Nông dân Kim Sơn đầu tư lớn cho vụ nuôi tôm mới

Ngay từ sáng sớm, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn) bắt đầu thả tôm giống vào ao và tiến hành kiểm tra môi trường nước. Anh Đặng Thanh Tân (khối 8, thị trấn Bình Minh) cho biết: Tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm với môi trường, chỉ cần môi trường nước có biến động là quá trình sinh trưởng của chúng bị chậm lại tức thì, có khi tôm nuôi bị chết.
Bởi vậy, gia đình chúng tôi cẩn trọng với mọi yếu tố liên quan đến môi trường phát triển của con tôm. Ngoài kiểm tra độ kiềm, độ pH, chúng tôi cũng túc trực thường xuyên ở ao nuôi để ứng phó với các tình huống phát sinh. Năm nay, gia đình anh Tân nuôi tôm trên diện tích hơn 10 mẫu. Bên cạnh đầu tư trải bạt ở tất cả các ao nuôi, anh cũng bố trí hệ thống hạ tầng, thủy lợi rất kiên cố với mức 30 - 40 triệu đồng/1 mẫu đầm.
Cùng với thị trấn Bình Minh, các địa phương ven biển khác của Kim Sơn như Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, bà con nông dân cũng đang bắt tay vào vụ nuôi tôm mới. Riêng xã Kim Trung, vụ 1 năm nay có gần 300 ha ao đầm được cải tạo, phục vụ nuôi tôm với khoảng 600 hộ nuôi. Ông Đinh Văn Hùng, xóm 2, Kim Trung cho biết, vụ này, gia đình chúng tôi nuôi tôm thẻ chân trắng tại 3 ao có tổng diện tích gần 1 ha. Trước khi vụ mới bắt đầu, chúng tôi đã kiện toàn hệ thống hạ tầng, thủy lợi tương đối kiên cố.
Sau khi phơi đáy ao nuôi kỹ càng, khử trùng bằng vôi bột, tôi mới lấy nước đã được lắng từ 10 ngày trước vào ao rồi gây màu và bắt đầu thả giống. Ông Hùng chia sẻ thêm: “Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, vụ này gia đình đầu tư thêm tiền để mua giống sạch bệnh của công ty về thả, giá có cao hơn một chút nhưng an tâm. Nhìn chung, đầu vụ thời tiết thuận, nắng ấm, ít mưa, tôm phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, thắng thua thế nào thì 3 tháng nữa mới nói được”.
Được biết, năm nay công tác cải tạo ao, hồ trước khi thả tôm giống vào nuôi được các chủ hồ tôm trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Với diện tích nuôi bán thâm canh, thâm canh, hầu hết bà con đều sử dụng bạt nhựa lót đáy và bờ hồ; các ao nuôi quảng canh cải tiến và nuôi xen đều đã được cải tạo đáy ao phơi khô từ tháng 11 - 12 âm lịch để cuối tháng 2 lấy nước vào gây màu, đến đầu tháng 3 thả tôm giống.
Đồng chí Trần Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Công tác cải tạo ao đầm được bà con thực hiện rất tốt. Ước tính vụ này, nông dân trong xã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để nạo vét, tu sửa ao đầm, suất đầu tư bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng/1 mẫu ao. Nguồn tôm giống cũng được bà con hết sức chú trọng, các hộ nuôi tôm tập hợp thành nhóm và lựa chọn các công ty cung ứng giống có uy tín để mua giống. Tính đến thời điểm này, bà con trong xã đã xuống giống được khoảng 40% diện tích. Hiện nay, xã đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn bà con sản xuất đúng lịch thời vụ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm dịch con giống gắn với phòng, chống dịch bệnh.
Để giúp bà con nông dân nuôi thuỷ sản đạt năng suất, hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp &PTNT) kiểm soát chặt chẽ chất lượng các vật tư trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường quản lý, kiểm tra điều kiện vùng nuôi trồng, môi trường, dịch bệnh…
Đồng thời, kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng tôm giống. Kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống nhập vào địa bàn mà không rõ nguồn gốc, tôm giống lưu thông không thực hiện kiểm dịch. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng trừ dịch bệnh, định kỳ thực hiện xét nghiệm mẫu thủy sản, mẫu đất, mẫu nước, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh, mức độ ô nhiễm môi trường các vùng nuôi cho người dân biết, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Đó là giống OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 4218 và OM 7347. Các giống này ngắn ngày, chất lượng gạo đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Vụ Hè Thu 2013, ngành nông nghiệp Vĩnh Long tăng cường khuyến cáo nhưng diện tích lúa IR50404 vẫn chiếm tỷ lệ gần 50% diện tích xuống giống.

Đến nay, nông dân trong tỉnh gieo cấy hơn 34.000 ha lúa mùa, đạt xấp xỉ 95% diện tích kế hoạch. Các huyện có tiến độ gieo cấy nhanh: Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ...

Đến nay, cá tra VN vẫn là hàng "độc quyền" trên trường quốc tế. Về nguyên tắc, đáng lẽ hàng độc quyền phải được bán với giá cao và có quyền quyết định về giá. Song, thực tế giá cá tra XK ngày càng giảm, khiến người nuôi thua lỗ

Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), tính đến thời điểm này có hơn 1.000 ha lúa đông xuân bị nhiễm rầy nâu, đạo ôn lá, lem lép hạt và sâu cuốn lá nhỏ. Nghiêm trọng nhất là bệnh rầy nâu với hơn 600 ha lúa bị nhiễm do mưa trái mùa, trong đó có đến 105 ha bị nhiễm nặng.

Vài năm trở lại đây, gừng ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) bán rất được giá và khá hơn so với cây trồng khác cùng vụ. Nhưng năm nay giá gừng đột ngột giảm mạnh, nhiều hộ trồng gừng “sốc” với giá rẻ như bèo, bán ra thì lỗ nặng, để lại chờ giá thì khó bảo quản được lâu vì khi gừng héo và nhú mọng sẽ mất giá trị.