Nông dân bán bò sữa trốn chạy TPP

Bà Dương Ngọc Loan – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi) – địa phương có số lượng bò sữa lớn nhất ở TP.HCM cho biết, các công ty sữa có trạm thu mua đóng trên địa bàn, như:
Tân Việt Xuân, Vinamilk, Cô gái Hà Lan, Longthanhmilk đều thông báo sẽ giảm hoặc cắt hợp đồng thu mua sữa với người chăn nuôi vào đầu năm 2016.
“Nhân viên thu mua sữa của các công ty này cho biết, do lo ngại cạnh tranh giá sữa với các nước tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên thái Bình Dương) nên các công ty phải cắt hoặc giảm hợp đồng với nông dân nuôi bò sữa” - bà Loan nói.
Bò sữa giá rẻ bất ngờ
Chưa bao giờ làng nuôi bò sữa Củ Chi lại sục sôi như lúc này, đi đến đâu cũng nghe dân nuôi bò sữa bàn tán chuyện bán bò trước nguy cơ bị các công ty sữa cắt hợp đồng thu mua.
Ông Võ Văn Ngon (ấp 11, xã Tân Thạnh Đông) – nông dân nuôi bò sữa lâu năm, hiện có trang trại với 240 con bò cho biết, ông mất ăn, mất ngủ thời gian qua vì thông tin công ty thu mua sữa cắt hợp đồng từ đầu năm 2016.
“Trang trại của tui tính sơ cũng đầu tư khoảng 6 tỷ đồng.
Với 240 con bò sữa như hiện nay, nếu công ty không thu mua sữa nữa thì biết bán đâu cho hết” - ông Ngon than thở.
Theo ông Ngon, hiện bà con nuôi bò sữa ở địa phương ráo riết gọi bán bò để giảm thiệt hại trước việc các công ty không thu mua sữa nữa, nhưng hiện nay khó có ai chịu mua cho dù giá rẻ bất ngờ.
Một con bò sữa chất lượng tốt, nếu trước đây mua với giá 65 triệu đồng/con, thì giờ chỉ bán được giá tốt nhất chỉ khoảng 20 triệu đồng.
“Người ta mua về cũng giết thịt chứ ai dám nuôi để lấy sữa bán đâu” - anh Trương Vĩnh Hảo (ấp 3, xã Tân Thạnh Đông), người đang nuôi hơn 20 con bò sữa cho biết như vậy.
Không chỉ có nông dân, ông Nguyễn Văn Mon – Đội trưởng đội quản lý thị trường (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM), cũng than vắn thở dài.
Hiện, ông Mon đang nuôi hơn 20 con bò sữa tại Củ Chi.
“Tình hình thật bi đát.
Tôi vừa làm quản lý vừa làm nông dân nuôi bò sữa nhưng cũng bất lực trước thông tin công ty sữa cắt hợp đồng thu mua sữa” - ông Mon nói.
Hiện đàn bò sữa của TP.HCM có hơn 100.000 con.
Trong đó, Củ Chi là vùng trọng điểm nuôi bò sữa với 58.000 con, tập trung tại các xã: An Phú, Tân Thạnh Đông, An Nhơn Tây, Phạm Văn Cội...
Theo lãnh đạo một số xã có chăn nuôi bò sữa hiện nay, chưa có thống kê chính xác lượng bò sữa nông dân đã bán trong thời gian qua, nhưng nhận định chung là “tương đối nhiều”.
Phải can thiệp ngay
Trước việc nông dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn đang đồng loạt kêu bán bò do bất an trước thông tin các công ty thu mua sữa sẽ cắt hợp đồng vào đầu năm 2016, bà Dương Ngọc Loan cho biết, việc giảm hoặc cắt hợp đồng thu mua sữa của các công ty mới chỉ là thông tin truyền miệng, công ty thu mua sữa chưa có quyết định chính thức, tuy nhiên đây là điều rất đáng lo ngại.
“Trước mắt, chính quyền xã đang giải quyết một vấn đề cũng hết sức bức xúc của bà con chăn nuôi bò sữa hiện nay là việc các công ty thu mua sữa tươi, để ổn định đời sống” - bà Loan nói.
Theo đó, trong tổng số gần 1.800 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Tân Thạnh Đông với gần 21.000 con bò, hiện có 500 hộ nuôi bò sữa không bán được sữa.
Những hộ này đang vớt vát bán sữa cho các công ty sản xuất bánh kẹo với giá 7.000 đồng/lít sữa (theo tính toán phải bán được giá 12.000 đồng/lít sữa mới hòa vốn).
Ông Phạm Phú Cường – Phó Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết, huyện đang cho rà soát lại quy trình sản xuất sữa của nông dân đối với tổng đàn bò sữa trên địa bàn và sẽ có hướng điều chỉnh, tìm hướng giải quyết trong thời gian sắp tới.
Trong khi đó, theo ông Phạm Viết Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trước tình hình giá sữa đang ở mức thấp và thông tin các công ty thu mua sữa sẽ giảm hoặc cắt hợp đồng với người chăn nuôi bò sữa, thành phố cần làm việc với các công ty thu mua sữa để tìm lối ra.
Về phía các công ty thu mua sữa, phóng viên NTNN đã liên lạc để tìm hiểu thực hư việc cắt giảm hợp đồng thu mua sữa, và đều được hẹn sẽ bố trí làm việc, trả lời vấn đề này.
NTNN sẽ tiếp tục thông tin trên các số báo tới.
Ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, với những thông tin về ngành sữa bất lợi khi TPP có hiệu lực, giá sữa tươi sắp tới sẽ còn giảm nữa.
Nông dân chăn nuôi bò sữa của thành phố sẽ tiếp tục bán sữa với giá lỗ.
Theo ông Sơn, thành phố phải có giải pháp hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa trong lúc này, như: Khoanh nợ với những hộ vay vốn; tuyên truyền người dân giữ lại những con bò chất lượng mà không nên bán đi; nâng chất lượng sữa bằng can thiệp biện pháp kỹ thuật, như: Cải tiến máy vắt sữa, làm thức ăn tổng hợp…
Có thể bạn quan tâm

Bởi hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá trong vèo mùa nước lũ khá cao nên năm nay nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Long Hồ (Vĩnh Long) tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá trong vèo.

Giá tôm tăng, lẽ thường người nuôi và doanh nghiệp (DN) Quảng Ngãi phấn khởi. Ấy vậy mà vừa qua, tôm đột ngột tăng giá lại khiến “dân cười, DN mếu”. Qua thật về lâu dài, động thái này dễ khiến thị trường bất ổn, còn hoạt động nuôi tôm cũng bị đảo lộn..

Ông Philip Bacac - Tổng giám đốc Metro cho biết, bên cạnh các sản phẩm thủy sản đã đáp ứng yêu cầu “MetroGAP”, thời gian tới, Metro sẽ lựa chọn thêm các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGAP đưa vào bán tại siêu thị này.

Anh Phan Văn Mãi ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được nhiều người biết đến là một nông dân làm kinh tế giỏi từ chăn nuôi tổng hợp: cá lóc, cá trê, bò, heo, vịt. Trang trại tổng hợp của anh đạt hiệu quả cao và được người dân địa phương học hỏi, áp dụng.

Những tháng đầu năm 2013, tình hình nuôi và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến không thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu hầu như luôn nằm dưới giá thành sản xuất khiến nông dân nuôi cá lỗ nặng, phải thu hẹp sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu (XK) lại cạnh tranh nhau về giá XK cá tra phi lê dẫn đến giá cá liên tục giảm.