Nông Dân Các Địa Phương Tập Trung Chăm Sóc Cây Trồng Vụ Hè Thu

Trong vụ hè thu năm nay, huyện Tuy Đức đã gieo trồng được hơn 5.000 ha cây trồng các loại. Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp cây trồng phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất cao.
Huyện Tuy Đức
Tại xã Quảng Trực, những ngày này, tranh thủ thời tiết khô ráo, bà con tập trung ra đồng chăm sóc các diện tích khoai lang đã xuống giống được gần 1 tháng nay.
Anh Đinh Tiến Hiên, ở bon Bu Prâng 1 cho biết: “Hiện nay, với 1,2 ha khoai lang, gia đình đang tập trung làm cỏ, bỏ phân bón để vun gốc. Khoai lang là cây dễ trồng, ít sâu bệnh nên chúng tôi chỉ tập trung vào khâu chăm sóc là chủ yếu. Do vậy, để đạt năng suất cao, khâu chọn giống, chọn các loại phân bón có chất lượng cao luôn được gia đình tôi chú trọng ngay từ đầu”.
Theo UBND xã Quảng Trực, vụ hè thu này, toàn xã xuống giống được hơn 1.450 ha cây trồng. Hầu hết diện tích đều được bà con xuống giống đúng thời gian, tiến độ, cũng như tuân thủ các quy trình chăm sóc nên phát triển khá tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại.
Về phía xã đã vận động bà con thường xuyên thăm đồng, theo dõi, nếu phát hiện sâu bệnh báo cáo kịp thời lên chính quyền để được hướng dẫn cách xử lý hiệu quả. Việc phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng cũng được xã tích cực triển khai.
Tương tự, tại xã Đắk R’tíh, vụ này, bà con đã xuống giống được hơn 400 ha cây trồng các loại. Chị Lê Thị Hường, ở thôn 3 cho hay: “Tôi thường xuyên thăm đồng để phát hiện các loại sâu bệnh gây hại. Với những diện tích có nguy cơ sâu bệnh xuất hiện, sau khi được sự hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp, gia đình đã mua thuốc đúng chức năng, liều lượng để phun nên đã phòng trừ rất tốt”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức thì vụ hè thu năm nay, tất cả các khâu từ làm đất, ủ giống, gieo tỉa, chăm sóc luôn được địa phương hướng dẫn kịp thời để bà con thực hiện tốt.
Huyện tích cực vận động người dân chủ động thăm đồng, theo dõi diễn biến sâu bệnh để có biện pháp xử lý hữu hiệu nhất. Việc phối hợp với các xã kiểm tra tình hình sản xuất, thu thập yêu cầu ở các thôn, bon để tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho bà con cũng được huyện triển khai hiệu quả.
Do vậy, hầu hết diện tích cây trồng đang phát triển rất tốt. Riêng đối với một số diện tích lúa nước có biểu hiện của bệnh đạo ôn, uốn lá…, cán bộ phòng nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con sử dụng thuốc phòng trừ nên đã xử lý được dứt điểm, hạn chế lây lan.
Hiện tại, Phòng Nông nghiệp đang tiếp tục tổ chức các hoạt động khuyến nông, giám sát đội ngũ cộng tác viên cơ sở theo dõi, hướng dẫn bà con tập trung chăm sóc, kiểm tra diễn biến sâu bệnh trên cây trồng. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ có những giải pháp hữu hiệu để giúp cây trồng phát triển tốt, góp phần mang lại năng suất cao.
Huyện Krông Nô
Tại huyện Krông Nô, địa phương cũng đã gieo trồng được 16.500 ha các loại cây trồng vụ hè thu, đạt gần 105% kế hoạch. Thời gian qua, tình hình thời tiết trên địa bàn tương đối thuận lợi cùng với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ mùa màng của nông dân nên không phát sinh dịch hại, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa đạt kết quả cao.
Gia đình ông Phan Thành Trung, ở thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên, vụ hè thu này xuống giống trên 1 ha ngô lai. Theo ông Trung thì so với mọi năm, vụ hè thu này có một số diện tích ngô của nông dân xuống giống sớm hiện đang giai đoạn phun râu, quả non, còn diện tích đại trà thì đang giai đoạn phát triển thân lá.
Do đó, thời điểm này mới thật sự là lúc người dân dồn sức để bảo vệ ruộng ngô của mình trước các loại sâu hại thông thường như sâu xám, sâu ăn lá, sâu ăn thân, bệnh lở cổ rễ, thối thân, rệp cờ, sâu đục quả... Không riêng gì cây lương thực, hoa màu phải đầu tư công sức để chăm sóc, ngăn ngừa sâu hại mà các hộ trồng cà phê, hồ tiêu, cao su… cũng hết sức cảnh giác với dịch bệnh để giữ cho mùa màng được đảm bảo.
Ông Phan Thành Trung cho biết thêm: “Với kinh nghiệm trồng lúa, ngô vốn đã quá quen thuộc với người dân nơi đây, nhưng với cà phê thì thời gian qua, tôi và bà con trong xã đã tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, bảo vệ thực vật do Trạm Khuyến Nông-Khuyến ngư, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức. Vì thế, tôi có thể phòng trừ khá triệt để và an toàn cho vườn cà phê của mình”.
Theo ngành nông nghiệp huyện, cùng với việc phân công cán bộ theo dõi tình hình tái canh cà phê, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện còn cử cán bộ thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, dịch hại trên cây cà phê để giúp địa phương ngăn chặn kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Nhà nông Trịnh Văn Tùng (thôn Nam Hiệp 1, xã Ka Đô, Đơn Dương, Lâm Đồng) chọn biện pháp sản xuất đa canh nhiều loại rau khác trên đất trồng cây cà chua truyền thống, tạo ra chuỗi giá trị nông phẩm thông thương đầu vào - đầu ra...

Những lô hàng chè xuất khẩu kém chất lượng bị trả lại thời gian qua ở một số địa phương trong cả nước đã khiến giá chè bị sụt giảm mạnh, từ 4.700 đồng/kg xuống còn 3.600 đồng/kg (tháng 6). Người trồng chè Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, hạn hán đang đe dọa tới năng suất.

Gia Lai đang vào mùa mưa-mùa trồng mới các loại cây dài ngày như: Cà phê, tiêu, keo lai, bạch đàn... Đi cùng nhu cầu cây giống trồng mới của nông dân, các chủ vườn ươm giống cây trồng trên địa bàn tỉnh cũng đang xuất cây giống...

Chiều 31/7, tại huyện đảo Vân Đồn, trời vẫn mưa như trút. Theo Phòng NN-PTNT Vân Đồn, toàn huyện có 313 ha lúa non vừa cấy bị ngập úng.

Ngày 31/7, lễ ký kết “Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án mắc ca” giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Công ty cổ phần Him Lam đã diễn ra tại viện WASI - 53 Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.