Nông Dân Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Bống Tượng Ở Hồng Dân (Bạc Liêu)

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) rất phấn khởi khi thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống tượng do Hội Nông dân Việt Nam đầu tư. Từ nguồn cá giống dễ mua và có thể bắt được trong thiên nhiên; thức ăn là những loại cá tạp tận dụng quanh ao, đầm; cá bán ra được giá cao… Những ưu điểm ấy đã thúc đẩy mô hình này ngày càng phát triển.
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đầu năm 2011, Hội Nông dân huyện Hồng Dân đầu tư cho nông dân ấp Ngô Kim (xã Ninh Thạnh Lợi) nuôi cá bống tượng thử nghiệm. Những hộ thực hiện mô hình này được đầu tư vốn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi.
Bống tượng là loại cá có giá trị kinh tế cao so với các loại thủy sản nước ngọt khác. Đó cũng là loại cá dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và ít tốn kém chi phí, nhưng đầu ra ổn định và giá bán ở mức cao, đảm bảo có lãi cho người nuôi. Cá bống tượng loại 1 (trọng lượng từ 400 - 800 g/con) có giá dao động từ 350.000 - 430.000 đồng/kg.
Đến nay, nông dân ấp Ngô Kim đã thu hoạch được 2 đợt, mỗi hộ lãi trung bình từ 28 - 30 triệu đồng. Hộ nuôi nhiều có thể lãi trên 70 triệu đồng. Điển hình như hộ ông Trần Quốc An nuôi cá bống tượng rất thành công. Ông An thả cá bống tượng trong một ao khoảng 500 m2. Qua 2 lần tuyển chọn cá lớn (từ 500 - 700 g/con) bán cho thương lái, ông An lãi gần 50 triệu đồng. Những con cá còn nhỏ, ông tiếp tục nuôi chờ thu hoạch tiếp đợt sau. Thấy ông An và các hộ được đầu tư vốn nuôi thành công, 25 nông dân khác đã tự bỏ vốn để nuôi cá bống tượng, khai thác nguồn lợi từ mô hình này. Ông An nhận định: “Nếu nông dân mạnh dạn thực hiện theo mô hình này sẽ rất hiệu quả. Do nguồn cá giống ở địa phương rất dễ tìm, thức ăn có thể tận dụng được quanh nhà, ao đầm nên người nuôi thu lãi cao”.
Ông Dương Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân, cho biết: “Qua nuôi thử nghiệm, cho thấy mô hình nuôi cá bống tượng đem lại kinh tế cao cho nông dân. Cách đây 9 tháng, Hội tiếp tục xin đầu tư mở rộng mô hình cho 30 hộ dân ở 2 ấp Sơn Trắng, Vĩnh Bình (xã Vĩnh Lộc) với nguồn vốn 450 triệu đồng. Hiện cá bống tượng phát triển tốt, hứa hẹn cho lãi cao trong đợt thu hoạch vào cuối tháng 5/2013”.
Hình thức Hội Nông dân Việt Nam đầu tư cho nông dân huyện Hồng Dân nuôi cá bống tượng là được tập huấn kỹ thuật, cho vay vốn từ 12 - 25 triệu đồng/hộ (tùy theo quy mô ao nuôi), trả lãi vay 0,6%, mỗi quý 1 lần. Sau 1,5 năm thì hoàn vốn để đầu tư xoay vòng cho những hộ khác. Khi người nuôi gặp rủi ro, việc thu lãi sẽ tạm ngưng.
Cá bống tượng giống khi thả nuôi, tỷ lệ đầu con đạt gần 80%. Loại cá này được thu mua để xuất khẩu nên đầu ra tương đối ổn định. Nhờ nuôi cá bống tượng mà nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống khá hơn.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu vụ thu hoạch rộ (khoảng tháng 3 đến nay) khoai lang liên tục rớt giá. Hiện chỉ ở mức 100.000 - 150.000 đ/tạ (tạ/60kg)- mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Không phải bây giờ mà từ rất lâu người dân đã biết đến lợi ích của kiến vàng trong tiêu diệt các loại rệp không chỉ trên cây điều mà ở trên các loại cây trồng khác. Sử dụng kiến vàng có thể gián tiếp giúp nông dân loại bỏ nấm bệnh, sâu bệnh, từ đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xuống mức thấp nhất, đồng thời tiết kiệm được nhân công, giảm chi phí trong chăm sóc vườn điều. Tuy nhiên, trong thực tế, người nông dân có nghĩ vậy?
Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa vụ, giống lúa như “trăm hoa đua nở”. Sự xuất hiện của quá nhiều giống lúa đã khiến người nông dân như lọt vào “ma trận”.

Bước vào mùa mưa hằng năm là thời điểm thích hợp nhất để bà con nông dân tập trung bón phân cho cây trồng. Khác với những năm trước, giá phân bón trên thị trường hiện đang “giảm nhiệt”, điều này không chỉ có lợi cho người nông dân mà chính người bán phân bón cũng thêm phần phấn khởi.

Sau những tháng ngày vất vả chăm bẵm, vụ gặt lúa Xuân năm nay rơi đúng giai đoạn thời tiết nắng nóng lên đỉnh điểm.