Nông dân khóc ròng trên đồng khoai

Dù vậy, trong khi hàng trăm hộ dân đang “khóc ròng” trên những đồng khoai, có nguy cơ đối mặt với những khoản nợ hàng chục triệu đồng, thì điều nhận lại là thái độ thiếu đồng cảm từ phía công ty.
“Chết đứng” giữa đồng khoai
Trong cái nắng như thiêu như đốt những ngày này, chúng tôi tìm đến khu sản xuất của các hộ dân đội 1, 2, 5, 6… - là công nhân của Cty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung (tiền thân là Nông trường Hà Trung) - sau khi nhận được thông tin hàng chục hécta khoai môn của họ bị mất trắng.
Đứng thất thần giữa đồng khoai còn sót lại vài gốc đang chết dần, bà Lê Thị Hưng (60 tuổi, đội 1) xót xa: Với 5.000m2 đất của gia đình, những vụ trước trồng mía, thuận lợi thì 1ha, trừ công xá cũng lãi khoảng 20 triệu đồng. Nay Cty bắt người dân chuyển đổi sang trồng khoai môn, lợi nhuận đâu chưa thấy, toàn bộ diện tích trồng khoai nhà tôi đã chết gần hết.
Bà Hưng cho biết, thời điểm nắng nóng kèm khô hạn kéo dài, khoai héo và lụi dần, gia đình bà phải thuê người gánh nước từ con suối xa cứu hạn thì vãn hồi lại được một phần, nhưng khi con suối duy nhất cũng bị vắt kiệt thì bà đành chịu. “Đây là đất gan gà, đất sỏi không làm được khoai, cây khoai không có củ. Cây khoai môn ưa đất ẩm, đất mùn có nước thường xuyên, chúng tôi đã từ chối không làm nhưng họ vẫn bắt làm. Một phần vì đất của họ, một phần sợ họ lấy lại đất nên dù biết vẫn phải trồng”, bà Hưng bức xúc.
Bà Hưng nhẩm tính, tiền đầu tư giống khoảng 1,5 tạ giá khoảng 14 triệu đồng, tiền thuê công khoảng 4 triệu đồng, tiền thuê cày 3 triệu đồng, tiền phân bón vay của đội khoảng 5-7 triệu đồng, cộng dồn lại cũng gần 30 triệu đồng. “Tất cả đang nợ của Cty, Cty đang găm nợ lại. Bây giờ, chúng tôi không có cái bán, nếu họ (Cty) cứ găm sổ trừ nợ vào những vụ sau thì biết đến khi nào chúng tôi mới hết nợ?”, bà Hưng lo lắng.
Đồng cảnh ngộ như gia đình bà Hưng, hàng chục hécta khoai của các hộ dân đội 2, đội 5, 6... cũng rơi vào tình trạng khoai chết quá nửa. Gia đình bà Lê Thị Thủy bức xúc: “Nắng nóng thế này đến con người còn phải héo huống hồ là cây khoai môn. Đem một loại cây trồng ưa nước, đất ẩm lên đất đồi để trồng, không chủ động được nước tưới thì không hiểu họ (Cty) nghĩ gì? Gia đình bà Thủy hiện chỉ trông chờ vào 1.8 ha khoai môn, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác. Bà Thuỷ thở dài: “Nhiều gia đình còn có mía, dứa… vớt vát, chứ toàn bộ diện tích nhà tôi chỉ trồng khoai môn, giờ chết hết, không biết rồi đây vợ chồng con cái phải sống dựa vào đâu? Lấy gì để trả nợ?”.
Ai chịu trách nhiệm?
Đó là câu hỏi của hàng trăm hộ dân khi bị “ép” chuyển đổi từ trồng mía sang trồng khoai môn theo quyết định bất hợp lý của Cty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Huy - Đội trưởng đội 1 - cho biết, nếu như những vụ trước, trung bình 1ha mía cho người nông dân lời lãi khoảng 20 triệu đồng, 1ha dứa khoảng 40 triệu đồng… thì vừa qua, do công ty chuyển đổi 15,5ha diện tích trồng mía của đội sang trồng khoai môn, cộng thêm thời tiết nắng nóng kéo dài và không chủ động được nước tưới, nên diện tích trồng khoai bị thiệt hại nặng nề. “Riêng đội 1 còn đỡ, chứ đội 2, đội 5, đội 6 là thiệt hại nhiều nhất”, ông Huy cho biết.
Trong khi đó, khi phóng viên hỏi vì sao công ty không cho trồng khảo nghiệm trước rồi hãy cho chuyển đổi cây trồng với diện tích lớn như vậy? Ông Huy cho biết, trước đó các hộ dân cũng lác đác trồng trong vườn nhà thấy không sao nên mới đồng ý áp dụng. Vậy, với diện tích thiệt hại thì phía công ty đã đưa ra giải pháp gì chưa? Ông Huy cho hay, nghe đâu công ty lại cho chuyển đổi trồng mía, dứa trở lại.
Như vậy, việc trồng khảo nghiệm trước khi chuyển đổi hàng chục hécta của Cty Nông công nghiệp Hà Trung nghe chừng mạo hiểm và thiếu hợp lý(!?). Một bên là trồng ở vườn nhà với diện tích nhỏ lẻ, chủ động nước tưới, công chăm sóc; còn một bên là diện tích lên tới vài chục hécta, không chủ động được nguồn nước tưới…, chưa kể sự bất hợp lý khi giống khoai môn có đặc thù ưa nước. Cái vòng luẩn quẩn trong việc chuyển đổi đó cùng với những thiệt hại của nó đang đổ lên đầu người nông dân.
Đem những nỗi lo của người dân đến trao đổi với lãnh đạo công ty, chúng tôi không gặp được người đại diện với lý do đang đi họp. Trao đổi và đặt lịch làm việc với Chủ tịch công đoàn, kiêm tổ chức hành chính của công ty - người có tên Khiêm - thì điều chúng tôi nhận được là thái độ bất hợp tác khi ông này lớn tiếng cho rằng: “Trong lúc nước sôi lửa bỏng ở Ninh Thuận với bao nhiêu hécta rừng bị cháy, đổ xô vào đây làm gì? Ảnh hưởng gì? Theo tôi cái đấy không quan trọng gì cả” (!?).
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước với 265.000ha, trong số này nuôi tôm quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến và tôm lúa chiếm trên 95%. Nhưng từ năm 2013, một số vùng nông thôn của Cà Mau xuất hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp và phát triển rất nóng nên gây ra nhiều hệ lụy: thiếu kinh rạch dẫn và thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, thiếu điện, thiếu cơ sở ương giống, thiếu cán bộ kỹ thuật, thiếu vốn…

Mùa mưa, hồ Trị An xuất hiện nhiều cá cơm, cá lìm kìm và cá linh. Tại Bến Cá (KP.1, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) luôn có thương lái chờ sẵn để cá đánh bắt về là vận chuyển ngay về các chợ trong và ngoài tỉnh.

Ngoài các trang trại chăn nuôi với số lượng tổng đàn lớn nói trên, toàn huyện còn có 109 trang trại chăn nuôi heo nhỏ theo hộ gia đình, tăng 4 trang trại; 114 trang trại chăn nuôi gia cầm, tăng 2 trang trại; 8 hộ chăn nuôi thủy sản với diện tích mặt nước trên 50.000m2.

15 đến 20 triệu đồng mua một con trâu từ 1-2 năm tuổi. Sau 1 năm nuôi nhốt chuồng vỗ béo bán được 30-35 triệu đồng. Mô hình nuôi trâu vỗ béo của người dân xã Dồm Cang (Sốp Cộp - Sơn La) đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng làm giàu chính đáng cho người dân nơi đây.

Với huyện Trà Bồng, đây là điều đáng lo ngại bởi nguy cơ giảm sút, mai một giống quế bản địa, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu quế Trà Bồng. Để lưu giữ, phát triển giống quế đặc sắc này, huyện Trà Bồng đang triển khai nhân rộng nhiều mô hình, vùng nguyên liệu quế.