Nông dân Kim Sơn đầu tư lớn cho vụ nuôi tôm mới

Ngay từ sáng sớm, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn) bắt đầu thả tôm giống vào ao và tiến hành kiểm tra môi trường nước. Anh Đặng Thanh Tân (khối 8, thị trấn Bình Minh) cho biết: Tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm với môi trường, chỉ cần môi trường nước có biến động là quá trình sinh trưởng của chúng bị chậm lại tức thì, có khi tôm nuôi bị chết.
Bởi vậy, gia đình chúng tôi cẩn trọng với mọi yếu tố liên quan đến môi trường phát triển của con tôm. Ngoài kiểm tra độ kiềm, độ pH, chúng tôi cũng túc trực thường xuyên ở ao nuôi để ứng phó với các tình huống phát sinh. Năm nay, gia đình anh Tân nuôi tôm trên diện tích hơn 10 mẫu. Bên cạnh đầu tư trải bạt ở tất cả các ao nuôi, anh cũng bố trí hệ thống hạ tầng, thủy lợi rất kiên cố với mức 30 - 40 triệu đồng/1 mẫu đầm.
Cùng với thị trấn Bình Minh, các địa phương ven biển khác của Kim Sơn như Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, bà con nông dân cũng đang bắt tay vào vụ nuôi tôm mới. Riêng xã Kim Trung, vụ 1 năm nay có gần 300 ha ao đầm được cải tạo, phục vụ nuôi tôm với khoảng 600 hộ nuôi. Ông Đinh Văn Hùng, xóm 2, Kim Trung cho biết, vụ này, gia đình chúng tôi nuôi tôm thẻ chân trắng tại 3 ao có tổng diện tích gần 1 ha. Trước khi vụ mới bắt đầu, chúng tôi đã kiện toàn hệ thống hạ tầng, thủy lợi tương đối kiên cố.
Sau khi phơi đáy ao nuôi kỹ càng, khử trùng bằng vôi bột, tôi mới lấy nước đã được lắng từ 10 ngày trước vào ao rồi gây màu và bắt đầu thả giống. Ông Hùng chia sẻ thêm: “Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, vụ này gia đình đầu tư thêm tiền để mua giống sạch bệnh của công ty về thả, giá có cao hơn một chút nhưng an tâm. Nhìn chung, đầu vụ thời tiết thuận, nắng ấm, ít mưa, tôm phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, thắng thua thế nào thì 3 tháng nữa mới nói được”.
Được biết, năm nay công tác cải tạo ao, hồ trước khi thả tôm giống vào nuôi được các chủ hồ tôm trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Với diện tích nuôi bán thâm canh, thâm canh, hầu hết bà con đều sử dụng bạt nhựa lót đáy và bờ hồ; các ao nuôi quảng canh cải tiến và nuôi xen đều đã được cải tạo đáy ao phơi khô từ tháng 11 - 12 âm lịch để cuối tháng 2 lấy nước vào gây màu, đến đầu tháng 3 thả tôm giống.
Đồng chí Trần Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Công tác cải tạo ao đầm được bà con thực hiện rất tốt. Ước tính vụ này, nông dân trong xã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để nạo vét, tu sửa ao đầm, suất đầu tư bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng/1 mẫu ao. Nguồn tôm giống cũng được bà con hết sức chú trọng, các hộ nuôi tôm tập hợp thành nhóm và lựa chọn các công ty cung ứng giống có uy tín để mua giống. Tính đến thời điểm này, bà con trong xã đã xuống giống được khoảng 40% diện tích. Hiện nay, xã đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn bà con sản xuất đúng lịch thời vụ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm dịch con giống gắn với phòng, chống dịch bệnh.
Để giúp bà con nông dân nuôi thuỷ sản đạt năng suất, hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp &PTNT) kiểm soát chặt chẽ chất lượng các vật tư trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường quản lý, kiểm tra điều kiện vùng nuôi trồng, môi trường, dịch bệnh…
Đồng thời, kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng tôm giống. Kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống nhập vào địa bàn mà không rõ nguồn gốc, tôm giống lưu thông không thực hiện kiểm dịch. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng trừ dịch bệnh, định kỳ thực hiện xét nghiệm mẫu thủy sản, mẫu đất, mẫu nước, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh, mức độ ô nhiễm môi trường các vùng nuôi cho người dân biết, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Báo Hải Phòng số ra ngày 10-10, có bài “Huyện An Dương (Hải Phòng): Nhiều diện tích trồng cà chua chết không rõ nguyên nhân”. Ngay sau khi báo đăng, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hướng dẫn nông dân khắc phục tình trạng này.

Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh BR - VT xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp Hội hồ tiêu thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, vụ mùa 2014 vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên mặc dù điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp, tuy nhiên năng suất trồng trọt tại khu vực này đạt cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là cây lúa. Theo đó, năng suất lúa bình quân toàn vùng đạt 63,1 tạ/ha, cao hơn năm trước 3,5 tạ/ha; sản lượng đạt 1,66 triệu tấn, tăng gần 142.000 tấn.

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các năm trước, năm nay nông dân hạn chế "ngâm" mì ở những vùng trũng. Vì vậy, mới bước vào mùa mưa, bà con gấp gáp thu hoạch mì ở những vùng thấp bán cho nhà máy. Bên cạnh đó, phía nhà máy cũng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân bán sản phẩm của mình, thu lại tiền đầu tư và công sức sau bao ngày nhọc nhằn canh tác.

Thu hoạch xong gần 1ha quýt cách nay 3 ngày, ông Nguyễn Văn Nhu, ở ấp 3, xã Long Trị, cho biết: “Quýt trồng hơn 2 năm là có thể cho thu hoạch, năng suất đạt từ 2,5 - 3 tấn/công (cây 3 năm tuổi), còn 4 - 5 tấn/công (cây 4 - 5 năm tuổi). Mặc dù giá có giảm, nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi công quýt cũng đem lại lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng”.