Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Huyện Si Ma Cai Hốt Bạc Triệu Nhờ Vỗ Béo Gia Súc

Nông Dân Huyện Si Ma Cai Hốt Bạc Triệu Nhờ Vỗ Béo Gia Súc
Ngày đăng: 15/08/2014

Trên địa bàn huyện Si Ma Cai (Lào Cai) hiện có hơn 30 hộ dân chuyên làm công việc mua trâu, bò gầy về nuôi vỗ béo, sau đó họ bán ra thị trường và hưởng mức lãi suất 5 - 20 triệu đồng/con. Đó không đơn thuần là chăn nuôi mà điều quan trọng hơn là tư duy về sản xuất hàng hóa của bà con các dân tộc vùng cao Si Ma Cai đã hình thành và ngày càng tiến bộ.

Thế mạnh của huyện Si Ma Cai là có đến 2 phiên chợ gia súc thuộc vào hạng lớn và nổi tiếng vùng Tây Bắc. Đó là chợ phiên Sín Chéng (xã Sín Chéng) họp vào sáng thứ Tư và chợ phiên Cán Cấu (xã Cán Cấu) họp vào sáng thứ Bảy hằng tuần.

Ông Giàng A Ly ở tổ 1, thôn Mào Phìn, xã Sín Chéng có thâm niên hơn 20 năm làm công việc vỗ béo trâu gầy, nên kinh nghiệm nghề này của ông là “thượng thừa”.

Ông Ly thường mua trâu tại chợ phiên Sín Chéng về nuôi vỗ từ 3 - 12 tháng cho trâu béo lên rồi bán lại tại chợ này. Ông Ly không vỗ nhiều trâu, mỗi năm chỉ từ 2 - 4 con, nhưng cũng đủ mang về khoản thu nhập không dưới 30 triệu đồng. Kinh nghiệm của ông Ly là không kén trâu lớn hay nhỏ, đực hay cái, miễn là trâu chỉ có “da bọc xương”.

Mua trâu gầy không quá 27 triệu đồng/con, nhưng chỉ sau 5 - 6 tháng chăm sóc, giá bán đã lên tới 40 triệu đồng/con, nuôi thêm đến 12 tháng giá bán có thể được 50 triệu đồng/con. Hơn 20 năm trong nghề vỗ béo trâu gầy, chưa bao giờ ông Ly bị lỗ, mức lãi thấp nhất cũng từ 5 triệu đồng.

Kỷ lục mà ông Ly lập cho mình là vào năm 2012, bỏ vốn 13 triệu đồng mua một trâu gầy, sau vài tháng ông bán được 59 triệu đồng. Ông Ly bồi hồi nhớ lại: Đó là con trâu đực 4 tuổi ông mua tại chợ Sín Chéng, nó gầy quắt queo, có khi đứng còn không vững. Mua về nhà, việc đầu tiên là ông tẩy chấy, rận, tẩy sán và tiêm phòng cho trâu.

Để phục hồi sức cho trâu, ông nấu cháo gạo, ngô và rau cho trâu ăn liền 1 tháng, sau đó là cho ăn rơm, cỏ phơi khô được tưới lên ít nước muối để tránh nhiễm bệnh. Chỉ có vậy thôi, mà số lãi từ con trâu này ông đã đủ để mua 2 con trâu gầy khác.

Tổ 1, thôn Mào Phìn, xã Xín Chéng có 17 hộ dân thì có tới 12 hộ cùng chung nghiệp hướng vỗ béo trâu, bò gầy. Để đảm bảo thời gian vỗ béo nhanh, các hộ dân tại đây trồng ngô thật dày, không để lấy bắp mà làm “thức ăn tăng trọng” cho gia súc.

Thông thường, mỗi gia đình dành diện tích đất 800 - 1.500 m2 để trồng ngô cho gia súc, yêu cầu là giống ngô địa phương, bởi giống rẻ và lớn nhanh khi trồng mật độ dày. Trong khi đó, một phần sản lượng ngô lai được dùng làm cám trâu, theo bà con thì chăn nuôi lãi hơn nhiều bán ngô hạt. Nhờ cách làm hay này mà nhiều hộ dân nơi đây đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu.

Điển hình là hộ ông Giàng A Dề, hộ có 8 nhân khẩu, trước đây thuộc diện nghèo nhất thôn, nhưng chỉ sau 2 năm vỗ béo trâu gầy, mà giờ đây cuộc sống đã vào hàng khá giàu. Lợi nhuận của việc vỗ béo trâu gầy cũng đã giúp gia đình ông Giàng A Chô, thôn Mào Phìn, thành một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá nhất thôn. Ông Chô hồ hởi: “Công việc vỗ béo trâu gầy đem lại lợi nhuận cao lắm, nếu được nhà nước đầu tư cho vay số vốn lớn hơn thì cả thôn sẽ hết hộ nghèo”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi đã may mắn gặp được lái trâu thuộc hàng “chúa tể” của huyện Si Ma Cai, đó là ông Giàng A Giơ, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu. Ông Giơ làm nghề lái trâu hơn 30 năm, địa bàn “săn trâu gầy” ở nhiều huyện, thậm chí đến cả tỉnh Hà Giang để mua từ 8 - 15 con trâu, bò/đợt.

Ông Giơ cho biết: Trâu, bò béo hay gầy ông đều mua, béo thì mang ra chợ bán luôn, gầy thì để vỗ béo mới bán. Theo quan sát của chúng tôi, những hộ làm công việc vỗ béo trâu, bò gầy đều làm chuồng kiên cố và đảm bảo vệ sinh tốt. Đặc biệt, việc dự trữ lượng thức ăn cho gia súc trong mùa đông cần phải được thực hiện rất khắt khe.

Trao đổi với ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai chúng tôi được biết, hiện toàn huyện có hơn 30 hộ dân chuyên làm công việc vỗ béo trâu, bò gầy. Số hộ này tập trung tại xã Sín Chéng, Si Ma Cai và Cán Cấu. Hằng năm, các hộ này “tút lại” 130 - 150 con trâu, bò.

Về mặt định hướng, để nâng cao chất lượng tổng đàn đại gia súc hơn 13.000 con trâu, bò, ngựa, huyện Si Ma Cai sẽ tập trung phát triển đồng cỏ, vận động người dân xây dựng chuồng nuôi nhốt kiên cố, cải thiện con giống và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Mỗi tuần, tại hai phiên chợ vùng cao của Si Ma Cai lại có từ 350 - 500 con trâu, bò thương phẩm được giao dịch thành công.

Trong khi mỗi năm chỉ có khoảng 150 con trâu, bò gầy được người dân vỗ béo vẫn là con số ít ỏi. Mở rộng mô hình phát triển kinh tế thông qua chăm sóc gia súc là nhu cầu của đông đảo các hộ dân và của địa phương. Nó có thành hiện thực chỉ khi nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn về mặt nguồn vốn vay, kỹ thuật chăn nuôi, liên kết sản xuất, hỗ trợ thị trường tiêu thụ và hoạt động quảng bá.


Có thể bạn quan tâm

Tỉ Phú Rắn Mối Tỉ Phú Rắn Mối

Anh Nguyễn Văn Thuyết là thầy giáo trẻ (35 tuổi, ở P.1, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Do lương giáo viên thấp, không đủ trang trải chi phí gia đình nên anh tranh thủ thời gian nhàn rỗi, những buổi không đến lớp làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập. “Ban đầu tôi nuôi dê lấy thịt, sau đó nuôi nhím rồi chuyển sang nuôi chim bìm bịp để bán chim giống. Tuy nhiên, các vật nuôi trên chi phí cao và rủi ro cao, đặc biệt không hiệu quả kinh tế nên tôi bỏ nghề tay trái”, anh Thuyết cho biết.

27/05/2012
Sẽ Trồng Mới 1.500 Ha Ca Cao Ở Bến Tre Sẽ Trồng Mới 1.500 Ha Ca Cao Ở Bến Tre

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong năm 2012, toàn tỉnh sẽ trồng mới 1.500 ha cây ca cao, diện tích đăng ký phân bổ tại các huyện: Giồng Trôm 450 ha, Bình Đại 50 ha, Mỏ Cày Nam 300 ha, Thạnh Phú 50 ha, Mỏ Cày Bắc 300 ha, Ba Tri 50 ha, Châu Thành 250 ha, Chợ Lách 20 ha và thành phố Bến Tre 30 ha. Trong năm 2011, toàn tỉnh đã trồng được 2.197 ha, đạt 80% so kế hoạch năm, nâng tổng diện tích ca cao trong tỉnh đến nay đạt trên 9.000 ha.

27/05/2012
Dạy Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Ở An Giang Dạy Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Ở An Giang

Đó là một trong những nội dung được nhiều xã, phường, thị trấn đặc biệt quan tâm và phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trung tâm Giống thủy sản, Hội Nông dân… tổ chức các lớp dạy nghề nuôi ếch, lươn, cá lóc… nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn, giúp nâng cao thu nhập kinh tế gia đình của các hộ nông dân.

28/05/2012
Tìm Giải Pháp Quản Lý Dinh Dưỡng Cây Trồng Tìm Giải Pháp Quản Lý Dinh Dưỡng Cây Trồng

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, trong những năm qua, do kiến thức còn hạn chế nên hầu hết bà con nông dân sử dụng dinh dưởng cho cây trồng chưa hợp lý nên dẫn đến năng suất chất lượng cây trồng chưa cao

02/07/2011
Hai Cty Phân Bón Lừa Nông Dân Hai Cty Phân Bón Lừa Nông Dân

Tại các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và TX Sa Đéc (Đồng Tháp), nông dân đang bức xúc bởi chiêu lừa của hai Cty chuyên SX phân bón N-P-K kém chất lượng đó là Cty TNHH Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (APA) và Cty TNHH SX TMDV Hóa Nông.

28/02/2012