Nông Dân Được Mùa Sắn

Những ngày này đến các xã của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chúng tôi bắt gặp không khí rộn ràng vào mùa thu hoạch sắn của người dân địa phương.
Trên cánh đồng sắn của người dân xã Dương Thủy, đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp của bà con nông dân đang tấp nập thu hoạch. Năm nay, sắn được mùa, giá thành cao, bà con xã Dương Thủy nói riêng, huyện Lệ Thủy nói chung ai cũng phấn khởi.
Là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trước kia đời sống của nông dân Dương Thủy còn gặp nhiều khó khăn do cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Những năm trở lại đây, xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó cây sắn đóng vai trò chủ lực.
Trên những đồi sắn, các hộ gia đình nhiệt tình hoán đổi công cho nhau để sắn nhà nào cũng được thu hoạch và xuất bán dứt điểm trong thời gian ngắn nhất.. Năm nay, thời tiết thuận lợi trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn và đặc biệt là nhà máy thu mua với giá cao hơn năm trước nên người dân ai cũng mừng.
Vụ sắn này, gia đình chị Lê Thị Tâm, thôn Tây Thiện, xã Dương Thủy trồng hơn 1 ha sắn. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình huy động toàn bộ lao động ra đồng để thu hoạch sắn. Theo tính toán của chị Tâm, thì năm nay gia đình chị thu hoạch hơn 12 tấn sắn, giá bán dao động từ 1.200 - 1.400 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư lãi được 20 triệu đồng.
Chị Tâm còn cho biết thêm, trước kia ở Dương Thủy, đa số các hộ dân trồng giống sắn địa phương nên năng suất thấp, giá rẻ hơn vì hàm lượng tinh bột ít. Nhưng mấy năm nay, nhờ khuyến nông huyện đưa giống sắn cao sản vào trồng nên năng suất và giá bán đều cao hơn, nông dân rất phấn khởi.
Cùng chung niềm vui được mùa sắn của người dân xã Dương Thủy, nhiều hộ dân xã Thái Thủy, Mỹ Thủy, Ngân Thủy... cũng rất phấn khởi, khi năm nay cây sắn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Anh Phạm Văn Đồng, người dân xã Thái Thủy đang thu hoạch sắn phấn khởi nói: “Năm nay tôi trồng được 4 sào sắn, với việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sắn cho năng suất cao, ước được hơn 7 tấn, sau khi thái mỏng và phơi 1 nắng còn lại khoảng 4,5 tấn, bán được trên 13 triệu đồng. Cao hơn 1, 5 lần so với trồng lúa”.
Ông Dương Đệ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết: Năm 2014 nông dân trên địa bàn huyện trồng hơn 870 ha sắn, chủ yếu tập trung ở các xã Thái Thủy, Dương Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy... 100% diện tích đều trồng sắn cao sản, một phần là để cung ứng nguyên liệu cho nhà máy tinh bột sắn Long Giang Thịnh, phần còn lại bán cho các tiểu thương và để dự trữ cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm. Theo tính toán, vào thời điểm hiện nay, chỉ cần sản lượng bình quân đạt khoảng 12 tấn/ha, giá sắn tươi ở mức 1.200 - 1.300 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí người trồng đã có lãi khá.
Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt đưa giống sắn cao sản vào trồng để nâng cao hiệu quả; thực hiện các biện pháp như trồng xen canh, luân canh với các cây họ đậu, sử dụng bón phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm tăng độ phì cho đất, tạo năng suất cao cho những vụ mùa tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Ba năm liền, vợ chồng anh Huỳnh Văn Đặng, chị Phạm Thị Xuân (ngụ tổ 5, ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) được bình chọn là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen. Nếu thoạt nhìn cơ ngơi bề thế như bây giờ, nhiều người sẽ không tin được gia đình anh Đặng, chị Xuân đã phải nếm trải những ngày tháng hết sức gian nan, cơ cực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tính đến đầu tháng 7.2013, toàn tỉnh có 1.142,6ha/29.572ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Trong đó, phân theo mức độ hại như sau: 694,7ha nhiễm dưới 30%; 345ha nhiễm 30-70%; 102,9ha nhiễm trên 70%. Diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng còn lại trên đồng là 1.095,6ha, trong đó có 648,7ha nhiễm dưới 30%; 344ha nhiễm 30-70%, 102,9ha nhiễm trên 70%.

Chỉ tính riêng số tiền mua thức ăn cho cá chẽm đã lớn nhưng chưa có người mua đã tốn của 100 hộ nuôi ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh số tiền khoảng 250 triệu đồng/ngày. Và không một ai biết được đến bao giờ mới bán được số cá nuôi trên.

Năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai mô hình trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cty CP Dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá Biển Đông đang lập đề án vay vốn 776 tỷ đồng để đóng mới 33 tàu vỏ sắt.