Nông Dân Bị Thiệt Hại Vì Trồng Giống Bắp NK67

Hiện hàng chục hộ nông dân ở xã Đông huyện Kbang (Gia Lai) đang khóc dở, mếu dở khi đã trồng giống bắp NK67, là sản phẩm mới của Công ty Syngenta, do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang phân phối. Tưởng chừng như được vụ mùa thắng lợi nhờ thời tiết thuận lợi, nhưng chưa kịp vui mừng thì hàng chục ha bắp khi đến giai đoạn trổ cờ có dấu hiệu bị hư hỏng và đến nay coi như là mất trắng.
Để chứng minh cho những diện tích bắp của người nông dân thôn mình đang mất trắng vì trồng giống bắp mới NK67, ông Nguyễn Văn Dũng-Trưởng thôn 7 (xã Đông, huyện Kbang) đã dẫn chúng tôi đi quanh khu vực Tây sông Ba nơi hầu hết người nông dân địa phương trồng giống bắp mới.
Qua quan sát bên ngoài cho thấy nhiều diện tích bắp phát triển rất tốt, cây to, cao khoảng 2 mét nhưng khi lội vào ruộng và lột vỏ bắp ra mới thấy xót ruột. Tất cả bắp khi lột vỏ thì thấy bên trong không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt, bắp chỉ bằng ngón tay đã bị thối đen. Thậm chí nhiều cây còn không ra nổi trái. Nhiều diện tích khác thì lá bị cháy, xoắn lá và phát triển kém… chỉ tính riêng trong thôn cũng đã có 25 ha bắp bị hư hại.
Gia đình ông Huỳnh Quốc Bảo, ở thôn 7 (xã Đông, huyện Kbang), trồng 2 ha bắp ở khu vực Tây sông Ba bằng loại giống NK67. Khi xuống giống thấy bắp lên đều và thời tiết thuận lợi nên gia đình tập trung mọi nguồn lực vào chăm sóc kỹ hơn các năm trước.
Cây bắp phát triển rất tốt, cây mập mạp và cao qua đầu người nhưng đến giai đoạn trổ cờ thì bị nghẹn cờ, bắp ra quả nhỏ, không phát triển và cây bị khô héo dần trên đồng. Ông Bảo bức xúc cho biết: Nói chung mấy năm trước nhà chỉ trồng giống DK88 hay Bioseed 9698 và năng suất nó cũng được nhưng vừa rồi được bên đại lý phân phối mời đi hội thảo giống bắp mới NK67 do Công ty Syngenta sản xuất.
Khi dự hội thảo chúng tôi được thăm quan tại đồng thấy giống bắp này cho năng suất cao nên đã chuyển đổi giống sang trồng thử. Song mới trồng cây bắp phát triển rất tốt nhưng không biết do giống hay lý do gì mà đến giai đoạn ra trái thì bị cháy và hư hết, không ra trái hoặc có trái mà không có hạt. Với diện tích này, chỉ tính tiền cày, giống, phân bón gia đình đã bỏ ra hơn 15 triệu đồng, còn chưa tính công lao động.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Bảo, là hơn 1,3 ha bắp của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc cũng nằm trong tình trạng tương tự. Cây bắp vẫn còn xanh nhưng quả thì quá nhỏ lại không có hạt. Đám bắp nhà ông cũng mất đến 90%. Hiện gia đình cũng đành bỏ vậy để cho các hộ khác chặt cây về làm thức ăn cho gia súc.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm: Gia đình tôi có 2 ha đất khi thấy nhà phân phối giống NK67 phối hợp với khuyến nông làm hội thảo đầu bờ giống bắp mới năng suất cao. Vụ năm nay gia đình chuyển đổi 1,3 ha sang trồng giống bắp mới NK67 thì năm nay nó bị hư hết, coi như trắng tay. Ước tính thiệt hại của gia đình khoảng 32 triệu đồng. Còn 7 sào gia đình trồng giống cũ thì cây vẫn phát triển bình thường.
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của xã Đông, đã có trên 40 ha bắp của người dân bị thiệt hại. Tập trung ở các thôn 7, thôn 8 và rải rác các thôn khác của xã. Trong đó hộ nhiều nhất là hơn 2 ha, còn hộ ít cũng vài sào. Điều đáng nói là trên cùng một cánh đồng nhưng chỉ có những đám trồng giống bắp NK67 là bị hiện tượng như trên. Thậm chí có những đám trồng xen lẫn giống NK67 và loại giống khác nhưng chỉ có cây bắp giống NK67 là bị hư hỏng.
Những cây bắp bị hư này xuất hiện rất nhiều sâu bệnh gây hại ở phần ngọn và quả. Theo các hộ dân ở đây cho biết: NK67 là loại giống mới, vụ bắp năm ngoái có một số hộ đã trồng ở khu vực này và cho năng suất khá cao. Thấy vậy nên vụ bắp này nhiều hộ đã chuyển sang trồng nhưng không biết vì sao lại bị tình trạng trên. Trước vấn đề đó, các hộ dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương và ngành chuyên môn để có hướng xử lý.
Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Ngay sau khi nhận được báo cáo của xã, huyện đã có văn bản chỉ đạo giao trách nhiệm cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện và UBND xã Đông để kiểm tra thực tế xác định cụ thể diện tích trồng bắp lai NK67 bị thiệt hại và giá trị thiệt hại. Đồng thời, kiểm tra cụ thể nguồn gốc xuất xứ của giống bắp lai này và tìm nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên cây bắp.
Hiện phía đơn vị phân phối giống bắp NK67 là Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tại cánh đồng để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, phía Công ty phân phối cũng chưa lý giải được nguyên nhân tại sao lại dẫn đến tình trạng trên.
Có thể bạn quan tâm

Quỹ Tín dụng nhân dân (QTD) thị trấn (TT) Diêu Trì hoạt động trên địa bàn TT Diêu Trì và 2 xã Phước An, Phước Thành (huyện Tuy Phước). Hoạt động của QTD đã góp phần giúp các địa phương này phát triển, kinh tế bình quân hàng năm từ 12 - 15,3%, thu nhập bình quân đầu người từ 34,5 - 40 triệu đồng/năm.

Ngày 31.8, Bộ NN-PTNT đã công bố báo cáo kết quả kiểm tra bước đầu chất tạo nạc trong chăn nuôi heo sau khi có đề nghị của Chi cục Thú y TPHCM cũng như thông tin dư luận cho rằng các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông dân đang sử dụng bừa bãi chất tạo nạc Sbutamol, gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm rối thị trường.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp, giá trị xuất khẩu của ngành 8 tháng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 19,31 tỷ USD.

Chậm nhất là đến tháng 9.2015, Cục Thuế tỉnh phải đạt tỉ lệ 90% số doanh nghiệp (DN) nộp thuế điện tử (NTĐT) trên cả 3 tiêu chí: 90% DN đăng ký NTĐT với cơ quan thuế (CQT), 90% tổng số tiền nộp thuế trong tháng bằng phương thức điện tử và 90% số lượng chứng từ nộp thuế trong tháng được nộp bằng phương thức điện tử. Hoàn tất bước 1, ngành Thuế tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy trình, song khó khăn vẫn còn nhiều khi không ít DN chần chừ với NTĐT.

Xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đang hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới và quan trọng hơn, địa phương đang thử nghiệm thành công nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập.