Nông Dân Nuôi Lươn Có Hiệu Quả

Ông Nguyễn Văn Nga, hội viên Hội Nông dân xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) là người thực hiện mô hình nuôi lươn có hiệu quả trên địa bàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có khá nhiều hộ nuôi lươn. Trong số đó, ông Nguyễn Văn Nga (sinh năm 1955, ngụ tại ấp Lộc Hiệp), hội viên Hội Nông dân xã Lộc Ninh là người thực hiện mô hình nuôi lươn có hiệu quả cao.
Qua tìm hiểu từ sách báo, tài liệu và học hỏi kinh nghiệm của một số người trong nghề, ông Nga xây ba cái hồ nuôi lươn. Sau khi nuôi thử lứa đầu thành công, thấy nuôi lươn không khó, cuối tháng 8.2013 ông thả vụ lươn thứ 2. Trong 3 hồ ông thả 150kg lươn giống (khoảng gần 4.000 con). Thức ăn chính của lươn là cá biển mua với giá 10.000 đồng/kg. Mùa mưa, ông Nga chịu khó đi bắt ốc bươu vàng trên những cánh đồng, bờ kênh cho lươn ăn thêm, giảm bớt được chi phí thức ăn.
Ông Nga cho biết, lượng thức ăn cho lươn chỉ cần vừa đủ no, không dư thừa để tránh lãng phí, vừa không gây ô nhiễm nguồn nước trong hồ. Lươn ít bị bệnh, người nuôi chỉ cần phòng trừ ký sinh trùng đường tiêu hoá và ngoài da bằng cách trộn thuốc vào thức ăn mỗi tháng một lần.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần bổ sung men tiêu hoá và vitamin C để tăng sức đề kháng, giúp lươn vừa phát triển nhanh vừa chống bệnh tật và chịu đựng sự thay đổi thời tiết đột ngột. Mỗi ngày ông thay nước hồ nuôi lươn một lần vào buổi xế chiều. Đây là công việc đơn giản nhưng rất quan trọng vì sau khi ăn no, lươn cần có nguồn nước sạch để phát triển.
Tận dụng chất thải của lươn và thức ăn thừa mỗi khi thay nước, ông đào một chiếc ao bên cạnh các hồ để thả cá trê lai, 4 tháng thu hoạch một lần cũng cho thêm nguồn thu không nhỏ. Đến nay, sau gần 5 tháng nuôi, lươn trong 3 hồ phát triển rất mạnh mẽ, khá đồng đều. Đây là giai đoạn lươn tăng trọng nhanh nhất, bình quân mỗi con đã cân nặng 300 gam. Nếu nuôi đúng chu kỳ 8 tháng thì mỗi con đạt từ 800 gam đến 1 kg và sẽ cho xuất chuồng với sản lượng lươn thương phẩm khoảng 3 tấn.
Ông Nguyễn Văn Nga cho biết thêm, nếu giá cả ổn định như thời điểm hiện tại (thương lái đến đặt mua là 110.000 đồng/kg lươn loại I) thì sau khi trừ các khoản chi phí như tiền mua giống, tiền thức ăn từ khi thả đến lúc thu hoạch… ông thu lời được khoảng 200 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Có 7 hộ gia đình tại các xã An Cư, An Nghiệp, An Xuân, An Ninh Tây và thị trấn Chí Thạnh tham gia dự án. Với tổng kinh phí hơn 575 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khoa học công nghệ của huyện hỗ trợ hơn 111 triệu đồng, dự án đã được đầu tư nguồn con giống ban đầu 40 con, gồm 33 heo cái và 7 heo đực.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh (Quảng Trị), tại Hợp tác xã Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh có 10ha nuôi cá nước ngọt, đang trong thời kỳ phát triển, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng cá chết rải rác (chủ yếu là trắm cỏ), với trọng lượng bình quân 1kg/con do bị bệnh viêm ruột và xuất huyết.

Hiện tượng rụng trái non trên cây có múi như cam, quýt, chanh và nhiều loại cây khác là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Ở một số loại cây như xoài, nhãn... tỉ lệ trái non bị rụng phổ biến tới trên 90%. Tuy vậy, nếu bị rụng quá nhiều sẽ làm giảm năng suất trồng trọt và cần có các biện pháp hạn chế hiện tượng này.

Ngày 28-4, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở huyện ven biển Lộc Hà đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm kiếm những nguồn lợi thủy sản mới như ốc mỡ, sứa biển góp phần bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn lợi thủy sản truyền thống, như mực, cá cơm, ruốc, cá trích…

Vừa duy trì tốt mô hình sản xuất truyền thống, vừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, những nông dân thứ thiệt đã trở thành triệu phú nhờ trồng rau.