Nông dân hào hứng với ngô biến đổi gen

Lợi đủ đường
Được mời đến tham quan mô hình trồng khảo nghiệm ngô BĐG giống NK7328 Bt và NK7328 Bt/GT tại Trại sản xuất giống cây trồng Mai Nham, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Vân, ở thôn Phú Phong, xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc cho biết: “Trồng giống ngô mới này thích lắm, nhà tôi vừa mới thu hoạch 3 sào ngô BĐG trồng vụ trước, quy trình kỹ thuật vẫn làm như ngô bình thường nhưng năng suất lại cao hơn hẳn”.
Theo bà Vân, lợi thế của giống ngô này là giúp bà không phải làm cỏ (do giống ngô kháng được thuốc trừ cỏ), nên tiết kiệm rất nhiều công sức. Đặc biệt, ngô không bị sâu đục thân phá hoại, nên không cần phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, năng suất tăng từ 180kg lên 220kg/sào, với giá bán 6.000 đồng/kg, tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, chưa kể tiết kiệm được công lao động, thuốc trừ sâu, ít nhất mỗi sào tiết kiệm được tới 500.000 đồng.
Tại Trại giống Mai Nham, Sở NNPTNT Vĩnh Phúc đang cho trồng khảo nghiệm 1ha ngô BĐG với các giống NK7328 Bt (chỉ kháng sâu đục thân), NK7328 GT (chỉ kháng thuốc trừ cỏ) và NK7328 Bt/GT (kháng cả sâu đục thân và thuốc trừ cỏ). Kết quả cho thấy, mặt luống ngô hầu như không còn cỏ dại, giúp bà con bớt công làm cỏ, đặc biệt ruộng ngô không còn sâu đục thân phá hoại. Việc này, giúp bảo toàn tiềm năng năng suất của giống ngô ở mức cao nhất.
Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết: “Chúng ta phải thừa nhận, ngô BĐG là một tiến bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp, bản thân tôi cũng đã có hơn 10 năm tiếp cận với các giống ngô này và thấy rằng, chúng ta càng sớm ứng dụng, càng có lợi”.
Ông Dũng cũng cho biết, trong vụ đông sắp tới Vĩnh Phúc đang có kế hoạch trồng ngay 150ha ngô BĐG và đang đề xuất với UBND tỉnh mức hỗ trợ 70% giá giống và 30% chi phí mua thuốc trừ cỏ cho bà con nông dân. “Từ các vụ tiếp theo, chúng tôi sẽ có kế hoạch mở rộng diện tích trồng ngô BĐG lên 5.000ha và người nông dân tham gia trồng sẽ được hưởng mức hỗ trợ như trên”- ông Dũng khẳng định.
Đã trồng là “mê”
Vụ xuân vừa rồi, anh Lưu Văn Trần, nông dân xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã bắt đầu trồng thử các giống ngô DK9955S và C6919S có khả năng kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân. Ban đầu, khi nghe cán bộ khuyến nông xã bảo trồng giống ngô mới này, anh cũng tỏ ra đôi chút do dự vì lo không biết canh tác như thế nào.
Vừa thu hoạch xong vụ ngô trước, anh Trần cho biết, nếu giống ngô thường anh trồng chỉ được 4-5 tấn/ha là cùng, thì giống ngô BĐG mà anh mới trồng cho năng suất tới 9 tấn hạt khô/ha. “Hiện tôi đã bán ngô vụ trước, thương lái họ vào mua bình thường, thậm chí còn thích vì hạt ngô đồng đều hơn, không bị sâu, giá dao động 5.500-6.000 đồng/kg. Chắc chắn vụ tới, tôi sẽ tiếp tục trồng”.
Cũng chia sẻ về hiệu quả của việc trồng ngô BĐG, ông Nguyễn Văn Cảnh ở khu 3, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ nói: “Trồng giống ngô BĐG chỉ cần tra hạt, phun cỏ một lần, còn phân vẫn bón như bình thường. Một trong những ưu điểm tôi nhận thấy là giúp giảm công lao động từ lúc làm cỏ đến phun thuốc”.
Ông Nguyễn Ngọc Lê - Tổ trưởng khuyến nông xã Trung Nghĩa cho biết, qua trồng khảo nghiệm một vụ, nông dân đang rất muốn trồng tiếp giống ngô BĐG. Bởi theo ông Lê, mặc dù nếu so sánh với ngô thường, giá giống ngô BĐG sẽ cao hơn nhưng chỉ xét riêng về việc có thể giảm được chi phí và công lao động thì đã thấy nông dân có lợi hơn rồi. Chưa kể đến giống mới này còn giúp nông dân bảo vệ cả mùa màng lẫn sức khỏe, rồi cải thiện năng suất.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi các cơ quan chức năng khẳng định thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhưng hiện tượng trái cây Trung Quốc đội lốt trái cây Mỹ hoặc VN vẫn tràn lan trên thị trường.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ không hề đơn giản. Trái cây Việt đủ điều kiện sang Mỹ phải vượt qua những rào cản kỹ thuật rất khắt khe được Bộ Nông nghiêp Mỹ đưa ra.

Cụ thể, trong tháng 8/2014 , khối lượng nhập khẩu phân bón các loại đạt 397 nghìn tấn với giá trị 118 triệu USD. Tính trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 2,57 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu đạt 806 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và 28,6% về giá trị so với cùng kỳ 2013.

Trong trường hợp, các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khác có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật xác định và báo cáo Bộ NN&PTNN quyết định.

Cụ thể như cà chua 10.000 đồng/kg, bầu bí 8.000-10.000đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 30.000đồng/kg. Các tiểu thương cho biết hiện nay khoai tây Đà Lạt đang có là trồng trái mùa, lượng hàng không có nhiều như trong mùa nên trên thị trường phần lớn là khoai tây Trung Quốc, giá khoảng 20.000 đồng/kg. Đặc biệt hành tây ở thị trường hiện nay là Trung Quốc giá 18.000-20.000đồng/kg, vì hàng Đà Lạt đã hết mùa.