Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân trồng sen mong có thị trường ổn định

Nông dân trồng sen mong có thị trường ổn định
Ngày đăng: 26/06/2015

Thu nhập khá nhờ trồng sen

Đến nay, cây sen đã được nông dân phát triển trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ như: Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh… phần lớn sen tại thành phố được nông dân trồng để lấy gương, chứ ít trồng các giống sen để lấy ngó hay củ sen. Thời gian qua, có một số trường hợp nông dân đã gặp thất bại khi trồng sen do chọn phải giống sen năng suất thấp và chưa thông thạo kỹ thuật canh tác. Diện tích trồng sen đa phần nông dân chuyển từ đất lúa và cho thu nhập khá hơn trồng lúa. Trong điều kiện năng suất bình thường và sen có giá bán thấp, nông dân cũng dễ dàng có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/công/năm.

Anh Hồ Văn Tuấn ngụ ấp 8, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ trồng sen được gần 10 năm nay. Nhờ trồng sen mà kinh tế gia đình anh Tuấn và nhiều hộ dân ở xã Thới Hưng đã khấm khá hơn. Anh Tuấn có 20 công sen đang cho thu hoạch gương. Anh Tuấn cho biết: "Mỗi công đất trồng sen cho sản lượng gương sen đạt từ 1 - 1,4 tấn/năm. Với giá bán gương sen thời gian qua luôn ở mức từ 8.000 - 10.000 đồng/kg trở lên, trong đó nhiều thời điểm giá ở mức vài chục nghìn đồng ký, nhiều hộ dân trồng sen tại xã có thu nhập bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/công sen/năm.

Tuy nhiên, trồng sen vất vả hơn trồng lúa, tốn nhiều công sức trong việc thu hoạch gương sen. Người trồng sen phải thu hoạch liên tục trong nhiều tháng, cứ khoảng 3 ngày là thu hoạch một đợt". Ông Mai Phát Đạt, ngụ khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: "Do đang trong thời điểm thuận mùa, giá gương sen chỉ ở mức 10.000 đồng/kg đối với sen già và khoảng 12.000 đồng/kg đối với sen non nhưng người trồng sen vẫn đảm bảo có lợi nhuận bình quân khoảng 10 triệu đồng/công sen/năm. Gia đình tôi hiện có 4 công đất trồng sen, tới đây tôi dự kiến sẽ mở rộng diện tích, trồng mới thêm 6 công sen nữa vì hiệu quả hơn so với làm lúa".

Thông thường cây sen từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng và thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng. Sau khoảng thời gian thu hoạch, người dân thường phát bỏ cho sen mọc lại hoặc trồng lại cây mới nhằm giúp ruộng sen cho năng suất cao. Hiện loại sen lấy gương được nhiều nông dân tại TP Cần Thơ chọn trồng là giống sen xuất xứ từ Thái Lan, do giống này cho năng suất tốt. Riêng giống sen Đài Loan trước đây có một số hộ dân chọn trồng nhưng thất bại và đã bỏ không còn trồng nữa. Tuy nhiên, rất khó có thể nhận biết giữa giống sen Thái và giống sen Đài Loan. Theo các hộ dân trồng sen lâu năm, để chọn được giống sen tốt, họ phải đến tận các đám sen cho năng suất tốt để chọn mua giống và duy trì chúng để làm giống hằng năm và chủ động trao đổi giống giữa các hộ dân cùng làm nghề nhằm tránh mua phải nguồn giống trôi nổi, kém chất lượng.

Cần thị trường đầu ra ổn định

Hiện nay, nhiều hộ dân tại TP Cần Thơ vẫn còn gặp khó khăn trong việc canh tác sen do đây còn là loại cây trồng mới phát triển trên dưới 10 năm nay. Vấn đề nhiều hộ dân trồng sen lo lắng nhất là việc tiêu thụ sản phẩm gương sen tại thành phố phụ thuộc hoàn toàn vào tiểu thương, đặc biệt là thương lái đến từ các tỉnh ở lân cận. Trong khi đó, diện tích trồng ngày càng tăng. Nông dân rất cần các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, kết nối kịp thời với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhằm giúp điều tiết sản xuất và chủ động hơn về mặt đầu ra sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Trị, ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Thấy bà con ở các xã lân cận trồng sen có hiệu quả, đầu năm 2015 tôi đã mạnh dạn chuyển hết 2ha đất lúa sang trồng sen và đang thu hoạch. Giá sen có giảm mạnh do bước vào thuận mùa nhưng vẫn đảm bảo người trồng có lợi nhuận. Song với tình hình giá lúa đầu ra thời gian qua khá bấp bênh, nhiều nông dân đang đẩy mạnh chuyển từ lúa sang trồng sen, tôi sợ tới đây đầu ra sẽ gặp khó. Tôi rất mong có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất".

Theo ông Võ Văn Bảy, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, thời gian qua ông và nhiều tiểu thương trên địa bàn TP Cần Thơ thu mua gương sen về tiêu thụ tại các điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố, nhưng mua gương sen non với số lượng hạn chế để phục vụ nhu cầu ăn sống, chứ không mua sen lụa (sen già) vì trên địa bàn thành phố chưa có các doanh nghiệp thu mua chế biến sen như ở tỉnh Đồng Tháp và một số địa phương khác. Muốn tiêu thụ gương sen với số lượng lớn, các hộ dân trông sen trên địa bàn TP Cần Thơ chủ yếu để sen già hái bán cho các tiểu thương đến từ Đồng Tháp và các tiểu thương thu mua hàng để cung ứng cho các doanh nghiệp tại Đồng Tháp và một số địa phương khác.

Trước đây, nhiều hộ dân trồng sen tại TP Cần Thơ muốn tiêu thụ gương sen với số lượng lớn phải đem hàng sang tận Cao Lãnh- Đồng Tháp để bán cho các tiểu thương và vựa thu mua. Hiện nay, có nhiều thương lái từ Đồng Tháp đã sang tận Cần Thơ để thu mua gương sen, giúp nông dân thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiêu thụ sản phẩm. Dù vậy, nhiều nhà nông chưa vui là giá cả đầu ra còn bấp bênh và do thương lái quyết định. Ông phạm Văn Hiệp, ngụ ấp 8, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Nông dân muốn bán gương sen chỉ cần hẹn với thương lái giờ nhận mua hàng và đem hàng đến tập kết đến các bãi thu mua đã được hình thành trên địa bàn xã.

Chỉ có điều việc đánh gía chất lượng sản phẩm và giá thu mua hầu như hoàn toàn do thương lái quyết định, nhiều lúc thấy hàng ít họ nâng giá lên, còn thấy hàng nhiều lại giảm giá. Nông dân rất cần có các doanh nghiệp trực tiếp đến TP Cần Thơ để đặt các đại lý thu mua và đặt hàng nông dân sản xuất". Về lâu dài, đòi hỏi ngành chức năng cần vào cuộc. Đây cũng là cách thiết thực giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ chuyển đổi được các diện tích đất lung, đất khó sản xuất lúa… sang trồng sen.


Có thể bạn quan tâm

Triển Khai Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính Ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) Triển Khai Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính Ở Bảo Lộc (Lâm Đồng)

Sau 6 tháng triển khai, đến nay, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ở xã Lộc Nga (Lâm Đồng), được thực hiện tại 15 hộ với số lượng 60 kg cá giống, do Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc đã triển khai, đã đem lại hiệu quả khá cao.

26/03/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trang Trại Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Ở Bình Phước Hiệu Quả Từ Mô Hình Trang Trại Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Ở Bình Phước

Tại Bình Phước, anh Nguyễn Lê Dũng ở ấp 1, Lộc Thiện, Lộc Ninh là người đã nuôi heo hơn 10 năm. Tuy nhiên anh mới bắt đầu áp dụng chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái được 2 năm.

26/03/2013
Nuôi Cá Điêu Hồng Đánh Cược Với Thị Trường Nuôi Cá Điêu Hồng Đánh Cược Với Thị Trường

Giá cá điêu hồng xấp xỉ 35.000 đ/kg, tăng khoảng 6.000 đ/kg so trước tết. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn ngán ngại thả nuôi. Vì sao?

27/03/2013
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm

Dự án “Mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Tổ chức iDE triển khai thực hiện từ tháng 2-2011. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề khó khăn về nước sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng mà còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên những vùng đất khô cằn.

27/03/2013
Thu Hoạch Ao Nuôi Tôm Đầu Tiên Lãi Ròng 250 Triệu Đồng Ở Fimex Việt Nam Thu Hoạch Ao Nuôi Tôm Đầu Tiên Lãi Ròng 250 Triệu Đồng Ở Fimex Việt Nam

Cuối tháng 2 vừa qua, Fimex VN đã thu hoạch ao nuôi tôm đầu tiên được 5,6 tấn, vượt so với 4,5 tấn theo kế hoạch. Giá trị sản lượng tôm thu hoạch đạt 600 triệu đồng, lợi nhuận ròng trên 250 triệu đồng.

28/03/2013