Nông dân phấn khởi vì bơ được mùa, được giá

Trong những ngày này, về các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Búc, Krông Năng, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ… các hoạt động thu mua bơ quả diễn ra hết sức sôi động. Do quả bơ đang hút hàng trên thị trường nên nhiều tư thương đã chạy xe vào tận rẫy của người dân để thu mua.
Tại huyện Cư M’gar, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thái, một người đi thu mua bơ cho biết: “Hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhưng giá bơ rất cao nên có lợi cho người nông dân. Đối với bơ sáp loại một mua tại vườn có giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, các loại bơ khác có giá từ 21.000 đến 30.000 đồng/kg tùy loại, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ này năm ngoái. Mặc dù giá bơ tăng cao, nhưng trên thị trường hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn người tiêu dùng rất ưa chuộng bơ sáp trồng ở Đắc Lắc nên người ta vẫn tranh giành nhau mua. Để thu mua được nhiều, hàng ngày tôi chạy xe xuống thu mua tận rẫy của người dân”.
Anh Y Sim, ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’gar trồng xen được hơn 50 cây bơ trong rẫy cà phê. Mấy ngày qua, anh lọc quả lớn bán hai đợt được 20 triệu đồng. Anh Y Sim phấn khởi nói: “Năm nay bơ được mùa và được giá nên tính cả vụ gia đình tôi có thể thu về đến vài chục triệu đồng. Nhờ tiền thu hoạch bơ, tôi có thêm vốn đầu tư cho vườn cà phê và chăm lo con cái ăn học mà không phải vay ngân hàng. Để nâng cao thu nhập cho gia đình, trong mùa mưa năm nay tôi tiếp tục mua bơ giống về trồng xen trong rẫy cà phê, sau này khi vườn cà phê già cỗi bơ sẽ là cây thu nhập chính của gia đình”.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Đào, ở xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar chỉ trồng xen 20 cây bơ sáp trong vườn cà phê mà mỗi vụ cũng thu nhập tăng thêm trên 10 triệu đồng. Chị Đào cho hay: “So với các loại cây trồng khác thì trồng bơ rất đơn giản, nhất là trồng xen trong vườn cà phê, cây bơ phát triển rất nhanh vì có nguồn phân bón và nước tưới cho cây cà phê, đồng thời vào mùa khô cây bơ che bóng khá tốt cho vườn cà phê nên lợi cả đôi đường”.
Còn đối với gia đình anh Trần Công Nguyên ở xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột lúc đầu trồng cây bơ chỉ để che bóng mát cho cây cà phê không ngờ nay lại cho thu nhập cao. Anh Nguyên tâm sự: “Năm 2008, gia đình tôi trồng xen được 70 cây bơ sáp trong rẫy cà phê. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ trồng để chắn gió và che mát cho vườn cà phê thôi, nào ngờ năm nay những cây bơ này mang về cho gia đình tôi trên 50 triệu đồng. Như vậy, chỉ với diện tích một ha, mỗi năm tôi thu được bốn tấn cà phê bán được 150 triệu đồng, nay lại thu thêm 50 triệu đồng từ cây bơ tăng thu nhập đáng kể cho gia đình”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Lắc, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 4.500 ha bơ, chủ yếu là trồng xen trong các vườn cà phê, với sản lượng mỗi năm đạt từ 330.000 tấn bơ quả trở lên. Diện tích cây bơ tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Búc, Krông Năng, Krông Pắc và thị xã Buôn Hồ…
Trong những năm qua, tỉnh Đắc Lắc thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, tiếp thị, phát triển chuỗi giá trị đưa quả bơ vào các trung tâm thương mại lớn, nhỏ trên toàn quốc… Nhờ đó, quả bơ ở Đắc Lắc, nhất là bơ sáp được người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ mạnh. Đặc biệt năm nay, bơ được mùa lại được giá nên người trồng bơ hết sức phấn khởi.
Lâu nay cây bơ chỉ trồng xen trong vườn cà phê nhưng nhiều gia đình ở Đắc Lắc mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng từ cây bơ. Vì vậy, hiện nay ngoài việc chuyển vườn tạp, vườn cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây bơ sáp, đồng bào các dân tộc ở Đắc Lắc còn phát triển mạnh phong trào trồng cây bơ sáp để làm cây che chắn gió, trồng xen trong các vườn cà phê để nâng cao hiệu quả trên từng đơn vị diện tích và từng bước đưa cây bơ trở thành cây hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi lãnh đạo Cục dự trữ nhà nước Nam Trung bộ (trụ sở tại Khánh Hòa) khẳng định việc bán lúa vừa rồi là đúng luật, đúng quy trình thì nhiều người không mua được lúa cho biết sẽ khiếu nại đến cùng để chấm dứt tình trạng không minh bạch trong việc mua bán lúa dự trữ nhà nước…

Một đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Thái Bình, trong câu chuyện về xây dựng nông thôn mới, ông lo lắng: Ở quê bây giờ cái gì cũng đủ: Điện, đường, trường, trạm, internet, quán gội đầu... Chỉ thiếu người!

Thoạt nghe, chúng tôi cứ ngỡ, cái tên gọi Vườn lan Huyền Thoại như một hình ảnh so sánh với các câu chuyện trong truyện cổ tích. Chỉ khi đến nơi, chúng tôi mới được biết, đó là tên mà chị Lê Thị Thanh Huyền đặt cho vườn lan của mình.

Alaska (Mỹ) nổi tiếng là vùng đất sinh sôi toàn các loại rau củ quả khổng lồ. Bắp cải nặng tới 63 kg, dưa lưới 30 kg hay bông cải xanh 15 kg… không còn là điều gây ngạc nhiên với nông dân Alaska.

Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, căn cứ vào các mô hình do các địa phương đề cử, Ban tổ chức chương trình sẽ kiểm tra tình hình thực tế để lựa chọn vinh danh 100 mô hình “Cánh đồng vàng” 2015.