Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Làm Du Lịch

Nông Dân Làm Du Lịch
Ngày đăng: 24/01/2014

Giờ đây, chuyện nông dân làm du lịch không còn mới, lạ. Ngoài ý nghĩa mưu sinh, những “hướng dẫn viên chân đất” và “nhà tổ chức du lịch chân đất” này đã, đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành “công nghiệp không khói” của đất nước.

Địa danh Sapa (Lào Cai) thu hút du khách bởi khí hậu ôn hòa, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú với những bản làng tươi đẹp của đồng bào Mông, Dao, Tày, Giáy... Với những ưu thế đó, đồng bào nơi đây đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của du khách và trở thành những người làm du lịch thực thụ.

Khấm khá nhờ “kho vàng” thiên nhiên

Ông chủ nhà sàn Đào A Son (bản Dền, xã Bản Hồ) mở đầu câu chuyện về hành trình đi tìm hướng xóa đói, giảm nghèo cho mình như vậy. Ông là người đầu tiên trong bản làm du lịch tại gia: Đón khách du lịch về “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với gia đình.

Bản Dền của ông có khoảng 130 hộ, với gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là người Tày. Đất tự nhiên rộng, nhưng chủ yếu là núi cao, rừng nguyên sinh, ruộng hai vụ chỉ khoảng gần 30ha. Trước đây bà con chỉ biết cấy lúa, chăn nuôi theo kiểu thả rông, phát rừng làm nương rẫy nên quanh năm nghèo khó. “Làm sao để thoát nghèo đây? Người Tày mình hát then, hát lượn, đàn tính hay, múa sạp, múa xòe dẻo; có nhiều món ăn ngon, độc đáo; phong cảnh bản làng đẹp, sao không làm du lịch để có thu nhập cao hơn? Câu hỏi đó cứ đau đáu trong tôi...” - ông Son nhớ lại.

Nghĩ là làm, ông vay tiền ngân hàng, sửa sang lại căn nhà sàn của mình; sắm đệm lau, gối bông để khách ngủ đêm. Khu chuồng trại chăn nuôi được dời ra xa khu người ở. Ông nuôi thêm gà đen đặc sản; đào ao thả cá; trồng mận tím Tả Van, Tả Hoàng Ly, đào ngố, trồng rau cải Mèo... để cung cấp thực phẩm sạch cho khách. Vợ con ông xe lanh, nhuộm màu, dệt vải, thêu thổ cẩm truyền thống tại nhà để bán cho khách. Đội văn nghệ gia đình được thành lập, gồm các con, cháu và do Lù Thị Út - vợ ông phụ trách, chuyên biểu diễn văn nghệ dân tộc... Tiếng lành đồn xa, khách du lịch nước ngoài đến Sapa đều xuống bản Dền, đến nhà ông Son. Nhờ làm du lịch, vợ chồng ông có thu nhập không dưới 300 triệu đồng/năm.

Theo cách làm giàu của ông Son, đến nay, bản Dền đã có hơn 30 nhà sàn chuyên đón du khách, mỗi nhà sàn được cải tiến thêm một tầng gác, có thể phục vụ 30-40 người. Khách thích ngủ ngay dưới sàn nhà gỗ, trên những tấm nệm làm bằng bông lau êm ái, sạch sẽ, với gối nhồi bông tự nhiên... sau một ngày leo núi, khám phá Vườn quốc gia Hoàng Liên, tắm thác Cá Nhảy nước trong vắt, mát lạnh, hoặc tắm suối nước nóng ngay đầu bản.

Giá mỗi đêm nghỉ là 60.000 đồng/người, còn ăn uống thì tùy thích, cơm lam, cá suối, gà đen gói lá dong nướng, thịt lợn cắp nách, rau cải nương, ngồng su hào... đủ cả. Toàn bộ thực phẩm đều do bà con trong bản tự làm ra. Làm du lịch nhàn hơn làm nông nghiệp mà thu nhập lại cao hơn cả chục, cả trăm lần khiến người dân ở bản Dền và cả xã Bản Hồ hào hứng.

Học ngoại ngữ, mở công ty du lịch...

Cũng như nhiều hộ ở bản Dền, trước đây gia đình anh Lồ A Phúc, bản Tả Van Giáy (xã Tả Van) sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, phải chạy ăn từng bữa, ba đứa con không được đi học. “Từ ngày vợ chồng mình đón khách du lịch về nhà (homestay), trung bình mỗi tháng có gần chục đoàn khách đến ăn, ở, sinh hoạt cùng gia đình, chi phí cho mỗi khách khoảng 60.000 - 90.000 đồng/ngày, mỗi tháng gia đình mình có thêm gần chục triệu đồng. Lợn, gà, rau... phục vụ du khách do nhà mình sản xuất. Vui nhất là mình được giới thiệu văn hóa dân tộc mình với du khách” - Lồ A Phúc chia sẻ.

"Từ ngày vợ chồng mình đón khách du lịch về nhà (homestay)..., trung bình mỗi tháng gia đình mình có thêm gần chục triệu đồng. Lợn, gà, rau... phục vụ du khách do nhà mình sản xuất. Vui nhất là mình được giới thiệu văn hóa dân tộc mình với du khách”

Lồ A Phúc

Mạnh dạn hơn, không ít ND đã mở công ty du lịch quốc tế. Điển hình là Công ty Vietdiscovery do ông Đỗ Trọng Nguyên làm giám đốc. Dấn thân cho loại hình mới mẻ là du lịch mạo hiểm, công ty đã tổ chức nhiều tour thành công như khám phá, leo núi; tour khám phá các bản làng, kết hợp những đêm văn nghệ bản...

Loại hình du lịch homestay cũng phổ biến ở huyện Bắc Hà của tỉnh Lào Cai. Một trong những người đi đầu làm homestay ở xã Na Hối là ông Sèn Diu Pà (dân tộc Nùng). Năm nay đã bước sang tuổi 73, nhưng “máu” du lịch vẫn còn hừng hực chảy trong ông. “Để giới thiệu cho du khách nước ngoài hiểu bản sắc dân tộc mình, chúng tôi phải học tiếng Anh từ con cháu, từ hướng dẫn viên của Nhà nước, địa phương tập huấn...” - già Pà cười rung chòm râu bạc.


Có thể bạn quan tâm

Đưa Rau Đạt Chuẩn VietGAP Vào Hệ Thống Co.opMart Đưa Rau Đạt Chuẩn VietGAP Vào Hệ Thống Co.opMart

Trong chiến dịch hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TPHCM, Sở Công thương TPHCM vừa chủ trì buổi kết nối các DN sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) với Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

12/06/2013
Người Dân Cần Nắm Được Các Biện Pháp Phòng Chống Dịch Heo Tai Xanh Người Dân Cần Nắm Được Các Biện Pháp Phòng Chống Dịch Heo Tai Xanh

Trước tình hình dịch bệnh heo tai xanh đã bùng phát tại tỉnh Long An, địa phương giáp ranh Tiền Giang, ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thú y (CCTY) Tiền Giang

04/03/2013
Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Thời gian gần đây, trang trại Út Thúy (xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) luôn tấp nập các đoàn khách đến tham quan, học tập.

12/06/2013
Triển Khai Mô Hình Nuôi Hàu Đơn Triển Khai Mô Hình Nuôi Hàu Đơn

Trong tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức triển khai thả 12.500 con hàu giống Thái Bình Dương, trọng lượng bình quân 95 con/kg.

12/06/2013
“Kiện Tướng” Trồng Cam Sành Vụ Nghịch “Kiện Tướng” Trồng Cam Sành Vụ Nghịch

Anh Lại Văn Khanh được mọi người gọi là “kiện tướng” trồng cam sành vụ nghịch cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Tân Hội, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Với diện tích 18.000 m2 cam chuyên canh sành trong đó có 10.000 m2 với 1.300 gốc cam cho trái vụ nghịch, dự kiến trong vụ cam nghịch năm nay anh thu hoạch gần 50 tấn trái, thu nhập từ 700 – 750 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao và rất ít hộ nhà vườn trồng cam sành đạt được.

12/06/2013