Nông Dân Chặt Bỏ Cây Điều

Việt Nam đang phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn hạt điều mỗi năm cho ngành chế biến nhân điều xuất khẩu. Trong khi đó, nông dân lại đang đua nhau chặt bỏ loại cây trồng chủ lực này do hiệu quả kém.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có trên 48 ngàn hécta điều, giảm gần 3 ngàn hécta so với năm 2011.
* Ám ảnh thất mùa, mất giá
Theo nhiều nông dân trồng điều, cây trồng này rất nhạy cảm với thời tiết nên vài năm trở lại đây thường xuyên bị mất mùa do thời tiết thất thường. So với nhiều loại nông sản khác, giá hạt điều cũng thường “ổn định” ở mức thấp dẫn đến thu nhập của nông dân trồng điều không cao.
Ông Lê Văn Niêm, nông dân ở huyện Vĩnh Cửu, nhận xét: “Các loại nông sản khác mất mùa thường có giá cao. Năm nay, cây điều đậu trái rất kém do thời tiết bất lợi. Đầu mùa giá bán ra được 26 ngàn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nông dân chưa kịp mừng thì giờ đã rớt giá xuống còn 22 ngàn đồng/kg. Cây điều cả năm chỉ cho một mùa thu hoạch nhưng lại rơi vào cảnh vừa mất mùa vừa rớt giá”.
Ông Chí Vinh Sủng, xã Phú Hòa (huyện Định Quán), chia sẻ: “Tôi có hơn 2 hécta cây điều 8 năm tuổi. Năm ngoái thất mùa, giá hạt điều chưa đến 20 ngàn đồng/kg nên tôi đã chặt bỏ 1 hécta chuyển sang trồng bưởi. Giờ tôi đang chuẩn bị bỏ hết diện tích điều còn lại. Dù rất xót xa vì phải chặt vườn cây đang cho thu hoạch, tôi vẫn quyết định bỏ vốn đầu tư cho cây trồng mới có lãi hơn”.
Định Quán là một trong những địa phương nằm trong quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu điều, nhưng diện tích cây điều đang giảm nhanh mỗi năm. Theo báo cáo của Phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện, năm 2013 diện tích trồng điều của địa phương giảm hơn 541 hécta. Nông dân ở đây vẫn đang tiếp tục chặt cây điều, chuyển sang mô hình khác hiệu quả hơn.
* Nông dân tự xoay xở
Ông Nguyễn Hữu Tâm, nông dân huyện Định Quán, chia sẻ: “Vì thấy hiệu quả thấp, tôi chuyển đổi sang trồng cà phê. Tuy đã bỏ công tìm hiểu về kỹ thuật, nhưng khi trồng 500 gốc cà phê tôi vẫn bị hao hụt mất 100 gốc. Nhưng việc không nắm chắc đầu ra cho sản phẩm mới là điều khiến tôi lo lắng hơn cả”.
Ông Phạm Trí Việt, nông dân đi đầu trong việc đưa cây bưởi da xanh về trồng trên đất Định Quán, cho rằng bao năm trời người nông dân vẫn cứ loay hoay với việc chặt cây này trồng cây khác. Họ thấy ở đâu có mô hình hiệu quả là đổ xô vào làm rồi lại rơi vào cảnh được mùa mất giá. Theo ông Việt: “Chính quyền địa phương nên có quy hoạch rõ ràng vùng nào phát triển cây gì, con gì căn cứ trên cơ sở nghiên cứu kỹ mỗi loại cây trồng phù hợp với vùng đất đó và nhu cầu thị trường”.
Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, trung tâm đang triển khai chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật ghép chồi non trên cây điều già cỗi giúp trẻ hóa và tăng năng suất cây trồng. Phương pháp này áp dụng với vườn điều già cỗi hoặc cho năng suất thấp.
Nông dân có thể tự chọn lọc chồi ghép từ những cây điều cho năng suất cao, chất lượng tốt trong vườn để cải tạo những cây già cỗi, năng suất kém. Với cây điều ghép, chỉ sau 1 năm là cho bói quả và 2 năm sẽ có vườn điều mới, năng suất cao. Mô hình này đã được nông dân tỉnh Bình Phước ứng dụng thành công.
Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai (Donafoods), cho biết giá điều xuống thấp không phải do tác động từ thị trường thế giới mà do chất lượng nhân điều năm nay đạt thấp, tỷ lệ nhân điều chỉ đạt từ 27-28%.
“Nhiều nông dân cũng than thở vấn đề này, nhưng việc tăng giá là rất khó vì doanh nghiệp chế biến cũng phải căn cứ vào chất lượng điều để mua. Phía Donafoods đang bàn bạc với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn về hướng giữ vùng nguyên liệu điều trong tỉnh” - ông Trí nói.
Có thể bạn quan tâm

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện khảo nghiệm các giống lúa chịu hạn (GLCH) theo đơn đặt hàng của Viện BVTV. Đây là tín hiệu vui cho các vùng sản xuất lúa bấp bênh, nhất là tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Bộ Công Thương cho biết, 5 tháng đầu năm 2014, sản lượng phân đạm urê ước đạt 938,9 nghìn tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2013; phân NPK khoảng 970,9 nghìn tấn, giảm 1,3% so cùng kỳ; phân lân (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam) đạt 677,4 nghìn tấn tăng 2,1% so với cùng kỳ; phân bón DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đạt 99,9 nghìn tấn, giảm 6,2%.

Nhằm giúp bà con tiêu thụ vải thiều thuận lợi, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thành lập đoàn công tác khảo sát các thị trường truyền thống tại một số tỉnh, thành phố và cửa khẩu quốc tế như: Hà Khẩu (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn), Hà Nội, một số thành phố lớn khác.

Mặc dù trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có những bước đột phá tích cực, năng suất cây trồng được nâng cao, qua đó cải thiện từng bước cuộc sống của người nông dân, nhưng cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, sản phẩm mang tính hàng hóa còn chưa nhiều.

Thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả của Đảng uỷ xã Khánh Hội, huyện U Minh, năm qua nông dân trong xã mạnh dạn đầu tư và phát triển nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.