Nông Dân Bà Rịa-Vũng Tàu Ồ Ạt Chuyển Sang Trồng Hồ Tiêu Ghép

Thực tế cho thấy, vẫn chưa có cơ sở nào cho rằng giống tiêu ghép sẽ đem lại hiệu quả cao và có thể thay thế các giống tiêu hiện tại.
Tuy đã được khuyến cáo không nên ồ ạt mà nên trồng thử nghiệm giống hồ tiêu ghép với số lượng nhỏ để kiểm tra tính hiệu quả của cây giống này nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế đáng tiếc có thể xảy ra nhưng nhiều hộ dân trồng tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chuyển sang trồng loại cây này.
Thời gian qua, do giá tiêu liên tục tăng cao nhưng nhiều diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị dịch bệnh làm tiêu chết hàng loạt, khiến người trồng tiêu rất lo lắng.
Nắm bắt được tâm lý của nông dân, hơn một năm trở lại đây, trên địa bàn các huyện có trồng tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu như Châu Đức, Xuyên Mộc nhiều hộ trồng tiêu đã nhập khá nhiều giống tiêu ghép không rõ nguồn gốc để bán và trồng đại trà vì cho rằng, giống tiêu ghép này có khả năng chống chịu bệnh, chịu ngập úng tốt.
Ông Nguyễn Bách Thắng (ở thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết trước đây, nhà ông trồng giống tiêu Vĩnh Linh nhưng bị chết gần hết do bệnh chết nhanh, chết chậm.
Năm vừa rồi, nghe thông tin có giống tiêu ghép có thể hạn chế được các loại dịch bệnh, chịu ngập úng tốt nên ông đã mua giống tiêu ghép về trồng thử. Khi mua giống tiêu ghép này về, thấy cây vẫn phát triển bình thường (hiện vẫn chưa cho quả), nên ông cũng muốn trồng thử thêm một ít nữa. Nếu phát triển tốt ông sẽ nhân rộng diện tích tiêu ghép.
Cũng như ông Thắng, anh Nguyễn Bé (ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cũng vừa mới mua thêm 200 gốc tiêu ghép về trồng. Cách đây một năm, anh Bé có mua trồng thử 30 gốc tiêu ghép (hiện cũng chưa cho quả), thấy cây phát triển tốt và không có hiện tượng mắc bệnh như tiêu thông thường. Dù chưa biết năng suất từ giống tiêu ghép này ra sao song do vườn tiêu gần 1ha của anh Bé đang mắc bệnh nên anh Bé dự định chuyển sang trồng tiêu ghép nếu giống này phát triển tốt.
Anh Bé cũng cho biết anh chỉ mong giống tiêu này phát triển tốt, còn năng suất chỉ bằng 1 nửa giống tiêu bình thường là "sống" rồi, còn như giống tiêu đang trồng thì cứ trồng xuống là bị chết khiến người dân liên tục bị thất thu.
Vườn ươm của bà Huỳnh Kim Hạnh (ở thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) có hàng chục nghìn bầu ghép đang trong thời kỳ phát triển tốt. Giá một bầu ghép từ 25.000-30.000 đồng/bầu, mỗi năm vườn ươm bà Hạnh cho ghép trên 50.000 bầu tiêu ghép.
Theo ông Nguyễn Bàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Long, huyện Châu Đức, xã có khoảng khoảng 100 hộ trong tổng số 1.000 hộ trồng tiêu đã chuyển sang trồng loại tiêu ghép này trên diện tích tiêu bị chết. Hiện nay hiệu quả của việc sử dụng giống tiêu ghép còn chưa rõ ràng, năng suất và khả năng kháng bệnh cũng chưa được khẳng định.
Tiêu ghép có gốc ghép mà các nhà vườn thường gọi là gốc Amazon là loại cây chịu nước, chống ngập úng tốt... Cách đây bảy năm đã được một vườn ươm tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai dùng để ghép thành công với cây tiêu, đưa vào trồng và cây đã cho trái 2-3 năm trở lại đây.
Thực tế cho thấy, vẫn chưa có cơ sở nào cho rằng giống tiêu ghép sẽ đem lại hiệu quả cao và có thể thay thế các giống tiêu hiện tại. Ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa thống kê được số hộ dân và số diện tích trên địa bàn đã chuyển sang trồng loại cây này. Nhưng qua kiểm tra, giống tiêu ghép chưa có kết quả nghiên cứu, đánh giá của các ngành chuyên môn và nhà khoa học, cũng như chưa được tổng kết, đánh giá kết quả qua mô hình trồng thực tế của những hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đất-Phân bón và Môi trường phía Nam thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa, cho biết ông rất băn khoăn về khả năng thích ứng giữa nhánh ghép với gốc ghép, khả năng cho năng suất của tiêu ghép này cũng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là khả năng kháng bệnh.
Nguyện vọng của người trồng tiêu là có được giống tốt, phát triển, kháng bệnh và cho năng suất tiêu cao. Tuy nhiên cây giống tốt đòi hỏi phải có ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đánh giá về chất lượn. Do vậy, bà con nông dân hãy cân nhắc trong việc lựa chọn giống tiêu ghép này về trồng.
Có thể bạn quan tâm

Trước đây, các hộ gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăn nuôi bò theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ thường nuôi từ 1 đến 2 con. Những năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên được các hộ gia đình đầu tư để phát triển đàn bò trên quy mô lớn, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con, nhiều hộ có đàn bò lên đến trên 20 con.

Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...

Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long đang đầu tư mở rộng từ 2.000 mét vuông tăng lên 3.000 mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa, Đà Lạt, dự kiến đạt tổng sản lượng trên dưới 10 tấn/năm, trong đó chiếm 70% cá tầm và 30% cá hồi. Sau 4 năm (2006 - 2010) phát triển hiệu quả nghề nuôi cá nước lạnh, từ quy mô hộ gia đình đã vươn lên thành quy mô Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long với lợi nhuận thu về ổn định hàng năm trên dưới 100 triệu đồng/1.000 mét vuông.

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia. Qua gần một năm triển khai, các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.