Nông Dân Ồ Ạt Trồng Dưa Hấu Ở Quảng Ngãi

Với giá bán 7.000 - 12.000 đồng/kg, người trồng dưa hấu trong tỉnh Quảng Ngãi vui như… Tết! Chẳng thế mà cạnh những ruộng dưa đang thu hoạch dở, nhiều diện tích vốn là đất của mía đã được nông dân lên hàng, phủ bạt để trồng dưa hấu! Dẫu vẫn biết có thể trắng tay.
Vụ dưa "ngọt"
Nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại nhưng ông Đặng Diệp ở thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân (Mộ Đức) vẫn hào hứng góp chuyện về dưa hấu. Ông Diệp bảo rằng vụ dưa này, dù năng suất thấp hơn mọi năm khoảng 0,5 tấn/sào nhưng với mức giá 8.000 đồng/kg thì sự sụt giảm ấy chẳng khiến nông dân bận tâm. Với 12 sào dưa, sản lượng 18 tấn, sau khi trừ mọi chi phí, ông lãi hơn 100 triệu đồng - con số quá ấn tượng chỉ sau 2,5 tháng kì công chăm sóc. Còn anh Nguyễn Duy ở thôn An Thổ, xã Phổ An (Đức Phổ) cũng tìm được niềm vui với 13 sào dưa hấu loại Hắc Long khi chúng mang lại cho gia đình tận 170 triệu đồng tiền lãi. "Từ hồi làm dưa đến giờ, đây là lần đầu tiên mình được nó mang lại niềm vui trọn vẹn đấy", anh Duy hồ hởi nói.
Không riêng gì ông Diệp, anh Duy mà hiện giờ, người trồng dưa trong tỉnh cảm thấy vui như mở cờ nên ai cũng tranh thủ thu hoạch khi giá bán còn ở mức cao. Hiện giá thu mua dưa tại ruộng đạt 7.500 - 8.000 đồng/kg, tăng gần gấp hai lần so với năm ngoái. Dù vậy không ít người vẫn tiếc rẻ vì… hái muộn, bởi cách đây một tuần, giá dưa ở mức đỉnh 11.000 - 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều khiến nhiều nông dân ở các "vựa" dưa Hành Tín Đông (Nghĩa Hành); Đức Minh, Đức Lân (Mộ Đức), Bình Thạnh (Bình Sơn), Phổ An (Đức Phổ)… phấn khởi không chỉ vì mỗi sào dưa có lãi 7 - 10 triệu đồng mà là họ không còn bị thương lái làm khổ bằng cách chèn ép, kì kèo chê khen như những năm trước. "Mình bán sao, họ mua vậy. Dưa lớn thì giá nhích hơn một tý. Có lẽ chưa bao giờ người trồng dưa được viên mãn như vụ này", anh Nguyễn Văn, ở xã Hành Tín Đông cho hay.
Ồ ạt trồng dưa: Lợi bất cập hại
Mặc dù đây là vụ dưa hấu "ngọt", nhưng theo các ngành chức năng, người dân không nên vì thế mà ồ ạt mở rộng diện tích, vì đầu ra và giá cả của loại nông sản này thường bấp bênh, không ổn định. Một khi "cung vượt cầu" hoặc thị trường tiêu thụ bão hòa thì việc ứ đọng sản phẩm, nông dân trắng tay vì dưa sẽ lặp lại như đã từng xảy ra.
Tuy nhiên, do giá dưa đang ở mức cao nên dường như nhiều người đã bỏ qua lời khuyến cáo trên và rục rịch chuyển đổi từ rau màu - đặc biệt là cây mía sang trồng dưa hấu. Điển hình như tại xã Đức Lân, hàng loạt diện tích thuộc vùng chuyên canh mía như: Đồng Châu (28 ha), Đồng Đưng (11 ha) cùng 16 ha ở thôn Tú Sơn 1 đã và đang bị nông dân phá bỏ để trồng dưa. Nói về sự thay đổi này, ông Trần Đàn ở thôn Tú Sơn 2 - một trong những người gắn bó lâu năm với cây mía nhưng vẫn ngậm ngùi "nhượng" 10 sào đất mía cho dưa chua chát nói: "Giá loại nông sản nào cũng nhảy múa, cũng phụ thuộc tính nết thị trường nên hiếm khi nông dân được hưởng lợi. Thôi thì phó mặc cho… may mắn! Năm nay tôi thay đổi công thức thâm canh từ mía sang dưa hấu - mè - lúa".
Không riêng gì ông Đàn mà hiện tại, nhiều nông dân Đức Lân, Đức Phong không ngần ngại mở rộng diện tích và đua nhau xuống giống để tìm vận may với dưa hấu. Điều này khiến chính quyền sở tại cũng đau đầu vì hơn ai hết, họ hiểu cái giá của phong trào "trúng cây nào trồng cây ấy"! "Nông dân cứ thấy sản phẩm nào được giá là đổ xô vào làm mà không cần biết chúng có bền vững hay không. Để rồi khi rớt giá thì ôm lỗ, rồi lại tốn công phá bỏ", ông Phan Duy Gần, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lân nói.
Có thể bạn quan tâm

Theo bà Đoàn Thị Chải - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, toàn tỉnh có hơn 20 ha nhãn của hơn 170 hộ tại 2 xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) và Hàm Tử (Khoái Châu), mỗi xã có 10 ha được cấp mã vùng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Phát hành Bản tin Xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện Bắc Quang là cách làm sáng tạo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM huyện Bắc Quang. Việc làm này nhằm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phát huy được vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia.

Hiện nay, do đang bước vào đầu mùa mưa nên tình hình dịch hại cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên cây mía, trong đó đáng lo ngại nhất là đối tượng sâu đục thân. Chính vì vậy, để hạn chế diện tích lây lan và đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi thì công tác phòng chống các đối tượng sâu bệnh đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Ở Quảng Trị sau ngày giải phóng, sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh và thiên tai hoành hành thường xuyên đã biến những thôn làng trù mật trước đây thành “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ” (Chế Lan Viên).

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vụ hè thu năm nay, tình hình khô hạn, thiếu nước ở một số khu vực trong tỉnh vẫn tiếp diễn nên các địa phương cần triển khai sản xuất đúng theo cơ cấu giống và lịch thời vụ để đảm bảo kế hoạch.