Nông Dân Vĩnh Linh Vào Vụ Thu Hoạch Khoai Môn

Trong vụ mùa trồng khoai môn cuối năm 2013, đầu năm 2014 thời tiết diễn biến phức tạp khiến cho nhiều diện tích trồng khoai môn của nông dân huyện Vĩnh Linh bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng khi thu hoạch.
Từ lâu diện tích đất đỏ ba dan của vùng đông Vĩnh Linh (Quảng Trị) rất phù hợp với cây khoai môn. Đây là loại cây trồng ngắn ngày chủ lực của nông dân vùng đông Vĩnh Linh. Ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết: Cây môn là một trong những cây màu chủ lực của xã.
Bên cạnh những diện tích lấy cây môn làm cây trồng chủ đạo, những diện tích đất trong những lô cao su chưa khép tán cũng được người dân tận dụng để canh tác loại cây trồng này. Đây là loại cây trồng ngắn ngày cho thu hồi vốn nhanh, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Hiện nay giá môn đang ở mức cao, thương lái nhiều khi phải đến tận nhà, tận nơi trồng để thu mua môn.
Khoai môn chính vụ được bắt đầu trồng vào thời điểm tháng 9, tháng 10 hàng năm. Với những giống chủ yếu như môn trắng, môn nịt… Muốn canh tác loại cây trồng này chi phí bỏ ra khá cao, đòi hỏi nhiều giai đoạn canh tác và tốn nhiều công. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở đội 4, xã Vĩnh Tân nói: “Để trồng được một sào môn nịt hay môn trắng công sức bỏ ra rất nhiều.
Cây môn đòi hỏi đất tơi xốp nên cần nhiều lần làm đất, để tránh úng nước trong mùa mưa cũng cần phải lên luống thật cao. Một sào môn nịt phải bỏ ra khoảng 1 tấn phân xanh, khoảng 20 kg lân, 25 kg đạm và kaly. Đó là chưa kể chi phí mua 500 mặt môn giống (củ môn nhỏ dùng làm giống), trong thời điểm vào vụ môn năm nay một mặt môn có giá 100 đồng. Tính đi tính lại, những người nông dân trồng môn năm nay chỉ lấy công làm lãi, sau khi trừ chi phí”.
Được biết, từ trước đến nay cây môn là loại cây trồng rất ít khi bị sâu bệnh. Theo những người nông dân trồng môn, nguyên nhân của hiện tượng môn rụi lá trong vụ mùa năm nay có thể là do thời tiết, bởi cuối năm 2013, đầu năm 2014, thời tiết diễn biến phức tạp, nóng lạnh đột ngột, đôi khi còn xuất hiện sương muối. Những khi thời tiết này xảy ra cây môn rất dễ bị thối lá, rụi cây và hiện tượng này rất khó để phòng tránh.
Chị Nguyễn Thị Hà, thôn An Đông, xã Vĩnh Thạch cho biết: “Đầu vụ môn do môn giống đắt, tiền chi phí phân bón cao nên gia đình chỉ trồng được 5 sào, giữa vụ lại gặp sâu bệnh nên cuối mùa thu hoạch chẳng được bao nhiêu.
Mặc dù giá hiện nay một cân môn trắng là 13 ngàn đồng, môn nịt 20 ngàn, nhưng do mất mùa nên sau khi trừ chi phí, gia đình thu lại chưa được chục triệu đồng. Nhớ lại thời điểm trước đây, những năm được mùa, 1 sào trồng môn nịt cho 3 tạ môn củ, có củ lên đến gần 1 kg, 5 sào môn cho thu hoạch đến gần 2 tấn môn, nếu giá cả như hiện nay thì gia đình sẽ thu được khoản tiền không nhỏ”.
Chị Nguyễn Thị Hằng, một thương lái chuyên mua môn để nhập cho các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… nói: “Giá môn phụ thuộc phần lớn vào thị trường, có năm được mùa thì giá môn hạ, năm nay mất mùa thì giá lại cao.
Môn củ được trồng tại Vĩnh Linh rất được ưa chuộng tại các thị trường trong Nam, ngoài Bắc bởi rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Theo chị Hằng môn củ đa phần được tiêu thụ hết tại thị trường trong nước.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, khoảng 15.000 tấn sò lông đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác, còn nằm dưới bãi nuôi vì không có thương lái mua, khiến nhiều hộ dân nuôi sò gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loài thủy sản hai mảnh vỏ này.

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.

Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.

Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ra gần 800 héc ta bắp không hạt, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và TX. Long Khánh với mức độ thiệt hại từ 30 - 60%.