Nông Dân Thu Lãi Khá

Vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) năm 2013-2014, huyện Tuy Phước triển khai thực hiện 24 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất lúa với tổng diện tích 1.120 ha, trong đó có gần 600 ha liên kết sản xuất lúa giống, năng suất đạt 80,3 tạ/ha, tăng 8,8 tạ/ha so với năng suất bình quân chung. 100% số hộ tham gia liên kết sản xuất lúa giống trên CĐML đều thu lợi nhuận khá.
Ông Trần Tăng Long, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hưng, chia sẻ: So với vụ ĐX năm ngoái, số CĐML ở địa phương tăng gấp đôi với tổng diện tích 252 ha, có 1.361 hộ tham gia, trong đó sản xuất giống cộng đồng 110 ha, đều sản xuất lúa giống BC15 theo hợp đồng nhân giống cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình. Công ty này đã cho nông dân mượn toàn bộ lúa giống đến kỳ thu hoạch mới thanh toán.
Nông dân tham gia CĐML còn được hưởng ưu đãi của Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định và Công ty Hóa nông Hợp Trí bán nợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi.
Quá trình canh tác được sự giúp đỡ của ngành chức năng và các doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nên ruộng giống phát triển tốt, năng suất đạt 85 tạ/ha, cao hơn năng suất vụ ĐX năm ngoái 6,6 tạ/ha.
Giống sau khi thu hoạch được Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình bao tiêu với giá 7.500 đồng/kg (trong khi lúa thịt cũng giống BC 15 thương lái chỉ mua 6.200 đồng/kg, chênh lệch 1.300 đồng/kg). Bà con đã bán được gần 2.000 tấn giống (tăng 500 tấn lúa giống so cùng kỳ năm trước), thu về 15 tỉ đồng. So với giá lúa thịt, lợi nhuận phần chênh lệch 2,6 tỉ đồng.
Theo tính toán của bà con nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa giống trên CĐML, nếu tính 1 ha sản xuất lúa giống cho năng suất thấp nhất 80,3 tạ/ha, bán giống 7.500 đồng/kg, thu nhập hơn 60,2 triệu đồng/ha; còn sản xuất ngoài mô hình, năng suất bình quân chung 71,5 tạ/ha, giá bán 6.200 đồng/kg, thu nhập hơn 44,3 triệu đồng/ha. Như vậy làm ruộng giống lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thịt trên 15,9 triệu đồng/ha, nên bà con nông dân sản xuất lúa giống rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân ở thôn Tân Hội, xã Phước Hưng, bộc bạch: Vụ ĐX năm nay năng suất ruộng giống CĐML ở thôn tui đạt cao kỷ lục chưa từng thấy, từ 90 tạ/ha trở lên. Phần tui sản xuất 4 sào, sản lượng gần 2 tấn, tính ra năng suất đạt gần 500 kg/sào. Công ty bao tiêu hết sản phẩm, giá lúa giống lại cao hơn 25% so với giá thị trường tại thời điểm thu mua nên bà con thu lãi nhiều.
HTXNN Phước Thắng sản xuất 2 CĐML tại thôn Lương Bình và Phổ Đồng, với diện tích 75 ha gieo sạ giống lúa BC15, do Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cung ứng giống, HTX cung ứng vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sạ hàng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Kinh nghiệm qua 3 năm sản xuất giống nên bà con khá thuần thục trong thâm canh cây lúa, các vụ năng suất đều đạt trên 80 tạ/ha. Riêng vụ ĐX năm nay đạt 90 tạ/ha, có nhiều diện tích đạt trên 100 tạ/ha. Chưa bao giờ người dân xã Phước Thắng làm lúa đạt năng suất cao đến như vậy.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ nhiệm HTXNN Phước Thắng, cho biết: Ngoài yếu tố thuận lợi về thời tiết, nguồn nước tưới dồi dào, bà con nông dân tham gia CĐML cũng đã đúc kết kinh nghiệm qua nhiều năm sản xuất giống lúa BC15, nên chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, đạt năng suất vượt trội.
Tuy thu hoạch vào thời điểm mưa, nhưng bà con bảo quản tốt, phơi kỹ bán cho Công ty CP giống cây trồng Thái Bình được 450 tấn (tăng 40 tấn so vụ ĐX năm ngoái), giá 7.500 đồng/kg, thu về trên 3,3 tỉ đồng.
Trong khi đó lúa thịt ở địa phương chỉ bán được 5.400 đồng- 6.200 đồng/kg tùy theo giống lúa. Nhìn chung, sản xuất lúa giống theo mô hình liên kết luôn có lợi cho nông dân, nên HTX tính sẽ mở rộng diện tích lên 150 - 200 ha ở vụ ĐX đến.
Có thể bạn quan tâm

UBND huyện Tri Tôn (An Giang) và các ngành chuyên môn của huyện vừa đến thị sát quá trình thu hoạch bắp non và kiểm tra việc chuyển đổi mô hình trồng mè tại các xã Cô Tô, Ô Lâm và An Tức (huyện Tri Tôn).

Từ 40 cặp chim giống ban đầu, sau 2 năm chăm sóc đến nay đàn chim bồ câu của ông Huỳnh Thắng ở thôn Tây Yên, xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã lên tới hơn 400 con. Ông được xem là người nuôi chim bồ câu Pháp thành công ở vùng quê nhiều khó khăn này.

Những này gần đây giá ớt đứng ở mức cao từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, đem lại thu nhập khá cho người trồng ớt ở các xã Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước... của huyện Chợ Gạo.

Đối với củ hành tím lẫn artemia, thế mạnh lớn nhất chính là nguồn giống được sản xuất tại địa phương và điều kiện về đất đai, nguồn nước phù hợp cho sự phát triển. Vì thế, sau cây lúa ST5, hành tím và artemia Vĩnh Châu được “Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng” chọn xây dựng nâng cấp chuỗi giá trị từ nay đến năm 2016.

Những ngày qua ở Hà Nội, thời tiết nắng nóng kéo dài đan xen những trận mưa khiến cho việc sản xuất rau của người dân các vùng rau ngoại thành gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, giá rau lên xuống thất thường và giảm mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nên thu nhập của người trồng rau giảm rõ rệt.