Nông Dân Đánh Bạc Với Cây Ớt

Mặc dù vào cuối vụ ớt năm trước, nhiều hộ trồng ớt ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) phải bỏ ớt chín ngoài ruộng vì giá giảm thê thảm, chỉ còn 2.000đ/kg.
Vậy mà hiện nay, nông dân Phù Mỹ lại rậm rịch bước vào SX vụ ớt mới, diện tích dự báo sẽ tăng cao hơn năm trước.
Ông Lê Hoài Lam, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Hiện nay, ở những vùng đất chân cao trên địa bàn huyện Phù Mỹ, nông dân đã rậm rịch trồng ớt. Hiện đang bắt đầu bước vào mùa mưa, cây ớt là loại cây không chịu úng nên trồng ớt vào thời điểm này kể như “đánh bạc” với trời, bởi tỷ lệ cây sống không cao.
Tuy nhiên, nếu cây ớt nào vượt qua được mùa mưa thì sẽ cho trái vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, thường bán được giá cao nên nông dân “nhắm mắt” làm cầu may. Thông thường mọi năm, những người có ớt thu hoạch vào đầu mùa với năng suất bình quân 1 tấn/sào (500m2), bán được 45.000đ-50.000đ/kg thì mỗi sào ớt cho thu nhập đến 45-50 triệu đồng. Giàu to!”.
Theo dự đoán của ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, năm nay, diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện này chắc chắn sẽ tăng cao hơn năm trước. “Nếu như năm trước trên địa bàn Phù Mỹ có gần 950 ha ớt thì năm nay sẽ tăng đến cả 1.000 ha.
Nhiều diện tích trước đây trồng mì (sắn), năm nay nông dân chuyển sang trồng ớt hàng loạt. Ớt không kén đất, vùng nào chủ động nước tưới và có hệ thống kênh mương thoát nước tốt thì đều có thể trồng ớt nên nông dân làm mạnh”, ông Ba nói.
Trao đổi với nông dân trồng ớt ở huyện Phù Mỹ, chúng tôi được biết thêm lý do vì sao họ lại bạo gan “đánh bạc” với cây ớt như vậy. Nông dân Nguyễn Tân ở xã Mỹ Quang, chia sẻ: “Vào thời điểm này nông dân Phù Mỹ còn có loại cây trồng khác để lựa chọn là trồng cây kiệu để bán Tết. Tuy nhiên, làm kiệu chi phí rất cao, nếu năm nào được giá thì người trồng còn có ăn, năm nào mất giá kể như công cốc”.
“Năm nay nhuận 2 tháng 9, nhiều người bạo gan còn đánh “canh bạc” lớn hơn là xuống giống ớt vào giữa tháng 6 âm lịch, đến cuối tháng 9 âm lịch ớt sẽ cho thu hoạch, khi ấy mùa mưa lũ chưa đến vì còn tháng 9 nhuận. Nếu thuận lợi, lúc ấy mặc sức hốt bạc vì mùa mưa ớt thường có giá rất cao”, nông dân Nguyễn Văn Thái ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ), cho biết.
Theo tính toán của ông Tân, trồng 1 sào kiệu với giống cao sản nhập từ TP.HCM về phải mất đến 50kg giống. Với giá giống 30.000đ/kg, mỗi sào kiệu “nuốt” mất 1,5 triệu đồng tiền giống. Gặp mưa thuận gió hòa, kiệu cho năng suất 450kg/sào. Năm vừa rồi kiệu có giá, bán được 20.000đ/kg, sau khi trừ mọi chi phí mỗi sào kiệu cho lãi ròng khoảng 5,5 triệu đồng sau 4 tháng trồng.
Trong khi đó, nếu trồng ớt tương, loại ớt trái to (ớt sừng) để XK sang Trung Quốc, có chi phí cả vụ SX từ tiền mua giống, phân bón, thuốc BVTV khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng/sào. Năng suất ổn định của cây ớt đạt bình quân 1 tấn/sào.
“Nếu gặp thời điểm ớt có giá 45.000đ-50.000đ/kg như đầu vụ thu hoạch năm trước thì người trồng lãi to. Trừ hết mọi khoản chi phí, mỗi sào ớt còn cho lãi ròng từ 40-45 triệu đồng”, ông Tân nói.
Nếu người trồng ớt thu hoạch vào thời điểm giá hạ còn vài ba chục ngàn đồng một kg, thậm chí chỉ 8.000đ/kg cũng không sao, bởi vẫn còn lãi gấp nhiều lần so với làm cây lúa.
“Làm lúa cho năng suất bình quân 300kg/sào, với giá lúa hiện nay bình quân 5.500đ/kg thì nông dân chỉ thu được hơn 1,6 triệu đồng, trừ chi phí SX, số lãi còn lại chẳng bao nhiêu.
Nếu trồng ớt, gặp lúc giá hạ chỉ còn 8.000đ/kg, với năng suất 1 tấn ớt/sào, bán được 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người trồng vẫn còn lãi 4 triệu đồng/sào ớt. Do đó, dù cuối vụ vừa qua giá ớt chỉ còn 2.000đ/kg nhưng nông dân không ngại, họ canh thời vụ để ớt cho thu hoạch vào những tháng đầu năm mới ăn chắc”, ông Phạm Văn Thành, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ, phân tích.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nông dân nào muốn chắc ăn hơn thì năm nay họ không trồng loại ớt sừng vì không tin nổi thị trường Trung Quốc. Trồng ớt chỉ thiên dù giá luôn thấp hơn loại ớt sừng từ 10-15 ngàn đồng/kg, tốn nhiều công hái hơn vì quả ớt này nhỏ, nhưng khi ớt ế đến mấy vẫn bán được thấp nhất là 15.000đ/kg.
Có thể bạn quan tâm

Ở ĐBSCL, cá tra, tôm nước lợ là hai mặt hàng thủy sản XK chủ lực. Qua 3 tháng đầu năm 2015, tín hiệu từ vùng nuôi và thị trường XK không lạc quan như mong đợi.

Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu vừa thông báo lịch điều tiết nước 15 ngày đầu tháng 5. Việc mở, đóng cống ở vùng mặn và vùng ngọt nhằm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa hè thu, bảo đảm nước mặn cho vùng nuôi tôm phía Bắc Quốc lộ 1A.

Hộ nuôi tôm ở huyện Tuy An (Phú Yên) gặp nhiều khó khăn khi tôm nuôi bị dịch bệnh trên diện rộng. Các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An cho biết, tình trạng dịch bệnh xảy ra gây hại trên tôm nuôi vụ I/2015 ở địa phương này đã và đang diễn biến khá phức tạp.

Hiện sản lượng đánh bắt thủy sản của Quảng Ngãi đã lên tới 4.000-5.000 tấn, đạt được khoảng 40% kế hoạch đánh bắt cả năm. Thời điểm này, những đoàn tàu đánh cá xa bờ của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trở về sau hàng tháng trời khai thác trên biển khơi. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên bà con ngư dân đánh bắt được nhiều loại thủy sản, giá bán cao.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận tại Công văn số 781/SNN-TS ngày 14/4/2015 về việc đề nghị cấm nghề cào Banh lông trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau: