Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân muốn vay, không dễ!

Nông dân muốn vay, không dễ!
Ngày đăng: 24/08/2015

Vấp phải sợi dây ràng buộc

Ông Nguyễn Anh Minh, chủ trang trại chăn nuôi gà ở Hà Tây than thở về ý định vay vốn ưu đãi theo Nghị định (NĐ) 55 (trước đây là NĐ41) bất thành của gia đình ông như sau: Là đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nên tôi  nhiều lần tìm đến ngân hàng đề nghị vay vốn lãi suất ưu đãi, nhưng rồi đi đến đâu tôi cũng choáng ngợp bởi những đòi hỏi mà ngân hàng yêu cầu. Từ bản diễn giải phương án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp, phương án trả nợ… Ngoài ra còn đủ các loại giấy tờ xác minh khác nữa.

Cuối cùng ông Minh đành “đầu hàng” kế hoạch vay vốn ngân hàng theo diện ưu đãi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với lãi suất 6-7% và đành nhờ chị gái làm hồ sơ vay thương mại với mục đích khác và phải chịu lãi suất hơn 10%.

“Dự án nuôi gà của tôi cuối cùng không thành công như mong muốn chỉ vì vốn liếng nhỏ giọt, phụ thuộc nên không thể đầu tư toàn diện”- ông  Minh chia sẻ.

Một trường hợp khác, ông Trần Văn Lô Ba- Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: Nghe thấy ưu đãi vốn vay thì mừng lắm nhưng nghĩ đến những tiêu chuẩn, ràng buộc thì lại nản lòng. “NĐ 55 vẫn còn điều khoản ràng buộc về thế chấp tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong Khoản 2, Điều 9 thì  không cần tài sản thế chấp nhưng Khoản 3 lại bắt buộc người vay nộp cho ngân hàng GCNQSDĐ. Mà HTX thì làm gì có GCNQSDĐ”- ông Ba than.

Theo ông Ba, trong khi nhiều lĩnh vực khác tài sản đảm bảo, hoặc để  ràng buộc thường được  chấp nhận tài sản hình thành từ vốn vay thì tại sao  trong lĩnh vực nông nghiệp lại  không được. Ông Ba dẫn chứng: “Người vay tiền mua nhà vẫn được thế chấp bằng chính căn nhà sẽ mua đấy thôi”.

Không riêng gì HTX của ông Ba, hiện toàn tỉnh An Giang có đến gần 100 HTX nông nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng chưa HTX nào vay được.

“Tỉnh An Giang mới vừa tổ chức triển khai tuần rồi nên nhiều đơn vị vẫn đang làm thủ tục vay. Tuy nhiên, đa số đều than khó ở khâu tài sản vì cho rằng NĐ55 vẫn còn ràng buộc yếu tố tài sản, chẳng khác gì thủ tục thế chấp” – ông Lê Thành Lập - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV, các địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang… triển khai NĐ55 xuống dân sớm, nhưng nhiều HTX có quy mô, có nhu cầu vay vốn vẫn không mặn mà với nguồn vốn ưu đãi này.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn nhưng HTX Nông nghiệp Thạnh Hoà  (ấp Thạnh Hòa, xã Mong Thọ A, Châu Thành, Kiên Giang) vẫn chưa làm thủ tục vay theo NĐ55.  “NĐ41 đã làm khó cho HTX rất nhiều, làm nhiều năm thiếu vốn, không phát triển được. Mặc dù có NĐ mới thay thế nhưng vì cũng có những điểm ràng buộc, khó tiếp cận nên HTX chưa đi làm thủ tục vay” - ông Đoàn Văn Bấu – Giám đốc HTX Thạnh Hoà cho biết.

Ngân hàng khó nới lỏng các ràng buộc

Agribank đã ban hành văn bản quy định cho vay đối với khách hàng theo Nghị định 55  trên cơ sở  yêu cầu các chi nhánh trong hệ thống khảo sát, nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng trên phạm vi toàn quốc. Sau gần 1 tháng Nghị định 55 có hiệu lực, mọi hoạt  động cho vay vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên vẫn chưa có báo cáo tổng hợp trường hợp được vay mới theo Nghị định 55.
Phạm Hồng Sơn- Trưởng ban Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Agribank

Ngược lại với tâm lý dè dặt của người dân và các chủ HTX, lãnh đạo các ngân hàng Agribank có chi nhánh ở miền Tây lại hết sức kỳ vọng vào NĐ mới này. Ông Lê Hồng Thu - Trưởng phòng Tín dụng (Ngân hàng NNPTNT chi nhánh tỉnh An Giang - Agribank An Giang) cho biết: “Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận hồ sơ vay nào và đang gấp rút triển khai NĐ55. Mặc dù NĐ55 không có nhiều vấn đề mới so với NĐ41  trước đó nhưng để thực hiện có hiệu quả, chúng tôi phải làm thật kỹ lưỡng, tạo điều kiện thuận lợi  cho khách hàng”.

Ông Thu thông tin thêm, đặc biệt ở An Giang có nhiều HTX nông nghiệp có nhu cầu vốn nhưng đối tượng khách hàng có nhiều vấn đề mới về cơ chế, phương thức hoạt động… “Vì thế, chúng tôi phải ngồi lại, bàn sát sao hơn nữa với nhu cầu của HTX, phải đảm bảo đúng với tinh thần NĐ55” – ông Thu thông tin.

Ông Nguyễn Thiếu Lan – Phó Trưởng phòng Kinh doanh Agribank chi nhánh huyện Châu Thành so sánh: “NĐ55 có nhiều điểm thuận lợi, thủ tục đơn giản, vốn vay cao hơn, đối tượng được vay ở đa lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”.  Theo ông Lan, ở mức vay thấp, người dân không cần phải thế chấp nhưng với mức vay cao thì phải thế chấp, đảm bảo hoạt động có hiệu quả. 

Tuy chưa thống kê được số đơn vị được vay nhưng ông Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Mang Thít (Vĩnh Long) cho biết: “NĐ55 sẽ giúp cho nhiều đối tượng tiếp cận với nguồn vốn vay”. Theo ông Thạch, trước đây theo NĐ41 thì người dân khu vực thị trấn không được vay nhưng theo NĐ mới thì có thể mặc dù mức vay thấp hơn đơn vị cấp xã. Những hộ vay ít vốn thì không cần GCNQSDĐ nhưng đối với những hộ vay nhiều thì phải bị giữ lại giấy này.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Nghị định 55 quy định mỗi dự án của các tổ chức cá nhân, HTX, trang trại, sản xuất thuỷ sản chỉ  được vay tối đa 3 tỷ đồng, số tiền thực  ra  không nhiều  so với nhu cầu dự án sản xuất hàng hoá lớn hiện nay. Trong khi đó, nghị định cũng phân rõ trách nhiệm ngân hàng phải chịu trách nhiệm đồng vốn cho vay. Như vậy có nghĩa các ràng buộc chặt chẽ, khó lòng được nới lỏng. 


Có thể bạn quan tâm

Chợ Đồn Vào Vụ Thu Hoạch Quýt Chợ Đồn Vào Vụ Thu Hoạch Quýt

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

17/12/2014
Rộn Ràng Mùa Cam Rộn Ràng Mùa Cam

Những ngày này không khí ở xóm Minh Hồ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) náo nhiệt hẳn lên, bởi bà con đang bước vào mùa thu hoạch cam với niềm vui được mùa. Khắp các vườn trong xóm, xung quanh nhà, đâu đâu cũng thấy màu vàng chín rộ của những vườn cam quả trĩu cành.

17/12/2014
Nhiều Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi Nhiều Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi đang phát triển nhanh, nhưng giá trị từ các mô hình liên kết vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị ngành chăn nuôi. Do đó, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi GTGT vẫn còn rất lớn.

17/12/2014
Khoai Mì Rớt Giá Thê Thảm Khoai Mì Rớt Giá Thê Thảm

Ông Huỳnh Văn Năng ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Vụ này tôi trồng 4 công khoai mì chỉ bán được hơn 5 triệu đồng, trừ hết các chi phí như phân bón, thuốc BVTV, thuê nhân công thu hoạch coi như công sức mấy tháng trời chẳng thu được đồng nào. Người trồng càng nhiều càng lỗ nặng hơn”.

17/12/2014
Loại Cây Biến Hàng Vạn Hộ Thành Tỷ Phú Loại Cây Biến Hàng Vạn Hộ Thành Tỷ Phú

Trồng thanh long sau Long An nhưng Bình Thuận nhanh chóng trở thành thủ phủ của cây này với 24.000 ha, gấp 1.000 lần so với cách đây 20 năm. Năm 1990, anh Trần Ngọc Hiệp bán chiếc xe máy Honda 67 mua được 3 ha đất tại Hàm Thuận Nam đã trồng thử và điều bất ngờ đã đến, đất đai tại Bình Thuận còn hợp thanh long hơn so với Long An, nơi anh lấy giống. Rồi từ 3 ha đấy anh phát triển lên 30, 70, 100, 300 ha.

17/12/2014