Nông Dân Cà Mau Vào Mùa Nuôi Tôm Chính Vụ

Trong những ngày này, bà con nông dân TP Cà Mau tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương cải tạo ao đầm để bước vào mùa nuôi tôm chính vụ.
Theo kế hoạch, năm nay toàn TP Cà Mau sẽ phát triển tôm nuôi quảng canh cải tiến 800 ha, tôm nuôi quảng canh vụ 1 trên 9.700 ha và nuôi tôm công nghiệp 1.100 ha. Để hỗ trợ nông dân nuôi tôm đạt hiệu quả, Phòng Kinh tế kết hợp với các ngành chuyên môn tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, quản lý việc di nhập, vận chuyển và chất lượng tôm giống, quản lý nguồn lợi và môi trường thuỷ sản; tăng cường công tác kiểm tra và phòng tránh dịch bệnh trên tôm nuôi, nhất là trong nuôi tôm công nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Hoà Tân Nguyễn Minh Trí cho biết: “Hiện nông dân một số ấp trong xã đang tiến hành ủi đầm để tiến hành thả nuôi vụ mới của năm 2014. Năm nay giá tôm tăng nên người nuôi tôm rất phấn khởi”.
Theo số liệu từ Phòng Kinh tế thành phố, tính đến nay nông dân TP Cà Mau đã thả tôm quảng canh vụ 1 được 1.850 ha, đạt 19%, thả tôm quảng canh cải tiến 90 ha, đạt 11%, tôm nuôi công nghiệp được 90 ha. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện cụm nuôi tôm công nghiệp xã Hoà Tân, xã Hoà Thành và phường 6 với các hạng mục như: đầu tư lưới điện 3 pha, hệ thống thuỷ lợi, lộ giao thông nông thôn, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp tập trung.
Kết hợp các ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống thuỷ sản gia nhập ở các tỉnh ngoài vào thành phố, nhằm khắc phục tình trạng con giống kém chất lượng. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế còn chủ động kết hợp các ngành chức năng sớm xây dựng hoàn chỉnh điều kiện cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung.
Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau Thái Văn Tính chia sẻ: “Hiện nay, Phòng Kinh tế thành phố đã gửi tới các xã, phường lịch thời vụ, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân nuôi tôm phải tuân thủ quy trình cải tạo ao đầm và bám sát lịch thời vụ”.
Hiện nay, Phòng Kinh tế thành phố chỉ đạo Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Thú y và cán bộ cơ sở bám sát địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật sên vét, cải tạo ao đầm và biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cụm nuôi tôm công nghiệp tập trung, tiến hành rà soát, thống kê lại diện tích nuôi tôm công nghiệp, kết hợp với ngân hàng giải ngân nguồn vốn cho bà con nông dân vùng dự án khi có nhu cầu vay vốn...
Song theo đó, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi tôm cho nông dân được quan tâm thực hiện. Đặc biệt là hướng dẫn việc nuôi tôm sạch sử dụng chế phẩm sinh học, theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho người nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm

Sau thất bại từ việc nuôi chuyên canh tôm sú từ 10 năm trước, người dân ven phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) chuyển sang nuôi tôm xen cua, cá nước lợ và đã phát huy hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III được phép nuôi gia hóa đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ F1-VN phục vụ cho công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đó là Trung tâm Tư vấn sản xuất - Dịch vụ khoa học công nghệ thủy sản và Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung.

Cải tạo ao đầm là một trong những khâu quan trọng trong nuôi tôm. Hiện đang bước vào mùa cải tạo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau) đồng loạt sên, vét vuông nuôi, chuẩn bị cho mùa vụ nuôi tôm 2014. Công tác cải tạo vuông nuôi gắn với bảo vệ môi trường cũng được các ngành chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

So với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, nghề khai thác yến ở Việt Nam còn rất non trẻ (xuất hiện từ đầu những năm 2000), nhưng tổ yến Việt Nam lại được đánh giá cao trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, sự hỗn tạp trên thị trường yến đang tác động tiêu cực đến nghề khai thác yến ở Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện bệnh cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.Một trong những nguyên nhân chính xảy ra bệnh là do người chăn nuôi còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch, đặc biệt là việc tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm.