Nông dân Quỳnh Lưu đầu tư nuôi vụ 3

Hiện người nuôi tôm của huyện Quỳnh Lưu đã cơ bản thu hoạch xong vụ tôm thứ 2 trong năm.
Bà con cho biết, tôm vụ 2 giá bán vẫn thấp, giao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg (tùy loại); như thế, có những hộ nuôi tôm hòa vốn.
Tuy nhiên, với hy vọng cuối năm tôm sẽ tăng giá, nhiều hộ tiếp tục xử lý ao đầm, mạo hiểm nuôi tôm vụ 3.
Anh Hồ Văn Tiến, người nuôi tôm ở xóm 12, Quỳnh Thanh chăm sóc tôm vụ 3
Tại khu vực nuôi tôm của xóm 12, xã Quỳnh Thanh, thỉnh thoảng mới bắt gặp người ra vào đầm tôm.
Anh Hồ Văn Tiến, người nuôi tôm ở xóm 12, cho biết: Gia đình có 3 đầm tôm, với diện tích gần 1 ha.
Như các năm trước, sau mỗi vụ thu hoạch tôm, gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Thế nhưng, năm nay giá tôm hạ mạnh, có thời điểm tôm bị bệnh hồng thân, phân trắng, chậm lớn, dẫn đến đầu tư nhiều.
Mới rồi gia đình thu hoạch tôm vụ 2 được hơn 3 tấn, bán với giá 100.000 đồng/kg, trừ chi phí coi như hòa vốn.
Tuy nhiên, ngay sau khi thu hoạch xong tôm vụ 2, anh đầu tư xử lý ao đầm, và mua 30 vạn con tốm giống (tôm thẻ chân trắng) về thả trong đầm rộng 4.500m2.
Việc mạnh dạn nuôi tôm vụ 3, theo anh Tiến, thì do mùa Đông năm nay thời tiết có thể ấm hơn mọi năm, tôm đỡ dịch bệnh, ít ăn, nên giảm chi phí đầu vào.
Hơn nữa, do sẽ ít người nuôi tôm vụ 3, nên về cuối năm giá tôm thường tăng cao, người kiên trì nuôi sẽ có lãi.
Còn có đầm tôm của gia đình anh Hồ Sỹ Nghiêm cũng đang nuôi tôm vụ 3.
Anh Nghiêm chia sẻ, với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề nuôi tôm, anh không ngần ngại khi đầu tư mua 50 vạn con tôm giống về thả kết hợp với thức ăn trong 3 tháng liền.
Anh cũng hy vọng cuối năm giá tôm sẽ tăng, lúc đó thu hoạch bán phần nào vớt vát sau 1 năm nuôi tôm trong tình trạng rớt giá.
Ông Hồ Xuân Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh, cho biết: Địa phương có 131 hộ làm nghề nuôi tôm với tổng diện tích 75 ha ao đầm.
Mới rồi bà con thu hoạch xong tôm vụ 2, có thể đánh giá là hòa, vì tôm vụ 2 vừa rồi nhiều dịch bệnh, chậm lớn, nên người nuôi tôm phải đầu tư nhiều hơn; giá bán lại thấp hơn năm ngoái 20.000 đồng/kg...
Mặc dù vậy bà con không hề chán nản, bởi nuôi tôm là nghề được đánh giá thu nhập cao nhất tại địa phương này suốt hàng chục năm qua.
Hiện cả xã có khoảng 1/4 số hộ nuôi tôm tục đầu tư nuôi tôm vụ 3...
Huyện Quỳnh Lưu có 9/33 xã có nghề nuôi tôm, với diện tích 460 ha ao đầm.
Nhiều nhất là các xã: Quỳnh Bảng gần 200 ha, Quỳnh Thanh gần 80 ha, Quỳnh Lương 60 ha…
Năm nay, Quỳnh Lưu có khoảng 70% diện tích ao đầm được người dân đầu tư nuôi tôm vụ 2.
Đến đầu tháng 11, cơ bản các địa phương đã thu hoạch xong tôm vụ 2.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện, năm nay từ tháng 7 đến nay trời ít mưa, chưa có bão lụt đáng kể, nên tôm vụ 2 nhìn chung ít dịch bệnh, đến cuối tháng 10, bà con đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất ước đạt khoảng 5 - 6 tấn/ha.
Tuy nhiên, do giá tôm năm nay giảm trung bình 20.000 - 30.000 đồng/kg, nên người nuôi tôm lãi ít, thậm chí có những đầm tôm nhiễm dịch bệnh sẽ lỗ.
Hiện nay, người nuôi tôm ở các xã: Quỳnh Thanh, An Hòa, Quỳnh Lương… đã thả được khoảng 20 ha tôm vụ 3, nhiều hộ đang xử lý nhẹ ao đầm chuẩn bị thả tôm giống.
Như vậy, Quỳnh Lưu sẽ có khoảng 50 - 60 ha ao đầm được người dân nuôi tôm vụ 3.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu khuyến cáo: Thời gian nuôi tôm vụ 3 chủ yếu là mùa Đông, thời tiết có nhiều biến động, rét bất thường, nền nhiệt thấp hơn trung bình trong năm.
Do vậy, quá trình chăm sóc tôm, cần chú ý đến mực nước trong ao đầm luôn đảm bảo; sử dụng vi sinh để xử lý môi trường nước.
Tăng cường công tác chăm sóc tôm bằng cách bổ sung thức ăn có nhiều vi lượng cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm; luôn theo dõi sức khỏe của tôm để phòng dịch bệnh kịp thời.
Không nên nuôi thả tôm với mật độ dày như tôm vụ 1, đồng thời tăng cường hoạt động máy quạt nước để cung cấp đủ ô xy trong ao đầm, vì thời gian này thời tiết ít có nắng...
Có thể bạn quan tâm

Nông dân có sáng tạo sẽ mau làm giàu, chính vì nhờ linh động trong phát triển kinh tế, biết tìm tòi học hỏi, tìm giống cây trồng vật nuôi, áp dụng thực tế tại hộ gia đình đã được nhiều nông dân đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hộ anh Nguyễn Văn Hòa ở ấp Bình Đông 2 xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã chọn phát triển mô hình nuôi Nhím kết hợp với nuôi Thỏ đem lại lợi nhuận hàng triệu đồng mỗi năm. Anh Hòa trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Sáng 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) ở Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá. Khoảng 10 giờ 30 ngày 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) trên đường 30.4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá.

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, bao gồm các hình thức nuôi như quảng canh trong hồ chứa thủy lợi, nuôi trong ao, nuôi thả lồng trong các hồ chứa, nuôi trong ao lót bạt và nuôi trong ruộng lúa

Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nổi tiếng về nghề làm bánh chưng truyền thống. Nhờ nghề này, Vĩnh Hòa đã trở thành làng giàu có bậc nhất huyện Yên Thành.

Khai thác dừa nước là một truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á khi mà một bộ phận khá lớn cư dân các vùng duyên hải Tây Thái Bình Dương lấy nước dừa làm nguồn thu nhập chính. Ở Philippines, 93% cồn và rượu được sản xuất chủ yếu từ dừa nước trong năm 1910, sản lượng lúc đó đã lên đến 90.000 lít (Gibbs, 1911). Giấm dừa nước là nguyên liệu tuyệt vời chế biến các món ăn hấp dẫn nơi các nhà hàng Thái Lan và Philippines