Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân điêu đứng vì chưa tìm được đầu ra cho sữa bò

Nông dân điêu đứng vì chưa tìm được đầu ra cho sữa bò
Ngày đăng: 21/05/2015

* Bò tăng đột biến

Ngành Chăn nuôi của huyện Gò Công Tây thời gian qua đã có bước phát triển khá mạnh, nếu năm 2010 chiếm khoảng 23,3% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thì năm 2014, con số này đã tăng lên 26,77%. Trong đó, mô hình chăn nuôi bò phát triển khá nhanh, nhất là bò sữa tăng đột biến trong năm 2014 và được xem là một trong những mô hình được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chọn nuôi hiện nay.

Theo UBND huyện, giai đoạn 2010 - 2013 các loại vật nuôi chủ yếu đều có mức tăng, trong đó đàn bò tăng cao nhất, đạt 2,75%/năm (đàn heo tăng 2,58%/năm, đàn gia cầm 2,44%/năm). 2 năm gần đây nuôi bò sữa phát triển khá nhanh trên địa bàn huyện, do chất lượng giống được cải thiện và áp dụng kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đầu tư nuôi thêm, tập trung ở các xã Thạnh Nhựt, Bình Nhì, Đồng Thạnh...

Theo điều tra thực tế của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, tính đến cuối năm 2014, tổng đàn bò trên địa bàn huyện khoảng 11.797 con; bò cái hướng sữa 520 con đang được khai thác sữa/70 hộ. Trao đổi với chúng tôi nhiều bà con vui mừng vì nghề nuôi bò sữa đã cải thiện thu nhập gia đình đáng kể, cuộc sống cũng sung túc hơn.

Hiện có khoảng 70 hộ dân trên địa bàn huyện nuôi bò khai thác sữa. Nhiều người dân trên địa bàn huyện đã cải thiện cuộc sống nhờ chăn nuôi bò sữa. Huyện cũng đã lập đề án quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi, trong đó rất chú trọng đến chăn nuôi bò sữa bởi đây là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều người dân lựa chọn làm nghề thu nhập chính của gia đình.

Theo tính toán của nhiều bà con xã Thạnh Nhựt, nếu nuôi 1 con bò lấy sữa sau khi trừ chi phí mỗi con bò cho hộ dân lãi khoảng 4 triệu đồng/ tháng, đa phần mỗi hộ nuôi 2 con bò trở lên, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, cuộc sống bà con rất thoải mái. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì hiện nay nhiều hộ dân ăn không ngon ngủ không yên vì chưa tìm được đầu ra cho sữa.

* Lo lắng không tìm được “đầu ra” cho sữa

Anh Đồng Thanh Trị, chủ đơn vị chăn nuôi bò khá lớn ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, cho biết: Lúc đầu tôi chỉ nuôi 3 - 4 con bò. Sau đó, thấy nuôi bò sữa cho lợi nhuận cao và tạo được việc làm ổn định cho bà con nông dân nên tôi vận động bà con nuôi bò và hỗ trợ mỗi hộ dân 1 con bò sữa tơ trị giá 25 triệu đồng không tính lãi, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn và theo dõi quá trình sinh trưởng của bò. Tôi hỗ trợ trên 30 hộ dân, sau đó bà con thấy nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao nên mỗi hộ vay tiền mua thêm 1 con bò.

Đến nay, số bò đã tăng lên khoảng 90 con trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường gần 2 tấn sữa. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng hiện nay là mới đây Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ra quyết định ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những hộ dân nuôi bò sữa mới phát sinh. Nhiều hộ dân, (có khoảng 30 hộ, mỗi hộ mua trung bình 4 con bò) đã mua bò trước khi công ty ra quyết định này đang trong tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên vì lo lắng không ký được hợp đồng tiêu thụ sữa.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp trên, ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk, cho biết: Vinamilk thực hiện chủ trương đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ nông trại/trang trại nên người chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu như: Đủ điều kiện sức khỏe (phải được khám sức khỏe định kỳ hằng năm và có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế); đàn bò phải được kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng (đàn bò phải có phiếu theo dõi sức khỏe cá thể và giấy chứng nhận tiêm phòng dịch bệnh định kỳ hằng năm còn hiệu lực theo mẫu và quy định của các cơ quan thú y hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan, không mắc các bệnh truyền nhiễm...); chuồng trại sạch sẽ, khô ráo.

Hố phân và nước thải được bố trí một điểm riêng, không gây ô nhiễm cho các khu vực xung quanh… Khi người chăn nuôi ký hợp đồng, nhân viên Vinamilk sẽ kiểm tra thực tế các điều kiện này để quyết định ký hợp đồng thu mua sữa. Người chăn nuôi mới phát triển chăn nuôi cần phải đăng ký trước với Vinamilk thông qua các nhân viên Vinamilk tại trạm trung chuyển để được tư vấn thực hiện các điều kiện nói trên. Các hộ chăn nuôi bò sữa tự phát, không được hướng dẫn kỹ thuật, không đáp ứng các điều kiện trên sẽ không được ký hợp đồng. Bởi để đáp ứng cho việc tiếp nhận lượng sữa tăng lên tại các khu vực, Vinamilk phải có kế hoạch thu mua sữa và cụ thể là bố trí các trạm trung chuyển sữa với các thiết bị tiếp nhận sữa, làm lạnh, phân tích nhanh và con người để có thể tiếp nhận sữa nguyên liệu từ các hộ chăn nuôi.

Do đó, nếu tiếp nhận lượng sữa tươi nguyên liệu ngoài kế hoạch, không nằm trong khả năng tiếp nhận sữa của các thiết bị làm lạnh của các trạm trung chuyển sữa sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa thu mua. Tuy nhiên, hiện nay Vinamilk vẫn đang xem xét các hộ mới phát triển chăn nuôi mong muốn ký hợp đồng với công ty. Nếu các hộ này đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nêu trên và trước đây chưa bán sữa cho công ty khác thì Vinamilk tạo điều kiện để các hộ mới nuôi bò được ký hợp đồng với công ty. Vinamilk chỉ không chấp nhận ký hợp đồng với các hộ dân nuôi bò trước đây bán cho các công ty khác và không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Để phát huy thế mạnh về lao động, đất đai và nguồn thức ăn thô xanh sẵn có tại địa phương, không chỉ cần có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò nhằm tăng thu nhập cho người nông dân mà chính sách thu hút doanh nghiệp về địa phương đầu tư cũng vô cùng quan trọng nhằm giải quyết sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền để người dân không tăng đàn ồ ạt, khiến đàn bò và lượng sữa tăng vượt tầm kiểm soát khiến người chăn nuôi mới phát sinh lâm vào cảnh khốn khó, có nhu vậy mới thúc đẩy ngành chăn nuôi huyện phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng vọt khi giảm cước, phí Xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng vọt khi giảm cước, phí

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể còn vượt xa mức 2 tỉ USD trong năm nay nếu như giảm cước, phí thủ tục và vận chuyển...

08/10/2015
Cảnh báo về nguyên liệu tạo màu vàng trong thịt gà có thể gây ung thư Cảnh báo về nguyên liệu tạo màu vàng trong thịt gà có thể gây ung thư

Qua kiểm tra hoạt động chăn nuôi, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện một chất cấm mới có tên Vàng-ô (nguyên liệu làm ve quét tường trong xây dựng, hay sử dụng để nhuộm màu vải) được dùng để tạo màu vàng cho thịt gà trong quá trình chăn nuôi.

08/10/2015
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 9 đồng loạt giảm Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 9 đồng loạt giảm

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều ngày 6/10 cho biết, giá trị xuất khẩu nông sản tháng 9 ước đạt 2,15 tỷ USD, giảm 419 triệu USD (-16,3%) so với tháng 8 và giảm 574 triệu USD (-21,1%) so với tháng 9/2014.

08/10/2015
Giá cao su Tocom tăng phiên thứ 5 liên tiếp Giá cao su Tocom tăng phiên thứ 5 liên tiếp

Giá cao su được hỗ trợ bởi đà tăng của chứng khoán Nhật Bản và sự suy yếu của yên, mặc dù giao dịch thưa thớt, do thị trường Trung Quốc ngừng giao dịch để nghỉ lễ.

08/10/2015
Morgan Stanley dự đoán giá đường đã chạm đáy Morgan Stanley dự đoán giá đường đã chạm đáy

Theo Morgan Stanley, giá đường cuối cùng đã chạm đáy khi thị trường này không còn phụ thuộc vào sự giảm giá của đồng Real.

08/10/2015