Nông Dân Tăng Thu Nhập Từ Cam Canh, Bưởi Diễn Ở Trần Phú (Hà Nội)

5 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả canh tác, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã xây dựng được một số vùng chuyên canh cây ăn quả, lúa hàng hóa, chăn nuôi... Nhờ đó, thu nhập của người nông dân được nâng lên từng ngày.
Thời điểm này, trên khu chuyển đổi của thôn Trung Tiến, xã Trần Phú, nhiều vườn cam, bưởi, quả đang ngả màu vàng chờ đón mùa Tết Nguyên đán. Trong vườn cây ăn quả 1,2 mẫu của gia đình, ông Đinh Văn Sáu, thôn Trung Tiến đang chăm chút bọc những quả bưởi Diễn vào giấy báo để chống muội, giữ cho quả đẹp. Ông cho biết, năm nay, bưởi Diễn mất mùa nhưng cam Canh lại đậu khá nhiều quả. "Ước tính, từ nay đến Tết, thu hoạch từ vườn quả được khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi 60 triệu đồng" - ông Sáu chia sẻ.
Một trong những hộ giàu lên từ trồng cây ăn quả tại xã Trần Phú là anh Đinh Công Thắng, thôn Nghè. Anh cho biết, trồng cây ăn quả cần vốn đầu tư lớn và nhiều công chăm sóc nên phải làm từng bước. Năm 2011, anh Thắng có 200 cây cam Canh cho thu hoạch 7 tấn quả, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Năm nay, số cây cam cho thu hoạch tăng lên 500, dự kiến thu được khoảng 15 tấn quả. Với giá bán đầu vụ 48.000 - 50.000 đồng/kg, anh Thắng ước tính thu được khoảng 700 triệu đồng.
Toàn xã Trần Phú có 734,6 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa là 355 ha, cây ăn quả 60 ha, nuôi trồng thủy sản 49 ha, còn lại là rau màu. Từ năm 2007, xã đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đưa cam Canh, bưởi Diễn về thay thế diện tích trồng sắn trước đây. Ông Trịnh Xuân Lệ, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Trần Phú cho biết, thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt 70 - 100 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2 lần so với trồng sắn.
Ngoài cây ăn quả, từ vụ Mùa 2012, xã Trần Phú còn triển khai gieo cấy 100 ha lúa hàng hóa với giống RVT và Tám xoan đột biến cho hiệu quả kinh tế đạt 41 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với cấy lúa Khang Dân trước đó. Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện nay, UBND xã Trần Phú đang tích cực chỉ đạo các thôn thực hiện dồn điền đổi thửa. Đến thời điểm này, xã đã đào đắp được 52 km đường giao thông nội đồng, cứng hóa được 8km đường kênh mương, đạt 85 - 90% khối lượng công việc.
Ông Lê Anh Kiều, Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế của toàn xã (33%). Do đó, để nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 10 triệu đồng/người/năm, xã phấn đấu đến năm 2013 mức thu nhập bình quân sẽ được tăng lên đạt 12 triệu đồng/người/năm.
Có thể bạn quan tâm

Cơn bão số 14 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con ngư dân Vân Đồn (Quảng Ninh). Hộ thiệt hại ít thì cũng vài chục đến vài trăm triệu đồng, hộ nhiều lên tới vài tỷ đồng. Điều đáng nói là đa số các hộ, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản đều có thâm niên, nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng do bão ập đến quá nhanh khiến họ trở tay không kịp.

Ngày 12- 11, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp Công ty Cổ phần TCSH Vĩnh Thịnh tổ chức tập huấn kỹ thuật “Nuôi tôm bền vững và tiếp cận mô hình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng” cho 55 học viên là nông dân thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Mục tiêu của Hợp đồng Dịch vụ tư vấn NA-A1/03/2010/ACP ngày 15/9/2011 giữa BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An và Trung tâm Nghiên cứu môi trường chất thải nông nghiệp (ĐH Nông lâm Huế) là xây dựng vùng chăn nuôi dựa trên nguồn thức ăn không qua chế biến giun quế và ngũ cốc nhằm đạt năng suất và hiệu quả cao, đảm bảo ATVSTP...

Tháng 6/2013, tiến bộ kỹ thuật ấp trứng gà Hồ bằng máy đã được Viện Chăn nuôi chuyển giao cho gia đình ông Đỗ Tá Dũng ở làng Lạc Thổ (thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Người dân Gò Công Đông (Tiền Giang) sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trong đó nuôi gà thả vườn khá phát triển, trên địa bàn huyện có tổng đàn gà 260.000 con. Người nuôi theo truyền thống, ít tiếp cận với việc phòng ngừa dịch bệnh và xử lý môi trường vẫn chưa triệt để.