Nóng chuyện làm ăn thời hội nhập

Chia sẻ và học hỏi nhau
Trước lễ tôn vinh Nông dân (ND) xuất sắc 30 phút, bên ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, nhiều ND vẫn rôm rả câu chuyện làm ăn.
Chị Lê Thị Phượng (Yên Bái) cho biết, về Hà Nội dự lễ tôn vinh chị rất mừng nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm của gia đình.
Chị cho biết, thế mạnh của gia đình chị cũng như nhiều hộ dân ở Yên Bái là trồng quế và sản xuất ra các sản phẩm từ loại cây này.
“Nhiều nông sản của ta rất được các nước ưa chuộng, trong đó có các sản phẩm từ cây quế.
Nhưng để nông dân giàu, Nhà nước cần tích cực đấu mối, tìm kiếm và kết nối thị trường cho nông sản Việt.
Hiện, sản phẩm của gia đình tôi vẫn phó mặc cho thương lái, đến mùa bán được chăng hay chớ”- chị Phượng bày tỏ.
Đứng bên cạnh, ND Đinh Văn Thiểm với chiếc áo sơ mi chỉn chu, quê ở Nam Định - người lai tạo và giàu lên nhờ giống lợn Tây góp chuyện: “Muốn làm ăn lớn, có lẽ ND chúng ta cũng phải tự chủ động thôi, không nên quá trông chờ vào Nhà nước.
Cá nhân tôi lúc nào cũng phải chủ động học hỏi, đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật.
Nếu không thế, chắc gì đã được về Hà Nội nhận danh hiệu ND xuất sắc”.
Nông dân Lê Thị Phượng (Yên Bái) chia sẻ bí quyết làm ăn với các nông dân xuất sắc bên lề buổi lễ tôn vinh tại Nhà hát Lớn.
Kể về câu chuyện vụ nhãn 2015 vừa qua ngay bên lề buổi lễ tôn vinh, anh Nguyễn Văn Thế (Hưng Yên) hào hứng cho biết, thương hiệu nhãn Hàm Tử chín muộn của Tổ hợp tác nhãn chín muộn Hàm Tử do anh làm tổ trưởng đã chinh phục được thị trường rất khó tính là nước Mỹ.
Khi vào tổ hợp tác, theo anh Thế, cái lợi nhất là đã thay đổi được tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ cố hữu của người trồng nhãn.
Việc xuất khẩu được nhãn đi Mỹ đã giúp bà con hiểu rằng người trồng nhãn phải liên kết với nhau, với nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học.
“Nếu không có tư duy sản xuất mới, thì người trồng nhãn nói riêng và ND nói chung sẽ thua ngay trên sân nhà” - anh Thế bày Tỏ.
Chung vui với câu chuyện làm ăn thời hội nhập, ông Lê Quang Minh (Bình Dương) kể, gia đình ông Minh có 4 trại gà lạnh, từ nhiều năm nay ông nhận nuôi gia công gà lạnh cho 1 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mấy tháng gần đây khi thịt gà Mỹ giá rẻ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, trại gà lạnh của ông Minh đã gặp rất nhiều khó khăn và phải ngừng hoạt động.
“Bốn trại với số vốn đầu tư 6-7 tỷ đồn,g giờ tôi chưa biết phải chuyển hướng ra sao? Sau lễ tôn vinh này, tôi phải tính lại thôi” – ông Quang trăn trở nói.
Tự cứu mình trước
Trao đổi với phóng viên NTNN, ND Nguyễn Thị Thiện Mỹ (Kon Tum) bày tỏ lo lắng khi lĩnh vực trồng rau, củ quả xứ lạnh chất lượng cao như bà đang làm chịu nhiều áp lực cạnh tranh với các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
ND sản xuất nhỏ lẻ không thể lấy “trứng chọi với đá” được.
“Để trụ được với nghề, phát triển được mô hình, chắc chắn tôi phải có những quyết định quan trọng, trong đó tính tới việc mở rộng đầu tư, chuyên sâu vào một vài sản phẩm mà mình có thế mạnh, kể các liên kết với các đối tác hoặc nhóm nông dân…”- bà Mỹ nói.
Góp phần làm nóng vấn đề nông dân và hội nhập, ông Đoàn Xuân An (Tuyên Quang) lấy chính mô hình rừng lâm nghiệp của gia đình ra để ví dụ và khẳng định, trồng cây nguyên liệu là thế mạnh của Việt Nam, kể cả khi đã gia nhập thị trường chung ASEAN hoặc TPP.
“Nhưng để ND giàu được từ rừng kinh tế, Nhà nước cần rà roát lại diện tích rừng sản xuất, những nơi nào nông-lâm trường hoạt động kém hiệu quả thì nên giao đất rừng cho nông dân”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng-nông dân sản xuất lúa giỏi của An Giang thì bày tỏ: “Nhà nước cần xây dựng hẳn chiến lược phát triển ngành lúa gạo bài bản, trong đó tập trung hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ nông dân trồng lúa chất lượng cao với quy mô cánh đồng lớn và nông dân liên kết với doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu chứ không qua các khâu trung gian”.
Cứ như thế, câu chuyện về làm ăn, hội nhập cứ râm ran mãi ở bên lề Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015.
Một nông dân giỏi đùa vui, giá như ngày ở Thủ đô kéo dài hơn...
Trong buổi sáng 14.10, nhiều NDVN xuất sắc đã tranh thủ về Thuận Thành (Bắc Ninh) đến tận nơi thăm trang trại vịt trời của anh Nguyễn Đăng Cường để thăm quan, tìm hiểu.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Cường phấn khởi khoe: “Sau khi tham quan, đã có 4 ND đến từ Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Vĩnh Long rất thích và bày tỏ hợp tác với tôi để gây dựng mô hình nuôi vịt trời…”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 19/7, kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết, sau hơn nửa năm chế tạo thành công bộ thiết bị gây tê cá ngừ đại dương bằng điện, đến nay, ông đã chế tạo được hơn 30 bộ gây tê cá ngừ, cung cấp cho ngư dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Giá mỗi bộ thiết bị 25 triệu đồng, thấp hơn ba lần so với thiết bị cùng loại do Nhật Bản sản xuất.
Báo cáo của Chi cục Thủy sản cho thấy, nuôi cá lồng bè phát triển ổn định cả sản lượng và giá cả, trong khi nuôi cá tra tiếp tục thua lỗ.

Từ thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong nông nghiệp được hiểu là đưa công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đồng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.