Nông dân hào hứng với ngô biến đổi gen

Lợi đủ đường
Được mời đến tham quan mô hình trồng khảo nghiệm ngô BĐG giống NK7328 Bt và NK7328 Bt/GT tại Trại sản xuất giống cây trồng Mai Nham, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Vân, ở thôn Phú Phong, xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc cho biết: “Trồng giống ngô mới này thích lắm, nhà tôi vừa mới thu hoạch 3 sào ngô BĐG trồng vụ trước, quy trình kỹ thuật vẫn làm như ngô bình thường nhưng năng suất lại cao hơn hẳn”.
Theo bà Vân, lợi thế của giống ngô này là giúp bà không phải làm cỏ (do giống ngô kháng được thuốc trừ cỏ), nên tiết kiệm rất nhiều công sức. Đặc biệt, ngô không bị sâu đục thân phá hoại, nên không cần phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, năng suất tăng từ 180kg lên 220kg/sào, với giá bán 6.000 đồng/kg, tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, chưa kể tiết kiệm được công lao động, thuốc trừ sâu, ít nhất mỗi sào tiết kiệm được tới 500.000 đồng.
Tại Trại giống Mai Nham, Sở NNPTNT Vĩnh Phúc đang cho trồng khảo nghiệm 1ha ngô BĐG với các giống NK7328 Bt (chỉ kháng sâu đục thân), NK7328 GT (chỉ kháng thuốc trừ cỏ) và NK7328 Bt/GT (kháng cả sâu đục thân và thuốc trừ cỏ). Kết quả cho thấy, mặt luống ngô hầu như không còn cỏ dại, giúp bà con bớt công làm cỏ, đặc biệt ruộng ngô không còn sâu đục thân phá hoại. Việc này, giúp bảo toàn tiềm năng năng suất của giống ngô ở mức cao nhất.
Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết: “Chúng ta phải thừa nhận, ngô BĐG là một tiến bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp, bản thân tôi cũng đã có hơn 10 năm tiếp cận với các giống ngô này và thấy rằng, chúng ta càng sớm ứng dụng, càng có lợi”.
Ông Dũng cũng cho biết, trong vụ đông sắp tới Vĩnh Phúc đang có kế hoạch trồng ngay 150ha ngô BĐG và đang đề xuất với UBND tỉnh mức hỗ trợ 70% giá giống và 30% chi phí mua thuốc trừ cỏ cho bà con nông dân. “Từ các vụ tiếp theo, chúng tôi sẽ có kế hoạch mở rộng diện tích trồng ngô BĐG lên 5.000ha và người nông dân tham gia trồng sẽ được hưởng mức hỗ trợ như trên”- ông Dũng khẳng định.
Đã trồng là “mê”
Vụ xuân vừa rồi, anh Lưu Văn Trần, nông dân xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã bắt đầu trồng thử các giống ngô DK9955S và C6919S có khả năng kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân. Ban đầu, khi nghe cán bộ khuyến nông xã bảo trồng giống ngô mới này, anh cũng tỏ ra đôi chút do dự vì lo không biết canh tác như thế nào.
Vừa thu hoạch xong vụ ngô trước, anh Trần cho biết, nếu giống ngô thường anh trồng chỉ được 4-5 tấn/ha là cùng, thì giống ngô BĐG mà anh mới trồng cho năng suất tới 9 tấn hạt khô/ha. “Hiện tôi đã bán ngô vụ trước, thương lái họ vào mua bình thường, thậm chí còn thích vì hạt ngô đồng đều hơn, không bị sâu, giá dao động 5.500-6.000 đồng/kg. Chắc chắn vụ tới, tôi sẽ tiếp tục trồng”.
Cũng chia sẻ về hiệu quả của việc trồng ngô BĐG, ông Nguyễn Văn Cảnh ở khu 3, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ nói: “Trồng giống ngô BĐG chỉ cần tra hạt, phun cỏ một lần, còn phân vẫn bón như bình thường. Một trong những ưu điểm tôi nhận thấy là giúp giảm công lao động từ lúc làm cỏ đến phun thuốc”.
Ông Nguyễn Ngọc Lê - Tổ trưởng khuyến nông xã Trung Nghĩa cho biết, qua trồng khảo nghiệm một vụ, nông dân đang rất muốn trồng tiếp giống ngô BĐG. Bởi theo ông Lê, mặc dù nếu so sánh với ngô thường, giá giống ngô BĐG sẽ cao hơn nhưng chỉ xét riêng về việc có thể giảm được chi phí và công lao động thì đã thấy nông dân có lợi hơn rồi. Chưa kể đến giống mới này còn giúp nông dân bảo vệ cả mùa màng lẫn sức khỏe, rồi cải thiện năng suất.
Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Ngọc Yên nhà ở số 11/3 ấp 1 xã Xuân Thới Thượng có truyền thống trồng rau lâu đời với 3 cây chính là dưa leo, khổ qua và bông cải. Với diện tích 1 ha trồng rau, sau khi trừ các chi phí thì mỗi năm anh thu lãi khoảng 80 triệu.

Như vậy, Tổng lượng cá tra đã xuất từ đầu năm đến nay sang 133 quốc gia và vùng lãnh thổ được nâng lên 377.000 tấn, trị giá 1,132 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 3,2%. Trong đó, Mỹ, các nước EU, ASEAN tiêu thụ 59% lượng cá tra.

Rời Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với tấm bằng kỹ sư ngành thú y nhưng chị Phạm Thị Hậu, 31 tuổi ở xã Mỹ Yên (Đại Từ - Thái Nguyên) không xin vào làm ở các doanh nghiệp lớn hay cơ quan Nhà nước mà lại đam mê công việc của một khuyến nông viên. Bởi chị tâm niệm, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, ổn định đã là một niềm hạnh phúc...

Năm 2012, được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Ninh xây dựng mô hình nuôi cá lúa trên diện tích 4 ha với 12 hộ tham gia. Đầu tháng 7/2012, Trung tâm chuyển 112.000 con cá rô đồng, 24.000 con rô phi, 8500 con cá mè, 25.500 con cá chép VI giống cho các hộ nuôi. Cá giống khỏe mạnh đồng đều.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang), cho biết: Hiện nay toàn xã có hơn 500 hộ thực hiện mô hình nuôi cá lóc theo nhiều dạng như: 2 lúa 1 cá, hoặc nuôi trong mùng lưới và trong ao đem lại hiệu quả bình quân từ 50-100 triệu đồng/năm.