Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗi Lo Từ Việc Thu Mua Con Banh Lông

Nỗi Lo Từ Việc Thu Mua Con Banh Lông
Ngày đăng: 25/04/2014

Với chiêu bài mới, các thương lái Trung Quốc núp bóng các tiểu thương Việt để tìm mua con banh lông (một loại thuỷ sản dùng làm mồi câu cá rún) với giá cao ở các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang. Nhiều vựa thu mua vì món lợi trước mắt mà “sập bẫy” chiêu bài này.

Thật ra, người dân không phải không cảnh giác trước những chiêu trò thu mua nông sản của thương lái nước ngoài. Nhưng vì lợi nhuận cao, trong khi giá thu mua trong nước rẻ hơn, thậm chí có cả những mặt hàng tưởng không có giá trị cũng có thể bán, nên họ đổ xô đi mua bán mà không biết được những hệ huỵ đằng sau đó.

Không biết mua làm gì

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Từ Văn Hiền trần tình: “Mấy tháng trước, con banh lông được các thương lái mua giá đến 600.000-800.000 đồng/kg. Vì lợi nhuận cao nên một số vựa hải sản bắt tay và chuyển hàng lên TP Hồ Chí Minh để xuất bán. Tuy nhiên, tình hình giá cả hiện tại không còn như vậy nữa nên một số vựa hải sản trên địa bàn bị lỗ nặng”.

Ông Nguyễn Văn Kía, 47 tuổi, ở Khánh Hội, huyện U Minh, người có thâm niên nhiều năm trong nghề khai thác biển, cho hay: “Từ trước đến nay người dân ở đây không khai thác con banh lông (vì nó chỉ để làm mồi câu cá rún mà thôi). Tuy nhiên, gần đây có thông tin thương lái mua con này với giá cao, người dân bắt đầu chú ý khai thác”.

Một số người dân đi biển cho biết, con banh lông có hình dạng như trái banh tennis và nó vùi mình sâu dưới lớp bùn nên cũng không dễ dàng khai thác. Để khai thác được con banh lông thì dụng cụ là cần cẩu và lồng cào được gắn phía sau tàu (như loại dùng để cào sò voi, sò lụa nhưng có mắc lưới to hơn).

Chi phí cho việc đầu tư dụng cụ cào này khoảng 50-60 triệu đồng (với điều kiện đã có ghe tàu rồi). Như vậy, để chuyển đổi ngành nghề thì người dân tốn khoảng vài chục triệu đồng. Trong khi đó, việc thu mua sản phẩm rất bấp bênh, giá cả thất thường.

Ông Huỳnh Hoàng Tương, quyền Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho hay: “Tại cửa biển Khánh Hội có một vựa thu mua con banh lông này, nghe đâu thương lái bên Kiên Giang qua và chủ yếu là mua bán với các chủ ghe tàu Kiên Giang. Song giá cả cũng bấp bênh lắm”.

Chiêu cũ, đối tượng mua mới

Chị Huyền, chủ vựa hải sản Ngọc Huyền, thị trấn Sông Đốc, cho hay: “Khoảng 6 tháng trước đây, thương lái ở TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tiêu thụ con banh lông với giá 600.000-800.000đồng/kg nên chúng tôi cung cấp hàng. Sau đó, khoảng 2 tháng thì họ ngưng lại không mua nữa.

Sau 2 tháng ngưng, họ lại tiếp tục thu mua nhưng với giá thấp hơn (khoảng 320.000-340.000 đồng/kg). Và cũng như những lần trước, sau 2 tháng thì lại ngưng. Và sau đó mua lại với giá từ 70.000-120.000 đồng/kg. Và hiện tại thì không mua nữa”.

Theo thông tin từ các chủ vựa, sản phẩm không phải trực tiếp bán sang Trung Quốc mà được chuyển qua tay một thương lái người Việt tại TP Hồ Chí Minh. Ai cũng biết rằng mua bán với người lạ không có hợp đồng kinh tế rõ ràng là không bền vững, giá cả lại không ổn định, tuy nhiên, vì món lợi trước mắt mà nhiều thương lái âm thầm hợp tác và cung ứng hàng. Đến khi đổ vỡ ra thì chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Ông Từ Văn Hiền bức xúc: “Việc mua bán nông sản thường không sòng phẳng, không hề có hợp đồng, tuỳ tiện nâng giá một cách vô lý. Dù rất buồn nhưng tôi phải khẳng định, nông dân ta thường chạy theo lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, không nghĩ ngợi nhiều đến lợi ích cộng đồng. Mặc dù địa phương cũng đã tuyên truyền nhiều nhưng hễ việc nào có lãi cao là họ lại bất chấp”./.

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ tháng 4 đến nay, thương nhân Trung Quốc đổ xô đến khu vực ĐBSCL tìm mua một số loại nông sản với giá cao. Tuy nhiên, việc kinh doanh của họ có nhiều dấu hiệu bất thường. Việc thu mua theo kiểu vơ vét của thương lái Trung Quốc khiến thị trường một số loại nông sản ở đây trở nên lũng loạn. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cẩn thận với chiêu bài này của thương lái Trung Quốc.

Để kịp thời ngăn chặn các hình thức thu mua trái phép nông, lâm, thuỷ hải sản của các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài (trong đó có người Trung Quốc) trên lãnh thổ Việt Nam, trong năm 2014, không làm ảnh hưởng đến những hộ nuôi, trồng và thực hiện đúng với các quy định pháp luật của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, ngày 12/3, Bộ Công thương ban hành công văn về việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hoá của người nước ngoài tại Việt Nam gởi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo công văn này, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh nghiêm túc thực hiện Công văn ngày 25/5/2012 của Bộ Công thương về người nước ngoài mua bán hàng hoá tại Việt Nam. Cùng với đó, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu báo cáo hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thuỷ sản (kể cả những loại khác lạ) của người nước ngoài trên địa bàn và kết quả triển khai thực hiện cũng như những vướng mắc, khó khăn về Bộ Công thương - Vụ Thị trường trong nước để kịp thời tháo gỡ.


Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa điện thiếu an toàn Ẩn họa điện thiếu an toàn

Mùa mưa đến cũng là lúc nỗi lo về an toàn điện càng tăng khi mà nhiều đường dây điện hiện không còn đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.

30/10/2015
Thực phẩm Việt cần một chiến lược xây dựng thương hiệu Thực phẩm Việt cần một chiến lược xây dựng thương hiệu

Thực phẩm Việt cần có chiến lược xây dựng thương hiệu để hội nhập sâu rộng, gắn kết chặt chẽ giữa chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường.

30/10/2015
Xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước Xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước

Ngày 27-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo quốc tế về chủ đề “ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm, định hướng tương lai”.

30/10/2015
Hội chợ triển lãm giao lưu công nông nghiệp Hậu Giang 2015 Kết nối công nông Hội chợ triển lãm giao lưu công nông nghiệp Hậu Giang 2015 Kết nối công nông

Kéo dài từ ngày 26-10 đến 2-11-2015 tại Công viên Xà No, thành phố Vị Thanh, nhưng chỉ qua 2 ngày, Hội chợ triển lãm giao lưu công nông nghiệp Hậu Giang 2015 đã vực dậy sức mua của người dân sau nhiều tháng trầm lắng.

30/10/2015
 Trồng ấu cho thu nhập khá Trồng ấu cho thu nhập khá

Những năm gần đây, một số nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình trồng luân canh ấu trên nền đất ruộng trũng và trồng xen trong mương liếp vườn vào mùa nước nổi, đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.

30/10/2015