Nông Dân Đánh Bạc Với Cây Ớt

Mặc dù vào cuối vụ ớt năm trước, nhiều hộ trồng ớt ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) phải bỏ ớt chín ngoài ruộng vì giá giảm thê thảm, chỉ còn 2.000đ/kg.
Vậy mà hiện nay, nông dân Phù Mỹ lại rậm rịch bước vào SX vụ ớt mới, diện tích dự báo sẽ tăng cao hơn năm trước.
Ông Lê Hoài Lam, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Hiện nay, ở những vùng đất chân cao trên địa bàn huyện Phù Mỹ, nông dân đã rậm rịch trồng ớt. Hiện đang bắt đầu bước vào mùa mưa, cây ớt là loại cây không chịu úng nên trồng ớt vào thời điểm này kể như “đánh bạc” với trời, bởi tỷ lệ cây sống không cao.
Tuy nhiên, nếu cây ớt nào vượt qua được mùa mưa thì sẽ cho trái vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, thường bán được giá cao nên nông dân “nhắm mắt” làm cầu may. Thông thường mọi năm, những người có ớt thu hoạch vào đầu mùa với năng suất bình quân 1 tấn/sào (500m2), bán được 45.000đ-50.000đ/kg thì mỗi sào ớt cho thu nhập đến 45-50 triệu đồng. Giàu to!”.
Theo dự đoán của ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, năm nay, diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện này chắc chắn sẽ tăng cao hơn năm trước. “Nếu như năm trước trên địa bàn Phù Mỹ có gần 950 ha ớt thì năm nay sẽ tăng đến cả 1.000 ha.
Nhiều diện tích trước đây trồng mì (sắn), năm nay nông dân chuyển sang trồng ớt hàng loạt. Ớt không kén đất, vùng nào chủ động nước tưới và có hệ thống kênh mương thoát nước tốt thì đều có thể trồng ớt nên nông dân làm mạnh”, ông Ba nói.
Trao đổi với nông dân trồng ớt ở huyện Phù Mỹ, chúng tôi được biết thêm lý do vì sao họ lại bạo gan “đánh bạc” với cây ớt như vậy. Nông dân Nguyễn Tân ở xã Mỹ Quang, chia sẻ: “Vào thời điểm này nông dân Phù Mỹ còn có loại cây trồng khác để lựa chọn là trồng cây kiệu để bán Tết. Tuy nhiên, làm kiệu chi phí rất cao, nếu năm nào được giá thì người trồng còn có ăn, năm nào mất giá kể như công cốc”.
“Năm nay nhuận 2 tháng 9, nhiều người bạo gan còn đánh “canh bạc” lớn hơn là xuống giống ớt vào giữa tháng 6 âm lịch, đến cuối tháng 9 âm lịch ớt sẽ cho thu hoạch, khi ấy mùa mưa lũ chưa đến vì còn tháng 9 nhuận. Nếu thuận lợi, lúc ấy mặc sức hốt bạc vì mùa mưa ớt thường có giá rất cao”, nông dân Nguyễn Văn Thái ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ), cho biết.
Theo tính toán của ông Tân, trồng 1 sào kiệu với giống cao sản nhập từ TP.HCM về phải mất đến 50kg giống. Với giá giống 30.000đ/kg, mỗi sào kiệu “nuốt” mất 1,5 triệu đồng tiền giống. Gặp mưa thuận gió hòa, kiệu cho năng suất 450kg/sào. Năm vừa rồi kiệu có giá, bán được 20.000đ/kg, sau khi trừ mọi chi phí mỗi sào kiệu cho lãi ròng khoảng 5,5 triệu đồng sau 4 tháng trồng.
Trong khi đó, nếu trồng ớt tương, loại ớt trái to (ớt sừng) để XK sang Trung Quốc, có chi phí cả vụ SX từ tiền mua giống, phân bón, thuốc BVTV khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng/sào. Năng suất ổn định của cây ớt đạt bình quân 1 tấn/sào.
“Nếu gặp thời điểm ớt có giá 45.000đ-50.000đ/kg như đầu vụ thu hoạch năm trước thì người trồng lãi to. Trừ hết mọi khoản chi phí, mỗi sào ớt còn cho lãi ròng từ 40-45 triệu đồng”, ông Tân nói.
Nếu người trồng ớt thu hoạch vào thời điểm giá hạ còn vài ba chục ngàn đồng một kg, thậm chí chỉ 8.000đ/kg cũng không sao, bởi vẫn còn lãi gấp nhiều lần so với làm cây lúa.
“Làm lúa cho năng suất bình quân 300kg/sào, với giá lúa hiện nay bình quân 5.500đ/kg thì nông dân chỉ thu được hơn 1,6 triệu đồng, trừ chi phí SX, số lãi còn lại chẳng bao nhiêu.
Nếu trồng ớt, gặp lúc giá hạ chỉ còn 8.000đ/kg, với năng suất 1 tấn ớt/sào, bán được 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người trồng vẫn còn lãi 4 triệu đồng/sào ớt. Do đó, dù cuối vụ vừa qua giá ớt chỉ còn 2.000đ/kg nhưng nông dân không ngại, họ canh thời vụ để ớt cho thu hoạch vào những tháng đầu năm mới ăn chắc”, ông Phạm Văn Thành, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ, phân tích.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nông dân nào muốn chắc ăn hơn thì năm nay họ không trồng loại ớt sừng vì không tin nổi thị trường Trung Quốc. Trồng ớt chỉ thiên dù giá luôn thấp hơn loại ớt sừng từ 10-15 ngàn đồng/kg, tốn nhiều công hái hơn vì quả ớt này nhỏ, nhưng khi ớt ế đến mấy vẫn bán được thấp nhất là 15.000đ/kg.
Có thể bạn quan tâm
Mưa kèm theo gió lớn hồi tuần qua làm nhiều ruộng lúa Hè Thu đến kỳ thu hoạch bị đổ ngã. Không chỉ ảnh hưởng năng suất, chất lượng mà giá bán cũng giảm theo. Nhiều nơi thương lái kỳ kèo, bỏ cọc, hạ giá mua lúa.
Tổng diện tích đất lúa trên toàn huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) là khoảng 9.000 ha nhưng diện tích thực thụ có cây lúa chỉ khoảng 2.300 ha. Điều này chứng tỏ phần lớn các loại cây trồng khác đang “sống nhờ” trên đất lúa, trong đó có cây nhãn và cao su.

Sáng ngày 1/7, anh Nguyễn Văn Dự (nhân viên Công ty trà Atiso Ngọc Duy, phường 12, Đà Lạt) không nhận ra vườn Atiso do mình trồng vì chỉ qua một đêm hơn 3.000 cây Atiso đã bị trộm nhổ sạch.

Cô Nguyễn Thị Thu (xã Long Điền B, Chợ Mới, An Giang) cho biết, giá nấm rơm hiện khá cao, từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Trên diện tích 2.000m2 trồng nấm, mỗi ngày gia đình cô thu hoạch từ 250 – 300kg, trừ các khoản chi phí lãi gần 50 triệu đồng/vụ.

Nắng nóng kéo dài khiến các diện tích ngô của người dân ở các xã Tân Long, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị mất mùa nghiêm trọng, người dân buộc lòng phải bán tháo ngô cây để giảm bớt thiệt hại về kinh tế.