Nông dân phấn khởi vì điều trúng mùa, được giá

Gia đình ông Trần Thanh Mến ở thôn Đắk Lập, xã Đắk D’rô (Krông Nô) đang bước vào thu hoạch 2 ha điều, năng suất đạt khoảng 4 tấn hạt, cao 0,5 tấn so với mọi năm. Hiện nay, giá điều được các thương lái thu mua từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg so với mùa vụ năm 2014.
Ông Mến cho biết: “Những năm gần đây do năng suất không ổn định, giá cả bấp bênh nên tôi không bón phân và tưới nước. Tuy nhiên, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, hoa điều nở rộ, tỷ lệ đậu trái cao nên gia đình cũng có khoản thu nhập khá”.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Bằng ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cũng trồng hơn 1,5 ha điều. Năm nay, nhờ điều trúng mùa, được giá nên gia đình bà đã bố trí một nhân công ra vườn điều để canh giữ và thu nhặt hạt.
Bà Bằng cho hay: “Ngay từ đầu vụ, nhiều thương lái vào tận vườn mua bao cả vụ với giá 22.000 – 23.000 đồng/kg nhưng tôi không bán vì hy vọng giá điều sẽ còn tăng cao. Gia đình tôi hiện chỉ dựa vào 1,5 ha điều, vì trước đó có hơn 2 ha cà phê thuộc vùng dự án nên tôi đã giao đất cho địa phương rồi.
Năm nay, tôi còn thường xuyên tưới nước khi vào những thời điểm nắng nóng. Nhờ vậy, vườn điều rất sai trái, hạt căng mẩy. Dự kiến 1,5 ha điều cho sản lượng hơn 3 tấn hạt/năm, sau khi trừ chi phí, ước tính, gia đình có thu được khoảng 80 triệu đồng”.
Theo các hộ trồng điều ở huyện Đắk R’lấp, Krông Nô... thì trung bình 1 ha điều cho thu nhập từ 80-90 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí như thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, người trồng điều cũng có lãi từ 45 – 50 triệu đồng/ha. Ngoài niềm vui điều trúng mùa, được giá, các gia đình còn giải quyết được việc làm cho nhiều người.
Ông Văn Thành Công, một hộ dân ở thôn Trung Tâm, xã Nam Dong (Chư Jút) cho biết: “Năm nay, điều được mùa, các nhà vườn đều thiếu hụt lao động nên phải tranh nhau thuê nhân công. Giá thuê công nhật từ 140.000 -150.000 đồng/người/ngày”.
Theo Chi Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì nhờ thời tiết thuận lợi, vào thời điểm hoa điều nở rộ, thời tiết không có mưa và sương mù, cũng như trong cả vụ không xuất hiện các loại bệnh như nấm, bệnh thán thư... Hơn nữa, giá cả lại ổn định nên các hộ trồng điều đã mạnh dạn đầu tư bón phân, phun thuốc để phòng bệnh, trừ sâu nên năng suất điều năm nay cao hơn từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 15.656 ha điều, giảm hơn 4.030 ha so với năm 2011. Dự báo diện tích điều sẽ tiếp tục giảm vì nông dân vẫn đang có xu hướng chuyển sang trồng tiêu, cà phê, các loại cây ăn trái. Vì theo bà con nông dân, các loại cây trồng này cho giá trị kinh tế cao hơn điều nên người dân đang tiếp tục chuyển đổi.
Đồng thời, một số địa phương như huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức những năm gần đây đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cây điều sang trồng cao su và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả nên diện tích điều ở các địa phương này đã giảm nhiều.
Theo các doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt điều trong và ngoài tỉnh thì do diện tích giảm dẫn đến sản lượng giảm không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp nên giá thu mua tăng để kích cầu. Chính vì thế nên ngay từ đầu vụ không chỉ những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà nhiều thương lái từ Đắk Lắk, Bình Phước đến thu gom hạt để có nguồn nguyên liệu dự trữ phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu cho những tháng còn lại trong năm.
Có thể bạn quan tâm

Chuyện anh Nguyễn Thành Ngọc thoát nghèo bền vững từ cây mãng cầu trở thành mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp ở thôn Bàu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Tỉnh ta có tiềm năng lớn về khai thác và nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) , hằng năm cung cấp nguyên liệu chính cho nghề chế biến và xuất khẩu thủy sản (TS). Tuy nhiên, chế biến TS mang lại giá trị kinh tế chưa cao do thiếu sự quan tâm trong công đoạn bảo quản sản phẩm.

Gần đây, ở tỉnh ta xuất hiện ngày càng nhiều các tổ hợp tác (THT) làm ăn có hiệu quả. Hoạt động của THT đã hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngày 14-3, UBND huyện Ninh Sơn tổ chức hội nghị đánh giá các mô hình sản xuất năm 2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2013.

Là xã ven biển, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) đã xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Đây là chủ trương đúng, được thực hiện có hiệu quả, giúp vùng quê biển này ngày càng “thay da, đổi thịt”.