từ Hòa Bình. Khung cảnh phong thủy hữu tình đó là điều kiện thuận lợi để anh mở rộng kinh doanh ẩm thực phục vụ cho khách địa phương và thập phương, với các đầu bếp lành nghề chế biến các món ăn đặc sản và truyền thống từ chính sản phẩm của trang trại.

Một vài năm gần đây, do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế song kết quả sản xuất kinh doanh tại trang trại của  anh vẫn cho thu nhập ổn định; công nhân có việc làm thường xuyên với mức lương bình quân khoảng 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2012, gia đình anh thu lãi gần 500 triệu đồng từ chăn nuôi gà đẻ, cá, chim cút, lợn thịt, sản xuất và làm dịch vụ.

Với những thành công và kinh nghiệm tích luỹ được, trong những buổi sinh hoạt chi hội nông dân của khu, anh Học luôn chủ động phổ biến và chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống với giá cả hợp lý cho bà con và các thanh niên trẻ đến học tập. Anh đã giúp đỡ chuyển giao cho 3 hộ nông dân trong thị trấn áp dụng mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, đến nay các hộ gia đình này bước đầu đã có tích luỹ.

Với các phong trào từ thiện do địa phương phát động, anh và gia đình luôn tích cực tham gia, đặc biệt, trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hằng năm anh Học đều thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng tại địa phương với số tiền khoảng 5 đến 7 triệu đồng. Anh cùng gia đình gương mẫu thực hiện đồng thời vận động bà con làm đường giao thông, xây lắp đèn chiếu sáng công cộng cho các gia đình sản xuất rau màu ở khu vực trang trại...

Chăm chỉ lao động, dám nghĩ dám làm, xứng đáng với danh hiệu là người nông dân trẻ tuổi xuất sắc; tỉnh nhà cần nhiều hơn nữa những người nông dân như anh Vũ Trung Học.


Có thể bạn quan tâm

Làng Nấm “Treo” Trại Làng Nấm “Treo” Trại

Xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của làng nấm Đông Nam Bộ giờ đây không còn những nụ cười tươi rói như ngày nào do hàng trăm hộ trồng nấm đang phải “treo trại”. Theo cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, sản phẩm của các làng nghề trồng nấm từ trước tới nay được thương lái thu gom chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

04/07/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Trong Lồng Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Trong Lồng

Thái Nguyên là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Bộ, tổng diện tích mặt nước toàn tỉnh có thể nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là 6.925 ha, trong đó 2.500 ha hồ chứa vừa (Hồ Núi Cốc), 1.140 ha hồ chứa nhỏ, 2.285 ha ao gia đình và 1.000 ha ruộng trũng có thể phát triển nuôi cá kết hợp cấy lúa…

02/12/2014
Chỉ Giữ Lại 50.000 Héc Ta Hồ Tiêu Chỉ Giữ Lại 50.000 Héc Ta Hồ Tiêu

Hiện Việt Nam có khoảng 60.000 héc ta hồ tiêu, nhưng theo qui hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì diện tích trồng loại nông sản này được giới hạn ở mức 50.000 héc ta.

04/07/2014
Nuôi Tảo Xoắn Spirulina Nuôi Tảo Xoắn Spirulina

Bắt đầu từ năm 2012, Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuât- thương mại và du lịch Thanh Mai đã đầu tư, áp dụng công nghệ sinh học sản xuất ra một loại thực phẩm giàu protein, vitamin tổng hợp có hoạt tính sinh học cao từ giống Tảo xoắn Spirulina – một nguồn dinh dưỡng quý giá của tự nhiên.

05/07/2014
Nuôi Ốc Nhồi Thu Tiền Triệu Nuôi Ốc Nhồi Thu Tiền Triệu

Trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Nguyễn Huy Hiên ở ngòi Rằn, khu 1, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ có diện tích 3 ha. Anh đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp theo phương châm "cuốn chiếu", lấy ngắn nuôi dài. Mỗi năm thu được 7 tấn gia cầm, sử dụng lao động tại chỗ 5 - 6 người.

02/12/2014