Nông Dân Chế Tạo Máy Phun Thuốc Điều Khiển Từ Xa

Anh Nguyễn Hoàng Phi ở ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang đã sáng chế và ứng dụng thành công máy phun thuốc điều khiển từ xa và tự động cuộn dây trên đồng. Chiếc máy đoạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2012 và anh đã ra Hà Nội tham gia chương trình Nhà sáng chế trên VTV2 vào cuối tháng 3/2013 vừa qua.
Hiện nay các loại bình phun thuốc, phân bón lá (bình máy và bình gặt tay) chủ yếu là mang trên vai với trọng lượng trung bình trên 30kg, kể cả dung dịch thuốc. Khi phun, người nông dân phải đi trên mặt bùn nhão rất nặng nề và phải mất nhiều thao tác như xách nước pha thuốc, dùng que khuấy đều, sau khi phun xong từng lối phải mất nhiều thời gian cuốn dây dẫn... Để giảm thao tác, tạo sự tiện lợi và nhanh chóng cho người phun, chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa của anh Phi khắc phục các khuyết điểm trên và giúp nông dân tiết kiệm được thời gian phun xịt, không tiếp xúc với hóa chất và thuận tiện trong quá trình xử lý dịch bệnh trên đồng ruộng hiệu quả.
Máy phun thuốc điều khiển từ xa có những tính năng sau: chỉ cần mang máy đến ruộng (trọng lượng khoảng 30kg), đặt bình trên bờ mẫu. Chiếc máy có sẵn thiết bị bơm hút nước từ bờ ao vào bình pha thuốc 80 lít lắp với máy. Trong khi bơm hút nước vào thùng chứa, máy có bộ phận trộn thuốc liên tục trong khi pha, khi nước rút đầy bình 80 lít thì cũng là lúc dung dịch thuốc được trộn xong. Khi phun, trong bình có bộ phận tự động tiếp tục trộn bằng cánh quạt đặt ở đáy bình, quay trộn thuốc liên tục cho đến khi phun hết bình.
Điểm đặc biệt của chiếc máy này là thiết bị điều khiển từ xa được kết nối không phải bằng cây anten thường thấy mà là… sợi dây điện bằng đồng. Anh Phi dùng sợi dây đồng bắt tín hiệu thay anten vừa điều khiển nhanh chóng, vừa không bị gãy hư như anten. Nông dân chỉ cầm cần phun và remote điều khiển (tăng ga, cuộn dây, bơm hút, ngưng phun…). Sự tiện lợi của chiếc máy còn là thiết bị cuộn đều dây gắn với thân máy. Khi đến cuối thửa ruộng quay về, nông dân chỉ cần bấm remote điều khiển từ xa, máy sẽ tự quấn dây phun vào tang dây một cách gọn gàng từng lớp nhờ thiết kế hệ thống tảng dây tự động. Máy phun phát ra được 4 phía, đặt máy một chỗ ở vị trí thuận lợi thì có thể phun được đến 1ha.
Anh Phi phân tích, nhờ thiết bị hút nước vào bình và trộn thuốc tự động nên giảm thời gian trộn thuốc và nhất là nông dân ít tiếp xúc với hóa chất so với cách sử dụng bình phun. Đồng thời dung dịch thuốc luôn được khuấy trộn đều sẽ làm cho việc hấp thụ thuốc của lá lúa đạt hiệu quả cao. Khi phun thuốc, nông dân không vác nặng, trước đây trung bình vác khoảng 30 kg. Với sáng chế này, nông dân chỉ mang cần phun và remote. Trung bình máy làm việc 8 giờ/ngày, 1 người có thể phun thuốc được 20 bình 80 lít (1.600 lít). Giá thuê phun hiện nay với 1 bình 20 lít là 7.000 đ, nếu phun 1.600 lít sẽ tốn 560.000 đồng. Sử dụng máy phun này hiệu quả tiết kiệm rất cao, để phun lượng thuốc như trên, máy chỉ tốn 2,5 lít xăng, khoảng 60.000 đồng và người phun rất nhẹ nhàng.
Máy phun điều khiển từ xa phun được trên ruộng lúa, vườn cây ăn trái, rẫy rau màu, vườn hoa cây cảnh… Ngoài ra, máy có thể áp dụng trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm, phun thuốc tiêu trùng khử độc cho các trang trại hay phun diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết… Sau thời gian ứng dụng thử nghiệm, nhiều nông dân tham quan thấy hiệu quả tốt nên yêu cầu anh Phi sản xuất cung cấp về sử dụng. Được biết, anh Phi là người rất đam mê sáng chế dù không học qua trường lớp chuyên môn nào, trước đây anh từng sáng chế máy sấy lúa di động.
Có thể bạn quan tâm

Một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ ACDI/VOCA tại các hộ dân trồng ca cao ở hai tỉnh Đăk Lăk và Bến Tre cho thấy, trong thời gian qua chỉ những hộ dân canh tác diện tích nhỏ, ít hơn 500 cây, mới chặt bỏ cây ca cao.

Thực hiện Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015, Sở NN&PTNT tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 14/KH-SNNPTNT ngày 30-1-2013 để phối hợp cùng các sở, ban ngành tỉnh cụ thể hóa Đề án. Năm 2013

Đây là vụ lúa thứ 2 mô hình sản xuất khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn được thực hiện trên địa bàn huyện Tuy An. Trong vụ sản xuất hè thu 2013, mô hình này đã đưa vào sản xuất 20 giống lúa GSR, thời gian sinh trưởng của các giống lúa từ 87 đến 106 ngày.

Sau khi giá củ mì tươi tăng cao đến 2.600 đồng/kg ở thời điểm mới bước vào vụ thu hoạch, hiện giá mì tươi bán tại rẫy tụt dốc nhanh chóng khiến cho cả thương lái và nông dân hết sức lao đao.

Khoảng 1 tháng qua, giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL ở mức cao, nhưng thời điểm giá này, nông dân không còn lúa để bán và đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Nông dân không đủ điều kiện tạm trữ để chờ giá nên luôn chịu thiệt thòi, hầu hết nông dân phải bán lúa tươi tại ruộng ngay khi thu hoạch.