Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân tìm lời giải bài toán cá tra

Nông dân tìm lời giải bài toán cá tra
Ngày đăng: 25/05/2015

“Không như mình nghĩ”

Đó là cảm nhận của ba Nghiệp khi ông vừa trở về từ Hội chợ thủy sản Brussels (Bỉ) – một trong những hội chợ chuyên ngành thủy sản thường niên lớn nhất thế giới hiện nay, quy tụ hàng nghìn nhà sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản uy tín trên thế giới. Có lẽ ba Nghiệp là người duy nhất tham gia hội chợ này với tư cách… nông dân.

“Tôi đại diện cho nông dân nuôi cá ĐBSCL, đi theo chương trình dự án SUPA của Đại học Cần Thơ. Cùng đi còn có 6 doanh nghiệp (DN) thủy sản khác. Hồi trước, ở nhà lo nuôi cá, tôi cứ nghĩ con cá tra của mình chiếm vị trí quan trọng tại những hội chợ thủy sản lớn nhưng qua đó mới thấy, sản phẩm cá tra chỉ nằm khiêm tốn trong không gian rộng thênh thang với đủ các loại thủy sản khác nhau” – ba Nghiệp chia sẻ.

Câu nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả đúng với nông dân ba Nghiệp. “Quan sát hầu hết gian hàng thủy sản của các nước khác, tôi thấy họ không chỉ trưng bày hình ảnh và sản phẩm, mà còn chú trọng giới thiệu tiêu chuẩn chất lượng thủy sản. Tên các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, SQF, GlobalGAP… được người ta dán to tướng nơi gian hàng quảng bá. Tôi thấy trước nay, mình vẫn áp dụng nuôi cá theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng chưa chú trọng quảng bá các tiêu chuẩn này, trong khi người tiêu dùng thế giới lại rất coi trọng tiêu chuẩn chất lượng” – ba Nghiệp nhận xét.

Thế là, ông cùng các DN khác tích cực giới thiệu với các nhà phân phối nước ngoài về ngành nuôi và chế biến cá tra ở Việt Nam thông qua những đoạn phim, tài liệu được chuẩn bị sẵn. Gian hàng của dự án SUPA thu hút được nhiều DN quan tâm. “Nhiều người hỏi kỹ về quy trình sản xuất cá tra, tôi nói rõ với họ về cách xây dựng, quản lý vùng nuôi ở ĐBSCL theo hướng sản xuất bảo đảm chất lượng, thân thiện với môi trường và cộng đồng. Tôi nghĩ, mình làm sao thì nói vậy để họ hiểu hơn về con cá tra Việt Nam” – ba Nghiệp bộc bạch.

Thời cơ “vàng” cho cá tra Việt Nam

Là người từng tham dự khóa học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, do Liên minh Hợp tác xã (HTX) quốc tế (ICA) tổ chức, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, tuy con cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh với nhiều loại thủy sản khác nhưng nếu chủ động, cá tra hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường khi mà sản lượng thủy sản đánh bắt xa bờ trên thế giới đang bị sụt giảm.

“Ở Hàn Quốc, tôi học được rất nhiều điều về cách đi lên từ nông nghiệp của họ. Người ta quan niệm, dân có giàu thì nước mới mạnh nên ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là giúp nông dân – một lượng lớn lao động trong xã hội – giàu lên. Họ làm ngành gì cũng đưa vào HTX. Tôi đến thăm những HTX ở Hàn Quốc thấy trụ sở của họ to rộng, đội ngũ quản lý, nhân viên, kế toán, lễ tân… làm việc không khác gì một tập đoàn.

Suốt thời gian dài, Chính phủ Hàn Quốc dồn sức phát triển nông nghiệp. Chính phủ hỗ trợ đến 50% phương tiện, chi phí sản xuất cho nông dân để họ đi vào con đường làm ăn hợp tác và làm giàu từ chính nghề nông nghiệp của họ. Nhà nước không nhúng tay vào HTX và nông dân tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ quản lý HTX. Đội ngũ này được nhận lương cao nên làm việc hết mình. Anh nào làm không hiệu quả sẽ bị xã viên “lôi xuống”, đưa người khác lên” – ông Nguyên chia sẻ.

Ông kể thêm, Hàn Quốc nhận thấy sản lượng thủy sản đánh bắt xa bờ đang sụt giảm mạnh nên họ cũng giảm dần số lượng tàu ở các HTX. “Tàu cá đóng mới 1 tỷ Won, xài cũ rồi Chính phủ mua lại giá… 1,5 tỷ Won. Người ta làm vậy để ngư dân có đủ vốn chuyển sang ngành nghề khác. Các chuyên gia Hàn Quốc nói với tôi, Việt Nam có ưu thế nuôi cá tra số lượng lớn mà nhiều nước khác muốn cũng không được. Vấn đề là phải có quy hoạch, định hướng và người nuôi phải tham gia vào HTX” – ông Nguyên nói thêm.

Đang giữ vai trò Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú, ông Nguyên cho rằng, mô hình tổ chức HTX hiện nay không ổn. “Nhà nước cần quy hoạch vùng nuôi cá tra và hỗ trợ chi phí để người nuôi cùng tham gia vào HTX. Ban Quản trị (BQT) HTX là người quyết định tất cả các khâu sản xuất, từ chọn lựa tiêu chuẩn, thời điểm thả nuôi, số lượng cụ thể. Trong vùng nuôi rộng lớn, thức ăn được đấu giá công khai, DN nào cung ứng rẻ thì BQT ký hợp đồng.

Gần đến thu hoạch, xã viên giao toàn quyền cho BQT tổ chức đấu giá cá nguyên liệu, DN nào có đủ tiền, trả giá cao thì được mua, chứ không phải cứ đến mua lẻ tẻ rồi ép giá người nuôi, “ngâm” tiền không trả như lâu nay. Chỉ có quy hoạch sản xuất và tổ chức HTX kiểu mới thì người nuôi cá mới có lời, con cá tra mới phát triển bền vững và nông dân mới giàu lên được” - Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú góp ý.


Có thể bạn quan tâm

Rau Tần Dày Lá Phát Triển Ở Lương Phi (An Giang) Rau Tần Dày Lá Phát Triển Ở Lương Phi (An Giang)

Trong khi nông dân trồng lúa, rau màu nhiều nơi đang gặp khó khăn bởi giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì nông dân xã Lương Phi (Tri Tôn - An Giang) phấn khởi với mô hình trồng rau tần dày lá – một loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền. Đây là mô hình triển vọng do bà con được cung cấp giống, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với giá cả ổn định và đảm bảo có lãi.

28/04/2014
Bình Phước Đối Phó Với Dịch Bệnh Trên Cây Cao Su Bình Phước Đối Phó Với Dịch Bệnh Trên Cây Cao Su

Do những diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua một số sâu bệnh đã bùng phát trên cây cao su gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Đặc biệt, tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú - Bình Phước) có hơn 40 ha cây cao su của nhiều hộ dân bị nhiễm nặng.

28/04/2014
Giá Xoài Liên Tục Giảm, Nông Dân Hậu Giang Điêu Đứng Giá Xoài Liên Tục Giảm, Nông Dân Hậu Giang Điêu Đứng

Những ngày này, ở các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch xoài, nhưng giá xoài rớt thê thảm, nhiều nơi thương lái bỏ cọc không thu mua, nông dân đang tìm mọi cách để gỡ tiền phân thuốc, tránh một vụ xoài trắng tay.

28/04/2014
Giá Chanh Tăng Cao Giá Chanh Tăng Cao

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 3.000 ha đất trồng chanh với nhiều loại giống khác nhau, tập trung nhiều tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy….

28/04/2014
Xây Dựng Xây Dựng "Bệnh Viện Cho Cây Trồng"

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đang phối hợp Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức triển khai mở rộng xây dựng Dự án “Bệnh viện cây trồng”. Với các “bệnh viện” này, người nông dân đã có nơi để đưa cây trồng đến khám, chữa bệnh.

28/04/2014