Nông dân chặt cao su trồng điều

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bình Phước cho biết, từ cuối năm 2014 đến nay, diện tích cao su trên địa bàn bị chặt lên đến trên 1.000ha, trong đó chủ yếu chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng điều và các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguyên nhân do giá cao su xuống thấp, trong khi đó chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động,…) luôn cao nên ít có lãi. Giá mủ cao su lên đến đỉnh điểm (năm 2011), người trồng có lãi lớn, nông dân đổ xô trồng cao su bất cứ chỗ nào, kể cả chân đất ruộng ẩm ướt, đất có tầng canh tác mỏng, hoặc đất đồi dốc. Có đến 2.600ha cao su trồng trên nền đất này. Khi những vườn cao su trên nền đất không phù hợp này bước vào thời kỳ kinh doanh thì lộ rõ nhược điểm như vườn cây không đồng đều, tỷ lệ cây chết cao, cây cụt ngọn, năng suất rất thấp nên hiệu quả kinh tế kém. Do đó nông dân chặt bỏ cao su trên phần diện tích này để trồng điều và trồng các loại cây trồng khác.
Trước tình trạng chặt cao su, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Phước khuyến cáo nông dân không nên phát triển diện tích trồng mới, thay vào đó tập trung tái canh vườn cây đã hết tuổi khai thác hoặc rút ngắn vườn cây gần hết tuổi khai thác bằng giống mới năng suất và chất lượng cao, đồng thời tư vấn cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi hết 2.600ha cao su trồng trên diện tích đất không phù hợp sang trồng những cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo thống kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, có những năm diện tích cây điều tăng rất nhanh, đặc biệt năm 2007 diện tích cây điều toàn tỉnh gần 200.000ha. Tuy nhiên những năm tiếp theo, cây điều dần mất vị trí ngôi đầu nhường lại vị trí cho cây cao su. Thời điểm năm 2011, giá mủ cao su ở mức 33.000 – 35.000 đồng/kg mủ nước.
Thấy lợi, người nông dân lại đổ xô chặt điều trồng cao su. Diện tích cao su nhanh chóng tăng. Nắm bắt nhu cầu trồng điều của người dân, đặc biệt giống điều ghép cao sản cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 18 tháng sẽ cho trái bói, 3 năm sẽ thu hoạch rộ) nên rất nhiều cơ sở, đại lý giống trên địa bàn tỉnh Bình Phước đua nhau ghép giống điều cao sản để bán.
Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp tỉnh Bình Phước đã bán hơn 50.000 cây giống cho bà con. Do nhu cầu giống điều đang “sốt” nên hiện rất nhiều người lợi dụng nhu cầu của người dân đã mua chồi giống AB29, AB0508 về ghép bán với giá cao hơn so với giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/cây.
Các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các cơ sở cung cấp giống trong tỉnh, tránh tình trạng cây trồng bị thả nổi giá và chất lượng không đảm bảo gây bất lợi cho người nông dân. Mặt khác, cũng cần hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc điều cho người dân để giúp vườn điều đạt năng suất, chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm

Hiện giá heo hơi thương lái mua của người chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai chỉ còn 33 - 35 ngàn đồng/kg với heo nuôi ở các hộ nhỏ lẻ; từ 36 - 38 ngàn đồng/kg với heo nuôi trang trại. Ngoài ra, theo phản ảnh của một số người chăn nuôi, heo có trọng lượng từ 100 kg/con trở lên rất khó bán. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang thua lỗ từ 700 - 900 ngàn đồng/tạ.

Bên cạnh các mô hình trồng lúa, hoa màu, nuôi tôm…, nông dân TP Cà Mau còn chủ động tìm tòi và áp dụng nhiều mô hình sản xuất đa dạng. Các mô hình này tuy không mới nhưng với bàn tay cần cù, sáng tạo của người nông dân đã mang đến hiệu quả bất ngờ.

Tuy vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2013 chỉ mới bắt đầu nhưng người nuôi đang lo lắng trước tình hình môi trường bị ô nhiễm, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngày 27/8 hàng chục hộ dân nuôi và bán cá tra kéo đến Cty Chế biến thủy sản Sông Hậu (CBTSSH), phường Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (thuộc NT Sông Hậu cũ) để tìm gặp Ban giám đốc Cty yêu cầu giải quyết số nợ quá hạn kéo dài từ mấy tháng qua.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, lịch thả nuôi giống tôm biển trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 15-2-2013, do đó các địa phương ven biển đã tập trung cải tạo ao và thả giống theo khuyến cáo. Như huyện Bình Đại có kế hoạch giữ mức 16.000 ha nuôi thủy sản; trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là 3.800 ha, nuôi thủy sản nước ngọt 300 ha, nghêu, sò 3.000 ha… Để cho vụ nuôi tôm năm 2013 phát triển ổn định, bền vững và đạt hiệu quả cao, hạn chế những dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, chủ lực là Chi cục thủy sản tăng cường quản lý chặt chẽ vụ nuôi, nhất là về tình hình dịch bệnh.