Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân chặt bỏ cây cao su vì giá mủ rớt thảm hại

Nông dân chặt bỏ cây cao su vì giá mủ rớt thảm hại
Ngày đăng: 24/04/2015

Nhìn cánh rừng cao su nằm sau vườn nhà trơ gốc, trên mặt đất còn những cành lá, khi thương lái chỉ cưa lấy thân gỗ để lại mà ông Trần Văn Mùi (50 tuổi, trú thôn Bình Dương, xã Hương Bình) không khỏi xót xa.

Ông Mùi tâm sự: “Năm 1992, vợ chồng tui dắt díu lên mảnh đất hoang sơ này để đầu tư phát triển kinh tế. Có thể nói hơn 20 năm qua, gia đình tui đã cùng sống chết theo cây cao su, nhất là mỗi trận có bão lớn thì cứ như ngồi trên đống lửa, vì sự gió bão làm cây gãy đổ... Đầu tư là vậy, nay phải bán 1ha cao su xanh tốt này với giá gần 40 triệu đồng cho thương lái thì tiếc đứt ruột chú à. Nhưng, hết cách rồi, cần có tiền để đầu tư trồng loại cây khác kinh tế hơn”.

Tìm hiểu được biết, những năm qua, người dân ở các xã như Bình Thành, Hương Bình và một số địa phương khác ở thị xã Hương Trà đã nỗ lực trồng cao su với diện tích đạt trên 2.400ha. Thế nhưng vì lý do đầu ra khó khăn, giá mủ thu mua quá thấp nên đến nay, người dân đã chặt bỏ gần 50ha cao su để bán gỗ, số diện tích còn lại đang được trồng cây mới để tái sinh.

Tại huyện Nam Đông, vốn được xem là “thủ phủ” cao su, một trong những loại cây đã giúp người dân ở xã miền núi nơi đây xóa nghèo, vươn lên làm giàu... cũng xuất hiện tình trạng chặt bỏ rừng cao su. Nhiều hộ dân địa phương ở đây cho biết, thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su ngày trước nay không còn nữa, bởi vì giá 1kg mủ nay còn thấp hơn giá bán... một cốc nước mía.

Mủ cao su liên tục rớt giá từ 50.000 đồng/kg xuống 30.000 đồng rồi đến 10.000 đồng và nay là 5.000 đồng/kg đã khiến nhiều nông dân trồng cao su ở huyện miền núi nơi đây rơi vào cảnh điêu đứng bởi tiền thu vào không đủ trả chi phí phân bón, thuê nhân công. Không ít hộ dân buộc phải chặt bỏ rừng cao su để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Tươi, trú thôn 6 (xã Hương Hữu, huyện Nam Đông) cho biết, đầu năm 1990, gia đình bà khai hoang vỡ đất và tiến hành trồng được 2ha cao su. Sau nhiều năm thu hoạch, đến nay cây cao su một phần bị gió bão làm gãy đổ, một phần vì lợi ích kinh tế mang lại quá thấp nên gia đình buộc phải chặt bỏ gần 100 cây cao su trên 10 năm tuổi.

“Cách đây 4,5 năm, giá bán mủ cao su trên 50 ngàn đồng/kg, ước tính mỗi ha cho từ 1,1 đến 1,2 tấn mủ/năm thì gia đình tui thu nhập cả trăm triệu đồng. Thế nhưng cũng chỉ được mấy năm đầu, còn giờ thì giá cao su rớt thê thảm, chỉ còn độ 5.000 đồng/kg nên tui buộc phải chặt bỏ 1/3 diện tích chuyển sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày để sớm hồi vốn”.

Theo ông Huỳnh Minh Chòn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho biết, trên địa bàn xã đã có khoảng 10 hộ ở thôn 6 và thôn 7 lần lượt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng keo tràm, hoa màu hoặc sắn để tăng thu nhập bởi đầu ra mủ cao su khó khăn.

Tương tự, ở xã Hương Phú là một trong những xã có số hộ dân trồng cao su lớn nhất huyện Nam Đông, với tổng diện tích 800ha. Suốt gần 20 năm qua, loại cây cho “vàng trắng” này được xem là cây trồng chủ lực của người dân khi nhiều người đã thế chấp nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng nhằm mở rộng diện tích cao su. Thế nhưng, hiện tại người dân không còn mặn mà với cây cao su. Nhiều hộ dân cũng đang có ý định chặt bỏ loại cây này để trồng cây có giá trị kinh tế hơn.

Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông giải thích, người dân ở các xã của huyện đã đầu tư trồng trên 3.500ha cao su, trong đó có khoảng 2.100 héc ta đang ở thời kỳ khai thác mủ với sản lượng gần 8.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do thị trường đầu ra hạn hẹp, giá thu mua mủ lại quá thấp đã khiến nhiều hộ dân thua lỗ nặng khi đầu tư vào loại cây cho thứ mủ trắng này.

“Người trồng cao su trên địa bàn huyện đã chặt khoảng 10ha cao su, tập trung ở các xã như Hương Hữu, Hương Hòa, Thượng Nhật để trồng thay thế các cây già cỗi, cho năng suất thấp hoặc chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho kinh tế cao hơn. Trước thực trạng này, hiện Phòng đang phối hợp với Sở NN&PTNT của tỉnh cùng các cấp, ban, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế chặt bỏ cây cao su. Đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cao su trong giai đoạn chờ giá mủ vượt qua ngưỡng cửa rớt giá”, ông Son khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

Sản Xuất Rau Sạch Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Sản Xuất Rau Sạch Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng cao, người trồng rau đã dần nâng cao ý thức canh tác và trình độ thâm canh để sản xuất rau sạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc trồng rau sạch đã được nông dân trồng quanh năm tạo ra nguồn thu khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên, đặc biệt rút ngắn đáng kể thời gian nông nhàn.

22/11/2014
Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Chăn Nuôi Bò Sinh Sản Ở Bản Poọng Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Chăn Nuôi Bò Sinh Sản Ở Bản Poọng

Bước đầu cho thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Poọng đã nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân.

22/11/2014
Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Xã Hoằng Hợp Cho Thu Nhập Từ 150 Đến Hơn 220 Triệu Đồng/ha/năm Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Xã Hoằng Hợp Cho Thu Nhập Từ 150 Đến Hơn 220 Triệu Đồng/ha/năm

Đây là địa phương có truyền thống sản xuất rau, củ, quả quanh năm với diện tích và quy mô lớn. Với kinh nghiệm trồng rau hàng hóa, nông dân Hoằng Hợp đã đạt hệ số quay vòng đất bình quân 3,5 lứa/năm, nhiều gia đình đã gieo trồng tới 4 đến 6 lứa rau/năm. Theo tính toán, một năm, mỗi ha đất vùng chuyên canh rau cho tổng thu nhập bình quân từ 150 đến 160 triệu đồng.

22/11/2014
Huyện Thường Xuân Triển Khai Thực Hiện Dự Án “Xây Dựng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Thương Phẩm” Huyện Thường Xuân Triển Khai Thực Hiện Dự Án “Xây Dựng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Thương Phẩm”

Dự án có quy mô 450 m3 bể nuôi với 2.000 con giống, thả làm 2 đợt. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng (gồm mua con giống, thức ăn, thiết bị máy móc, hỗ trợ công nghệ). Dự kiến sau thời gian 1 đến 2 năm nuôi sẽ bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 đến 2 kg/con.

22/11/2014
Thuế Đối Với Nông Nghiệp Sẽ Giảm Còn 15% Thuế Đối Với Nông Nghiệp Sẽ Giảm Còn 15%

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thay vì trước đây chỉ có 5 ngành là dệt may; da giày; sản xuất lắp ráp ôtô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

22/11/2014