Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Huyện Si Ma Cai Hốt Bạc Triệu Nhờ Vỗ Béo Gia Súc

Nông Dân Huyện Si Ma Cai Hốt Bạc Triệu Nhờ Vỗ Béo Gia Súc
Ngày đăng: 15/08/2014

Trên địa bàn huyện Si Ma Cai (Lào Cai) hiện có hơn 30 hộ dân chuyên làm công việc mua trâu, bò gầy về nuôi vỗ béo, sau đó họ bán ra thị trường và hưởng mức lãi suất 5 - 20 triệu đồng/con. Đó không đơn thuần là chăn nuôi mà điều quan trọng hơn là tư duy về sản xuất hàng hóa của bà con các dân tộc vùng cao Si Ma Cai đã hình thành và ngày càng tiến bộ.

Thế mạnh của huyện Si Ma Cai là có đến 2 phiên chợ gia súc thuộc vào hạng lớn và nổi tiếng vùng Tây Bắc. Đó là chợ phiên Sín Chéng (xã Sín Chéng) họp vào sáng thứ Tư và chợ phiên Cán Cấu (xã Cán Cấu) họp vào sáng thứ Bảy hằng tuần.

Ông Giàng A Ly ở tổ 1, thôn Mào Phìn, xã Sín Chéng có thâm niên hơn 20 năm làm công việc vỗ béo trâu gầy, nên kinh nghiệm nghề này của ông là “thượng thừa”.

Ông Ly thường mua trâu tại chợ phiên Sín Chéng về nuôi vỗ từ 3 - 12 tháng cho trâu béo lên rồi bán lại tại chợ này. Ông Ly không vỗ nhiều trâu, mỗi năm chỉ từ 2 - 4 con, nhưng cũng đủ mang về khoản thu nhập không dưới 30 triệu đồng. Kinh nghiệm của ông Ly là không kén trâu lớn hay nhỏ, đực hay cái, miễn là trâu chỉ có “da bọc xương”.

Mua trâu gầy không quá 27 triệu đồng/con, nhưng chỉ sau 5 - 6 tháng chăm sóc, giá bán đã lên tới 40 triệu đồng/con, nuôi thêm đến 12 tháng giá bán có thể được 50 triệu đồng/con. Hơn 20 năm trong nghề vỗ béo trâu gầy, chưa bao giờ ông Ly bị lỗ, mức lãi thấp nhất cũng từ 5 triệu đồng.

Kỷ lục mà ông Ly lập cho mình là vào năm 2012, bỏ vốn 13 triệu đồng mua một trâu gầy, sau vài tháng ông bán được 59 triệu đồng. Ông Ly bồi hồi nhớ lại: Đó là con trâu đực 4 tuổi ông mua tại chợ Sín Chéng, nó gầy quắt queo, có khi đứng còn không vững. Mua về nhà, việc đầu tiên là ông tẩy chấy, rận, tẩy sán và tiêm phòng cho trâu.

Để phục hồi sức cho trâu, ông nấu cháo gạo, ngô và rau cho trâu ăn liền 1 tháng, sau đó là cho ăn rơm, cỏ phơi khô được tưới lên ít nước muối để tránh nhiễm bệnh. Chỉ có vậy thôi, mà số lãi từ con trâu này ông đã đủ để mua 2 con trâu gầy khác.

Tổ 1, thôn Mào Phìn, xã Xín Chéng có 17 hộ dân thì có tới 12 hộ cùng chung nghiệp hướng vỗ béo trâu, bò gầy. Để đảm bảo thời gian vỗ béo nhanh, các hộ dân tại đây trồng ngô thật dày, không để lấy bắp mà làm “thức ăn tăng trọng” cho gia súc.

Thông thường, mỗi gia đình dành diện tích đất 800 - 1.500 m2 để trồng ngô cho gia súc, yêu cầu là giống ngô địa phương, bởi giống rẻ và lớn nhanh khi trồng mật độ dày. Trong khi đó, một phần sản lượng ngô lai được dùng làm cám trâu, theo bà con thì chăn nuôi lãi hơn nhiều bán ngô hạt. Nhờ cách làm hay này mà nhiều hộ dân nơi đây đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu.

Điển hình là hộ ông Giàng A Dề, hộ có 8 nhân khẩu, trước đây thuộc diện nghèo nhất thôn, nhưng chỉ sau 2 năm vỗ béo trâu gầy, mà giờ đây cuộc sống đã vào hàng khá giàu. Lợi nhuận của việc vỗ béo trâu gầy cũng đã giúp gia đình ông Giàng A Chô, thôn Mào Phìn, thành một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá nhất thôn. Ông Chô hồ hởi: “Công việc vỗ béo trâu gầy đem lại lợi nhuận cao lắm, nếu được nhà nước đầu tư cho vay số vốn lớn hơn thì cả thôn sẽ hết hộ nghèo”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi đã may mắn gặp được lái trâu thuộc hàng “chúa tể” của huyện Si Ma Cai, đó là ông Giàng A Giơ, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu. Ông Giơ làm nghề lái trâu hơn 30 năm, địa bàn “săn trâu gầy” ở nhiều huyện, thậm chí đến cả tỉnh Hà Giang để mua từ 8 - 15 con trâu, bò/đợt.

Ông Giơ cho biết: Trâu, bò béo hay gầy ông đều mua, béo thì mang ra chợ bán luôn, gầy thì để vỗ béo mới bán. Theo quan sát của chúng tôi, những hộ làm công việc vỗ béo trâu, bò gầy đều làm chuồng kiên cố và đảm bảo vệ sinh tốt. Đặc biệt, việc dự trữ lượng thức ăn cho gia súc trong mùa đông cần phải được thực hiện rất khắt khe.

Trao đổi với ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai chúng tôi được biết, hiện toàn huyện có hơn 30 hộ dân chuyên làm công việc vỗ béo trâu, bò gầy. Số hộ này tập trung tại xã Sín Chéng, Si Ma Cai và Cán Cấu. Hằng năm, các hộ này “tút lại” 130 - 150 con trâu, bò.

Về mặt định hướng, để nâng cao chất lượng tổng đàn đại gia súc hơn 13.000 con trâu, bò, ngựa, huyện Si Ma Cai sẽ tập trung phát triển đồng cỏ, vận động người dân xây dựng chuồng nuôi nhốt kiên cố, cải thiện con giống và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Mỗi tuần, tại hai phiên chợ vùng cao của Si Ma Cai lại có từ 350 - 500 con trâu, bò thương phẩm được giao dịch thành công.

Trong khi mỗi năm chỉ có khoảng 150 con trâu, bò gầy được người dân vỗ béo vẫn là con số ít ỏi. Mở rộng mô hình phát triển kinh tế thông qua chăm sóc gia súc là nhu cầu của đông đảo các hộ dân và của địa phương. Nó có thành hiện thực chỉ khi nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn về mặt nguồn vốn vay, kỹ thuật chăn nuôi, liên kết sản xuất, hỗ trợ thị trường tiêu thụ và hoạt động quảng bá.


Có thể bạn quan tâm

Kiểm Tra Các Cơ Sở Kinh Doanh Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Và Phân Bón Kiểm Tra Các Cơ Sở Kinh Doanh Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Và Phân Bón

Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên, đoàn cũng đã nhắc nhở 4 cơ sở cần phải thường xuyên kiểm tra lại hàng hóa, kịp thời phát hiện các mặt hàng đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy hoặc trả về cho doanh nghiệp, đồng thời niêm yết giá đúng theo thị trường, mua bán phải xuất hóa đơn, chứng từ rõ ràng, tránh mua bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

28/11/2014
Rau An Toàn Long Thuận Vào Siêu Thị Rau An Toàn Long Thuận Vào Siêu Thị

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đang liên kết tiêu thụ với Siêu thị Vinafood Mart TP.Cao Lãnh với số lượng 30 - 50kg rau củ an toàn các loại mỗi ngày. Đồng thời, đơn vị cũng hướng đến hợp đồng cung cấp nông sản cho Siêu thị Coop Mart TP.Hồ Chí Minh với số lượng vài chục kí rau màu mỗi ngày.

28/11/2014
Cao Su Đang “Co” Giá Cao Su Đang “Co” Giá

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, giá cao su xuất khẩu giảm, đặc biệt, tại các thị trường chủ lực giảm mạnh cả khối lượng lẫn giá trị. Làm gì để “cứu” giá cao su xuất khẩu là vấn đề bức xúc hiện nay.

27/06/2014
Nét Mới Ở Ngành Nông Nghiệp Chư Pưh Nét Mới Ở Ngành Nông Nghiệp Chư Pưh

Năm 2014, tổng diện tích gieo trồng của huyện Chư Pưh đạt trên 22.754 ha, bằng 100,02% kế hoạch và bằng 101,51% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 26.894 tấn, bằng 102,6% so với năm 2013. Tổng sản lượng tiêu đen đạt 10.236 tấn, cà phê nhân gần 7.040 tấn. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định.

28/11/2014
Đổi Đời Nhờ Bưởi Da Xanh Đổi Đời Nhờ Bưởi Da Xanh

Gia đình ông Hai có 1,3ha đất ruộng nhưng do giá cả, thị trường lúa hàng hóa bấp bênh nên gia đình thường “thiếu trước hụt sau”, lại phải chăm lo cho 3 người con ăn học. Do đó, khát vọng làm giàu trên chính “mảnh vườn, thửa ruộng” của mình luôn thôi thúc trong ông. Thế là năm 2006, ông Hai tự nguyện tham gia làm hội viên Hội Nông dân với mong muốn học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm thay đổi kinh tế gia đình.

28/11/2014