Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Huyện Ea Súp Thu Lợi Cao Từ Dưa Hấu

Nông Dân Huyện Ea Súp Thu Lợi Cao Từ Dưa Hấu
Ngày đăng: 03/02/2014

Năm nay, nhờ dưa hấu được giá nên nhiều gia đình nông dân trồng dưa ở huyện Ea Súp (Dak Lak) có nguồn thu nhập đáng kể. Tại thời điểm này, dưa hấu có trọng lượng từ 4 kg trở lên đang được thương lái mua tại ruộng với giá 10.000 đồng/kg để xuất sang thị trường Trung Quốc.

Năm nay, gia đình anh Phạm Văn Long, ở thôn 10, xã Ea Rôk (huyện Ea Súp) trồng 6.000 gốc dưa hấu An Tiêm trên 1 ha đất ruộng pha cát. Nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật nên dưa hấu cho nhiều quả. Dự kiến sản lượng dưa hấu mà gia đình anh Long thu được năm nay sẽ vào khoảng 30 tấn.

Để trồng 6.000 gốc dưa hấu, gia đình anh Long đã thuê 1 ha đất ruộng pha cát của người dân trong vùng với giá 8 triệu đồng trong thời gian ba tháng. Bởi, theo anh Long và hầu hết người trồng dưa hấu ở đây cho biết, cây dưa hấu không thích hợp với những chân ruộng đã trồng năm trước đó nên rất dễ bị mắc bệnh và không cho năng suất cao.

Vì thế, gia đình nào muốn trồng dưa hấu có hiệu quả cũng phải thay đất, những gia đình không có đất để thay thế đều phải đi thuê đất mới để trồng. Tại thời điểm này, nhiều gia đình trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Ea Súp cũng đã và đang bước vào thu hoạch và được thương lái từ ngoài tỉnh vào mua dưa tại ruộng để xuất sang thị trường Trung Quốc với giá khá cao.

Dưa hấu An Tiêm, ruột đỏ, nặng từ 4 kg trở lên đang được mua với giá 10.000 đồng/kg, số còn lại được mua với giá 3.000 đồng/kg để bán tại thị trường trong nước. Anh Long cho biết, nhờ dưa được giá nên năm nay, dự kiến gia đình anh sẽ có lãi ròng hơn 300 triệu đồng từ 1 ha dưa.

Chưa từng trồng dưa hấu như anh Phạm Văn Long nhưng năm nay thấy nhiều hộ trồng dưa hấu nên gia đình anh Trương Ngọc Hùng, cư trú ở thôn 11, xã Ea Rôk cũng trồng 1 ha dưa. Không ngờ dịp may đã đến với gia đình anh. Chỉ với 70 triệu đồng đầu tư từ khâu giống, chăm sóc đến thu hoạch, trong đó có 8 triệu đồng thuê đất trong thời gian ba tháng, gia đình anh Hùng đã thu được trên 35 tấn dưa, phần lớn bán được giá 10.000 đồng/kg. Vụ này, gia đình anh đã thu được hàng trăm triệu đồng tiền lãi từ trồng dưa hấu.

Ông Lê Bá Căn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Rôk cho biết: “Dù không phải là cây trồng chủ lực của địa phương và dù đầu ra cho cây dưa hấu không ổn định, nhưng do đất đai ở đây khô cằn, chỉ thích hợp với loại cây này, nên năm 2013, chính quyền xã Ea Rôk vẫn đề ra chỉ tiêu trồng hơn 200 ha dưa hấu trên phạm vi toàn xã.

Thế nhưng, trên thực tế, diện tích dưa hấu đã vượt quá chỉ tiêu đề ra và may mắn là do năm nay dưa được giá nên người dân ở đây đã trúng mùa”. Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, năm 2013, diện tích dưa hấu được trồng trên địa bàn huyện vào khoảng 375 ha, vượt kế hoạch đề ra 47%.

Thế nhưng, diện tích được trồng trên thực tế cao hơn nhiều, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Ea Rôk, Ya Tờ Mốt, Ea Lê và Cư M’lan. Ngoài những hộ dân tại địa phương, năm 2013 còn có nhiều nông dân ở một số tỉnh ngoài đến thuê đất ở một số xã để trồng dưa hấu, làm cho diện tích dưa tăng cao. Hiện nay, huyện Ea Súp đang vào vụ thu hoạch rộ dưa hấu. Dưa hấu có giá cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình nông dân.

Tuy cây dưa hấu ở huyện Ea Súp thích hợp với đất đai ở một số xã như: Ea Rôk, Ya T’Mốt, Ea Lê, Cư M’lan… và nhiều người trồng loại cây này đã có sự “đổi đời” song về lâu dài do chưa có đầu ra ổn định nên người trồng dưa hấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Việc nông dân thu lợi lớn từ vụ dưa hấu năm nay có thể sẽ dẫn đến tình trạng ồ ạt trồng dưa hấu trong vụ tới. Bài học “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn còn nguyên giá trị đối với nhiều người trồng dưa hấu trong năm 2012. Vì thế, các cơ quan chức năng địa phương cần chủ động quy hoạch diện tích trồng dưa, khuyến cáo người dân không nên chủ quan đổ xô đi trồng dưa hấu để tránh thiệt hại như đã từng gặp trong những năm trước đây.


Có thể bạn quan tâm

Khắc phục tác động xấu môi trường, mở rộng diện tích nuôi tôm sú vụ 2 Khắc phục tác động xấu môi trường, mở rộng diện tích nuôi tôm sú vụ 2

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, cho biết: Trong tháng 8/2015, nông dân các huyện ven biển thả nuôi 167 triệu con tôm sú, diện tích 527 ha, hơn 510 triệu con tôm thẻ chân trắng, diện tích 810 ha. Nâng tổng số đến nay toàn vùng thả nuôi 1,97 tỷ con tôm sú, diện tích 19.125 ha; 2,28 tỷ con thẻ chân trắng, diện tích 4.139 ha.

01/09/2015
Sản xuất cá tra vẫn trầm lắng Sản xuất cá tra vẫn trầm lắng

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2015 thời tiết tương đối thuận lợi cho các đội tàu khai thác thủy sản.

01/09/2015
Nỗ lực truy tận gốc chất tạo nạc Nỗ lực truy tận gốc chất tạo nạc

Trước vụ việc một số người chăn nuôi heo dùng chất tạo nạc để trục lợi bất chính diễn ra trên diện rộng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc truy tận nơi sản xuất chất cấm này. Bước đầu đã hé lộ những đối tượng vi phạm.

01/09/2015
Làm giàu từ kinh tế trang trại Làm giàu từ kinh tế trang trại

Với niềm đam mê chăn nuôi, anh Võ Đình Duẫn (thôn Bắc Lân, xã Ba Động, Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi heo khép kín. Sau 3 năm, mô hình này đã mang lại doanh thu tiền tỷ cho gia đình anh.

01/09/2015
Hiệu quả từ mô hình trồng màu kết hợp với nuôi bò vỗ béo Hiệu quả từ mô hình trồng màu kết hợp với nuôi bò vỗ béo

Đó là mô hình của nông dân Huỳnh Trung Tràng, sinh năm 1957, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, doanh thu hàng năm đạt trên 200 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

01/09/2015